Đọt mì chua nấu cá, từ e ngại đến ăn nhiệt tình bởi hương vị khó tả

26/07/2019 - 08:10

PNO - Từ Nam Trung bộ ra Bắc theo chồng, mình ngỡ ngàng với món ăn dân dã quê Phú Thọ, đó là món lá mì (sắn) chua nấu cá da trơn.

Thực ra rau mì ở quê mình nhiều vô kể, nhưng chưa ai biết hái đọt mì ngâm chua nấu với cá như ở quê chồng. Lúc đầu mình cũng ngần ngại không dám ăn vì sợ ngộ độc. Ở quê, mình đã chứng kiến bao nhiêu vụ trâu bò ăn lá mì bị say, bụng trướng to rồi chết.

Nhưng cô em chồng khuyên: “Chị hai ăn thử đi cho biết. Chứ món rau mì nấu cá trê giờ trở thành đặc sản Phú Thọ rồi đấy!”. Mình mới mạnh dạn ăn nửa chén, rồi thêm một chén nữa. Ngon tuyệt vời! Món canh có mùi thơm ngai ngái, vị chua thanh, đậm ngọt, rất khó tả. Những thân đọt mì mềm thơm, lá mì non sóng sánh, đọng bám dầu ăn và mỡ cá, chỉ cần nhai nhẹ là nát, cảm giác mấy sợi tơ nhỏ cứ vướng vít trong miệng không muốn rời. Canh rau mì chua nấu cá là món ăn bổ dưỡng, nhiều chất xơ, giàu chất đạm.

Dot mi chua nau ca, tu e ngai den an nhiet tinh boi huong vi kho ta
 

Cô em chồng khuyên nên chọn hái những đọt mì cắm ngoài hàng rào, hoặc trên những bó cây mì giống ươm dưới đất lâu ngày mọc mầm lên. Thường những loại mì luộc củ ăn thì sẽ hái đọt nấu canh được, như mì nếp, mì gòn, mì chuối. Mấy loại mì cao sản, mì đắng trồng để bán làm tinh bột thì không nên ăn rau, dễ bị ngộ độc (quê chồng tôi gọi là “say mì”), với những hiện tượng kèm theo như đau đầu, chóng mặt, nôn ói, suy tim mạch.

Rau mì chua nấu với các loại cá đều ngon, nhưng đặc biệt hợp với các loài cá da trơn như cá trê, cá ngạnh, cá chạch. Cá da trơn có mùi tanh hơn cá khác, mà rau sắn chua lại khử tanh rất tốt. Bát canh múc ra, thơm đậm mùi chua thanh của rau, mùi thơm của cá.

Dot mi chua nau ca, tu e ngai den an nhiet tinh boi huong vi kho ta
 

Hái ngọn rau mì, chỉ nên ngắt tới phần thân còn mềm, lá non hoặc lá bánh tẻ một chút cũng được. Rau mì hái về rửa sạch, để cho ráo rồi đem vò nát. Có thể vò rau trong chiếc mâm hoặc chậu sạch. Sau khi vò, không nên xối nước rửa vì sẽ bị nhạt rau, mà phải ngâm rau vào nước lạnh pha chút muối cùng vài lát măng tre thái mỏng. Mùa hè, rau mì ngâm chừng ba ngày là vừa chua, ngâm lâu ngày rau sẽ trở nên chua đậm, ăn mất ngon.

Ở quê chồng tôi, người ta thường đổ bớt phân nửa nước mì ngâm, bổ sung thêm nước lạnh, rồi đem nấu, chứ không vớt ra rửa. Đặt nồi rau mì lên bếp, đun sôi, một con cá trê chừng 500-800g làm sạch, cắt khúc rồi thả vào nồi rau. Khi nước sôi lại, thêm một muỗng dầu ăn, vài trái ớt đỏ, bột canh, mì chính nêm vừa ăn, vặn nhỏ bếp ga hay bớt củi, đun liu riu lửa chừng năm mười phút là được.

Có người thường xào qua cá với cà chua, hành khô, rồi mới đổ rau mì vào nấu. Nhưng theo kinh nghiệm dân gian, phải thả cá tươi bỏ vào nồi khi rau đang sôi thì canh mới thơm, ngọt.

Mấy tháng nay về quê ngoại chờ sinh, tôi quay quắt nhớ mùi canh rau mì chua nấu cá trê thanh dịu. Cũng hên là trong vườn ngoại còn sót mấy cây mì gòn ở bờ rào. Nhờ bà ngoại hái được một nắm đọt mì, tôi loay hoay nhớ lại cách làm và nấu một nồi rau mì chua giải nhiệt giữa mùa hè nóng nực. Tuy vậy, cá trê ở đây hiếm quá, tôi đành thay bằng cá mè.

Nồi canh đọt mì chua làm cả nhà ngoại ngạc nhiên. Ai cũng khen ngon, lạ miệng, nhưng tôi vẫn thấy thiếu thiếu một vị gì đó, mà không nghĩ ra. Có lẽ là nỗi nhớ tha thiết một vùng quê mình từng gắn bó. 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI