Nhờ giọng hát trời phú, Doris Day khởi nghiệp với âm nhạc vào năm 1939 trong vai trò thành viên của một ban nhạc và nổi tiếng năm 1945, với ca khúc Sentimental Journey - nói về khao khát trở về nhà của những người lính tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai.
Sau đó bà bắt đầu sự nghiệp hát solo và ký hợp đồng hợp tác lâu dài với hãng Columbia Records. Hợp đồng của Doris với hãng Columbia kéo dài từ 1947 tới 1967, bao gồm hơn 650 bản nhạc, đưa bà trở thành một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ XX.
|
Doris Day - biểu tượng của làng giải trí Hollywood thập niên 50s. |
Cũng chính hãng đĩa đã tư vấn và chuyển hướng cho Doris Day qua điện ảnh, song hành cùng âm nhạc. Năm 1948, Doris được giao vai nữ chính trong phim Romance On The High Seas. Diễn xuất của Doris lúc này thực sự không quá nổi bật, ngoại trừ bà là “gà cưng” của hãng đĩa. Sau hai bộ phim, chính áp lực từ hãng đĩa khiến Alfred Hitchcock, lúc ấy đang đạo diễn bộ phim The Man Who Knew Too Much, buộc phải nhận Doris đóng vai chính.
Làm việc với Hitcock thực sự là một áp lực chẳng hề dễ chịu, ông có thể khiến bất kỳ diễn viên nào phát điên trên trường quay, huống hồ Hitchcock không… ưa nổi vẻ yểu điệu thục nữ của Doris. Biết Doris là một ca sĩ có tiếng, Hitchcock đã nghĩ đến việc đặt hàng một ca khúc để bà hát trong bộ phim này.
Ray Evans và Jay Livingston, cặp nhạc sĩ sáng tác nhạc phim nổi tiếng bấy giờ tại Hollywood, từng giành được kha khá giải Oscar đã nhận được đơn đặt hàng như sau: “Bài hát này sẽ được Doris Day thể hiện trong cảnh phim khi cô ấy hát ru cậu con trai. Quan trọng hơn, tựa bài hát nên là tiếng nước ngoài, không nên lấy tựa tiếng Anh vì chồng của Doris trong phim là một vị đại sứ đã đi rất nhiều nơi trên thế giới”.
|
Doris Day trong bộ phim The Man Who Knew Too Much, phân cảnh nói chuyện với cậu con trai. |
Livingston chợt nhớ đến bộ phim Italia ông đã xem trước đó 2 năm, The Barefoot Contessa, mà ông vô cùng ấn tượng với khẩu hiệu của nhân vật Rossano Brazzi - Che Sera, Sera (Điều gì đến sẽ đến). Evans và Livingston quyết định lấy luôn khẩu hiệu trong phim làm tựa đề bài hát nhưng đổi chữ “Che” trong tiếng Ý thành “Que” trong tiếng Tây Ban Nha. Bài hát được viết theo điệu Valse, gồm 3 phần xoay quanh 3 giai đoạn trong đời người. Thời thơ ấu, tuổi trưởng thành với tình yêu và trở thành cha mẹ. Giữa mỗi đoạn sẽ có một câu hỏi vang lên "Tôi sẽ trở thành ai?" hoặc "Điều gì ở phía trước?". Câu trả lời chính là tựa bài hát được lặp lại nhiều lần: Điều gì đến sẽ đến. Rất nhanh chóng, bài hát được gửi tới Hitchcock và hãng Paramount. Hitchcock ấn tượng đến mức quyết định đưa nó trở thành bài hát chủ đề cho phim.
Nhưng Doris thì không! Bà kiên quyết không thu âm vì cho rằng bài hát quá trẻ con, khác với những bản nhạc tình bà từng thể hiện. Nếu không có sức ép từ hãng phim, có lẽ bài hát sẽ không bao giờ ra đời. Doris Day miễn cưỡng vào phòng thu với điều kiện chỉ hát đúng một lần, còn chất lượng thì cứ như tựa bài hát “que sera, sera”.
Hát xong, Doris Day nói với 2 nhạc sĩ: “Đây là lần đầu tiên cũng là sau cùng các vị nghe tôi hát bài này”. Evans và Livingston chỉ biết thở dài ngao ngán. Họ đã nghĩ đến cái chết yểu cho đứa con tinh thần họ rất yêu và kỳ vọng.
|
Không chỉ sở hữu giọng hát đẹp, khả năng diễn xuất, Doris còn là một mỹ nhân trên màn ảnh. |
Năm 1956, The Man Who Knew Too Much ra rạp và thắng lớn ở các phòng vé. Với số vốn 1,2 triệu USD, phim nhanh chóng thu về 12 triệu USD. Người được khen nhiều nhất là Doris Day. Nhưng Hitchcock thì chẳng vui chút nào vì chất lượng phim bị báo chí phê bình dữ dội. Điều duy nhất còn lại chính là bài hát Que sera sera, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất trong năm 1956, đứng thứ 2 tại Mỹ và hạng nhất ở Anh trong suốt nhiều tuần liền.
Que sera sera mang về cho Evans và Livingston giải Oscar thứ 3 ở hạng mục nhạc phim hay nhất, còn Doris Day bắt đầu xem nó như một tấm bùa hộ mệnh cho sự nghiệp. Bài hát được dịch ra nhiều thứ tiếng, tiếng Anh là Whatever will be, will be. Bản Việt ngữ do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời có tựa: Biết ra sao ngày sau, được công chúng yêu nhạc Việt thuộc đến tận hôm nay.
Nghe ca khúc Que sera sera:
Về phía Doris Day, sau The Man Who Knew Too Much, bà đảm nhận nhiều bộ phim khác, thành công chẳng kém là Calamity Jane, phim ca nhạc Love Me or Hate Me, Doris Day hóa thân huyền thoại âm nhạc Mỹ thập niên 1920 và 1930 - Ruth Etting, That Touch of Mink (đóng cặp cùng Cary Grant), The Thrill of It All (đóng cặp cùng James Garner)... Diễn xuất của Doris tiến bộ dần. Năm 1959, bà được đề cử giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc" cho vai Jan Morrow trong Pillow Talk. Đặc biệt, màn hoá thân thành huyền thoại Marilyn Monroe trong phim ngắn Something’s Got to Give (1962) trở thành một trong những vai diễn kinh điển của bà.
Bước sang thập niên 60, danh tiếng Doris dần lắng xuống. Dự án điện ảnh cuối cùng của Doris là With Six You Get Eggroll, ra mắt năm 1968. Sau đó bà chuyển qua đóng sitcom truyền hình có tên The Doris Day Show trên đài CBS dù sinh thời bà rất ghét vì cần tiền trang trải món nợ khổng lồ của người chồng thứ 3. Năm 1973, bà chính thức giã từ sự nghiệp, lui về tham dự các hoạt động cộng đồng, trong đó đáng chú ý nhất là bảo vệ động vật.
Đại Ngọc (tổng hợp)