Đốt laser 'dội bom' giun đũa chó trên chân bệnh nhân

22/08/2019 - 07:00

PNO - Mới đây, các bác sĩ tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghi nhận rất nhiều trường hợp bị các sang thương trên da như nổi mề đay, mẩn ngứa.

Khi thử huyết thanh đặc hiệu ghi nhận từ 5-10% dương tính với nhiễm ký sinh trùng. Các biểu hiện khi nhiễm ký sinh trùng của các bệnh nhân rất khác lạ, nguồn lây bệnh được cho rằng có thể từ thực phẩm không an toàn.

Dot laser 'doi bom' giun dua cho tren chan benh nhan
Vòng đời giun đũa chó

Cách đây vài ngày, cụ ông P.V.H., 70 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An, đến khám tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vì viêm da cơ địa (chàm ứ đọng). Hai cẳng chân của bệnh nhân rải rác các mụn nước đỏ sần gây ngứa ngáy.

Theo kinh nghiệm của thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Thúy Phượng, các thương tổn của cụ H. đang bị bội nhiễm vi nấm nên chỉ định bệnh nhân uống thuốc. Một tuần sau, bệnh nhân tái khám, thương tổn có giảm nhưng từ chính chỗ đó lại xuất hiện thêm ba đường ngoằn ngoèo gồ lên khỏi bề mặt da màu đỏ tươi. Cụ tự quan sát thấy đường ngoằn ngoèo kia mỗi ngày dài ra thêm 2-3cm. 

Bác sĩ Phượng nghi ngờ có ấu trùng giun đũa chó “đào hầm” dưới da, chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì chỉ số bạch cầu ái toan tăng cao và huyết thanh chẩn đoán đặc hiệu dương tính với giun đũa chó.

Điều trị giun đũa chó có thể cho bệnh nhân uống thuốc theo cách truyền thống, tuy nhiên không đem lại hiệu quả tức thì đối với ca bệnh này, bởi giun đũa chó nằm trên lớp thượng bì, máu không lên tới nơi nên thời gian thuốc thẩm thấu tiêu diệt giun cũng chậm hơn. Bệnh nhân đã được làm thủ thuật đốt laser CO2 “dội bom” chặn đầu đường hầm của ấu trùng giun, nhờ thế giun bị tiêu diệt lập tức. 

Dot laser 'doi bom' giun dua cho tren chan benh nhan
Cụ H. được “dội bom” giun đũa chó bằng kỹ thuật laser CO2

Từ đầu tuần tới nay, các bác sĩ tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của bệnh viện đã đốt laser CO2 diệt giun đũa chó ở lớp thượng bì da cho ba trường hợp. Những bệnh nhân này đều có một điểm chung là nhà có nuôi chó mèo, hay ăn uống ngoài vỉa hè hoặc những quán nhậu bình dân. 

Ấu trùng giun đũa chó được phát tán từ chất thải của chó mèo, khi khô các ấu trùng giun bay trong không khí và dính lên thực phẩm. Nếu thực phẩm không được rửa sạch và nấu chín thì nguy cơ nhiễm giun đũa chó rất cao.

Ngoài giun đũa chó, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cũng vừa điều trị cho trường hợp bị nhiễm sán lá gan vô cùng nghiêm trọng. Bệnh nhân P.H.Y., 36 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp, đến khám viêm gan và bệnh cảnh giống như viêm gan: đau tức hạ sườn phải, vàng da nhẹ, mệt mỏi. 

Nghi ngờ bệnh nhân có thể nhiễm ký sinh trùng vì chỉ số xét nghiệm bạch cầu ái toan tăng cao, bác sĩ Thanh chỉ định siêu âm, nhìn thấy hình ảnh gan bị choán chỗ toàn bộ bởi các nang kén (sán lá gan). Bác sĩ Thanh đã hội chẩn cùng bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho bệnh nhân dùng thuốc chống sán lá gan.

Một tuần sau, các dấu hiệu đau tức hạ sườn, vàng mắt hết hẳn. Sau ba tháng huyết thanh chẩn đoán của chị Y. âm tính với sán lá gan. Bệnh nhân này có thói quen thích ăn những loại rau thủy sinh như gỏi ngó sen, rau nhút, rau cần, nơi ẩn trú yêu thích của ấu trùng sán lá gan. 

Làm thế nào để phòng tránh lây nhiễm ký sinh trùng từ nguồn thực phẩm không an toàn, cụ thể là giun đũa chó và sán lá gan như các trường hợp kể trên? Bác sĩ Vân Thanh lưu ý: nên tránh ăn uống ở những cửa tiệm, quán nhậu có nuôi chó, mèo. Rau củ mua từ chợ về phải sơ chế, ngâm rửa kỹ, nấu chín. Ký sinh trùng phát triển tùy vùng dịch tễ.

Chẳng hạn ở vùng miền Trung Nam bộ, hay phát hiện sán lá gan, sán lá phổi ở nguồn hải sản tươi sống. Những ai hay ăn các món sống là đối tượng nguy cơ nhiễm loại sán này. Khi nhiễm sán lá gan, lá phổi, ấu trùng sán sẽ theo đường tiêu hóa đi vào cơ thể rồi xâm nhập vào tĩnh mạch đi tới các cơ quan nội tạng. Ngoài ra, giun đũa chó, ký sinh trùng xoắn đầu gai cũng là những loại hay gặp ở nước ta. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI