Quyết định này ảnh hưởng lớn đến việc điều trị tại các BV.
Quản lý yếu kém?
Phản ánh đến báo Phụ Nữ, chị Tr.T.L. (35 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, mẹ chị bị đau cột sống, đang được BV Nhân dân Gia Định điều trị hiệu quả bằng thuốc Topxol 50 (hoạt chất tolperison), nhưng gần đây, bác sĩ thông báo thuốc Topxol 50 không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán nữa nên phải thay thế bằng thuốc có hoạt chất tương tự là Mydocalm 50mg.
Được biết, ngoài thuốc Topxol 50, BV Nhân dân Gia Định còn có nhiều loại thuốc khác bị BHYT ngưng thanh toán như: Pizar 6mg (trị bệnh giun chỉ), thuốc tiêm Streptoken 1.5MUI (dùng kháng đông, chống kết dính tiểu cầu & tiêu sợi huyết), Zinc (dùng bổ sung kẽm), Chlorure de sodium 20% 10ml (dùng cho trường hợp mất nước do tiêu chảy, sốt cao), Unitrexates 2.5mg (trị viêm khớp dạng thấp). Riêng Chlorure de sodium 20% 10ml và Unitrexates 2.5mg không có thuốc khác thay thế.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở BV Nhân dân 115, có đến 26 mặt hàng thuốc bị ngưng thanh toán BHYT đột ngột, nhiều loại thuốc đã cho người bệnh sử dụng gần hết gói thầu cũ. Đơn cử như Cefi xim 400 đã xuất kho gần 5.600 viên, thuốc Agi-cotrim F đã dùng đến 4.382 viên, chỉ còn trong kho 693 viên. Domenol 16mg đã dùng hết 27.190 viên, còn 1.610…
Trong lô hàng thuốc sản xuất trong nước bị ngừng sử dụng tại BV Nhân dân 115 có đến ba mặt hàng của Công ty cổ phần dược phẩm An Giang (Agimexpharm) gồm: Agilecox 100 (kháng viêm, giảm đau), Agicetam (trị chóng mặt, sau mổ chấn thương sọ não…), Agi-cotrim F (nhiễm khuẩn đường tiểu). Công ty TNHH dược phẩm Đạt Vi Phú có ba mặt hàng gồm: Zapnex-5 (điều trị rối loạn tâm thần), Martaz (trị bệnh lý dạ dày, tá tràng), Magrax 90mg (điều trị viêm khớp, cơn gout cấp) bị ngưng sử dụng.
|
Nhiều loại thuốc trúng thầu bị ngưng thanh toán BHYT |
Đáng ngạc nhiên là các thuốc này đã trúng thầu tập trung năm 2015 và các công ty trước khi tham gia đấu thầu đều đã nộp đầy đủ giấy tờ kê khai/kê khai lại giá với Cục Quản lý dược. Việc “tuýt còi ở phút 89” khi gói thầu cũ gần hết thời hạn khiến các BV không biết ứng phó ra sao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 26/3/2016, BHYT ra thông báo ngưng thanh toán các thuốc trúng thầu, dựa vào việc Cục Quản lý dược không đăng tải thông tin giá các loại thuốc này lên trang thông tin điện tử.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp (DN) dược có thuốc trúng thầu bị BHYT “tuýt còi” bức xúc: “Tất cả các mặt hàng trúng thầu của chúng tôi đều có đầy đủ giấy kê khai/kê khai lại về giá. Việc Cục Quản lý dược có đưa bảng giá lên trang thông tin điện tử của Cục hay không là trách nhiệm của họ, làm sao DN quyết định được? Hiện thị trường có gần 30.000 thuốc lưu hành, nhưng trang thông tin điện tử có chưa tới 2.000 mặt hàng thuốc được kê khai giá. Cách quản lý như vậy là yếu kém”.
BHYT không thanh toán, BV "gánh"
Các chuyên viên về đấu thầu thuốc phân tích: Lỗi ngưng thanh toán BHYT xuất phát từ Cục Quản lý dược. BHYT chỉ dựa vào trang thông tin điện tử của Cục mà ra quyết định như vậy là “làm khó” người bệnh. Thông tư số 50/2011/TTLTBYT-BTC-BCT của liên bộ Y tế - Tài chính - Công thương ở điểm b, khoản 2, điều 8 quy định đối với trường hợp kê khai lại giá thuốc: “Chậm nhất 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ kê khai lại giá theo đúng hướng dẫn, nếu phát hiện giá thuốc kê khai lại không hợp lý thì Cục Quản lý dược, Bộ Y tế sẽ có ý kiến bằng văn bản về giá thuốc kê khai lại và nêu rõ lý do”.
Điều này có nghĩa, sau 17 ngày nộp giấy tờ kê khai/kê khai lại mà không có ý kiến từ Cục Quản lý dược thì giấy tờ kê khai được coi là hợp lý. Thực tế, ngay lúc nộp hồ sơ dự thầu, các DN đã nộp giấy kê khai, đến khi trúng thầu là đã kéo dài vài tháng. Gói thầu tại TP.HCM công bố từ ngày 22/6-28/7/2015 nhưng đến tận 26/3/2016, BHYT mới ra thông báo ngưng thanh toán các thuốc trúng thầu.
Trước thắc mắc của các BV, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đang xin ý kiến chỉ đạo của Bộ về việc thanh toán chi phí thuốc BHYT đối với các thuốc trúng thầu nhưng chưa có giá kê khai/kê khai lại. Trong thời gian chờ đợi, Sở đề nghị đối với các loại thuốc chưa có giá kê khai/ kê khai lại theo công bố của Cục Quản lý dược thì “Thống nhất tạm dừng thanh toán BHYT theo đề nghị của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho đến khi DN hoàn thiện thủ tục kê khai giá theo quy định. Tuy nhiên, để tránh gián đoạn việc cung ứng thuốc của các cơ sở y tế, đề nghị BHXH Việt Nam nên có thông báo về mốc thời gian sẽ tạm dừng thanh toán để các cơ sở y tế, DN thực hiện”.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: việc tạm ngưng thanh toán thuốc BHYT chưa được kê khai/kê khai lại nhằm đảm bảo việc thanh toán thuốc BHYT theo đúng quy định. Từ 11/6/2016, các mặt hàng thuốc chưa được Cục Quản lý dược công bố giá kê khai/kê khai lại sẽ tạm dừng thanh toán BHYT. Hiện vẫn còn nhiều DN cung ứng thuốc chưa kịp hoàn thiện thủ tục kê khai/kê khai lại giá thuốc và chưa được Cục Quản lý dược công bố.
Theo ông Thảo, với những thuốc đã được BHYT thanh toán nhưng có giá cao hơn giá kê khai/kê khai lại được Cục Quản lý dược công bố thì BHXH sẽ thu hồi chi phí chênh lệch đó. Nếu DN đã thực hiện kê khai giá nhưng Cục Quản lý dược chưa công bố làm ảnh hưởng đến quá trình cung ứng thuốc cho người bệnh thì các BV thông báo cho BHXH để kiến nghị Bộ Y tế xem xét, giải quyết.
Trao đổi với báo Phụ Nữ, đại diện BV Nhân dân Gia Định cho biết, BV đang tìm mọi cách khắc phục để phục vụ bệnh nhân, vì không thể gián đoạn điều trị. Cụ thể, trong số bảy loại thuốc bị ngưng thanh toán BHYT thì có năm loại thuốc BV có thể thay thế bằng các thuốc có hoạt chất tương tự, nằm trong danh mục BHYT, bệnh nhân không phải tự chi trả. Riêng loại thuốc Unitrexates 2.5mg (trị viêm khớp dạng thấp) và Chlorure de sodium 20%10ml không thể thay thế bằng thuốc khác, BV Nhân dân Gia Định chủ động cho bệnh nhân hưởng theo chế độ BHYT và đã làm công văn giải trình gửi BHXH TP.HCM và Sở Y tế. Nếu các thuốc này vẫn không được BHYT thanh toán, BV sẽ chịu chi phí này.
BV Nhân dân 115 cũng cho biết, sẽ thay thế những thuốc bị ngưng thanh toán BHYT bằng các thuốc có hoạt chất tương tự. “Việc làm cứng nhắc này đã ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc, điều trị, mà đối tượng thiệt thòi nhất là người bệnh. Quyền được điều trị bệnh của họ không được đảm bảo. Cục Quản lý dược và BHYT nên điều chỉnh những bất cập bằng hình thức khác, thay vì ngưng sử dụng thuốc”, một bác sĩ kiến nghị.
Văn Thanh