Đồng vốn nhỏ giúp chị em mưu sinh thuận lợi hơn

07/06/2024 - 10:04

PNO - 220 hộ nghèo, cận nghèo, đơn thân, có người khuyết tật ở huyện Bình Chánh (TPHCM) đỡ chật vật hơn trên đường mưu sinh khi được hỗ trợ vốn 5,5 triệu đồng/hộ từ một dự án do Hội LHPN TPHCM và Cơ quan của Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức, thực hiện.

Đó là dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM”.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trao vốn cho phụ nữ yếu thế ở huyện Bình Chánh
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trao vốn cho phụ nữ yếu thế ở huyện Bình Chánh

Thu nhập tăng nhờ có thâm máy may mới

Buổi trưa oi bức, chị Lượng Thị Oanh - 42 tuổi, ở ấp 2C, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh - vẫn không nghỉ trưa mà ngồi đạp máy may. Nhiều năm qua, ngày ngày, chị vẫn ngồi may đồ miệt mài như vậy từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya.

Ngôi nhà nhỏ rộng khoảng 40m2 là nơi trú ngụ của 5 thành viên trong gia đình chị. Trước đây, nhà này chỉ được lợp, chắn tạm bợ bằng những miếng tôn trên khu đất trống do cha mẹ chị để lại. Thấy hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, năm 2016, chính quyền địa phương đã xây tặng một mái ấm tình thương, giúp cả gia đình có chỗ ở ổn định, an toàn để yên tâm lo kiếm sống.

Chị Lượng Thị Oanh cùng con trai may đồ gia công tại nhà
Chị Lượng Thị Oanh cùng con trai may đồ gia công tại nhà

Chị Oanh học nghề may hồi còn trẻ rồi làm nghề này cho đến nay, mỗi ngày gia công được 100-150 sản phẩm, cuối mỗi tháng nhận tiền công khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập ít ỏi buộc chị phải tính toán chi li để gia đình không thiếu gạo, mắm.

Chồng chị - anh Võ Quang Sanh - khuyết tật 2 chân, hằng ngày chạy xe máy 3 bánh bán được khoảng 200 tờ vé số, trừ tiền xăng thì dư được hơn 150.000 đồng. Tài chính gia đình khó khăn nên con trai lớn của chị là Võ Quang Vinh (sinh năm 2010) phải nghỉ học, ở nhà phụ mẹ chăm sóc 2 em. Không lo được cho Vinh học chữ, chị Oanh dạy con học nghề may.

Nhìn con chăm chỉ ngồi may quần áo, chị Oanh không kìm được nước mắt: “Tụi tôi thấy có lỗi với con lắm, nhưng cũng hết cách rồi. Từ khi ra khỏi diện hộ nghèo, tụi tôi không thể lo nổi học phí cho con”.

Ban đầu, mẹ con chị Oanh phải thay phiên nhau may đồ trên 1 chiếc máy đã cũ. “Sau khi nhận được 5,5 triệu đồng từ dự án của hội phụ nữ, tôi liền nhờ các chị bên hội mua giùm 1 máy may cho con. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, người ta bán rẻ cho mình 4 triệu đồng/máy” - chị Oanh kể.

Nhờ có máy may mới, con trai chị có việc để làm toàn thời gian, lượng sản phẩm của mẹ con chị tăng gấp đôi, thu nhập cũng tăng theo, giúp gia đình chị đỡ chật vật khi nuôi 2 đứa nhỏ ăn học.

Niềm vui của bà mẹ đơn thân

Làm mẹ đơn thân suốt 8 năm qua, chị Nguyễn Thị Phương Hồng - 50 tuổi, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - cũng ngày ngày miệt mài với nghề may.

Chồng bỏ đi, một mình chị nuôi 2 con nhỏ. Nghề may tại gia không giúp chị lo chu toàn mọi thứ trong gia đình, bao gồm cả tiền thuê nhà trọ. Để có thêm thu nhập, chị đi phụ quán ăn vào buổi sáng, trưa về may đồ. Thấy vẫn còn thời gian trống, chị dùng mấy triệu đồng tích cóp được mở tiệm tạp hóa nhỏ.

Tiệm tạp hóa của chị  Nguyễn Thị Phương Hồng  có thêm nhiều mặt hàng nhờ  số tiền hỗ trợ từ quỹ UN Women
Tiệm tạp hóa của chị Nguyễn Thị Phương Hồng có thêm nhiều mặt hàng nhờ số tiền hỗ trợ từ quỹ UN Women

Tuy nhiên, do vốn ít, tiệm tạp hóa của chị không có nhiều mặt hàng, chỉ có đường, nước mắm, trứng gia cầm, bán được món nào thì xoay vòng tiền, nhập hàng về bán tiếp. Khi khách hỏi mua những món hàng khác, chị chỉ biết lắc đầu cười trừ. Tháng 4/2024, chị mới có được nguồn vốn kha khá để nhập nhiều hàng về bán. Đó là số vốn 5,5 triệu đồng từ dự án của Hội LHPN TPHCM và UN Women. Chị khoe, tiệm tạp hóa nay đã có thêm nước ngọt, mì tôm, các loại bánh kẹo nên việc buôn bán thuận lợi hơn trước.

Hiện tại, con gái lớn của chị sắp vào đại học, con gái út vào lớp Sáu. Chị luôn chắt chiu từng đồng để lo cho các con ăn học thành tài, để các con không phải vất vả như mình. Chị cũng cố gắng làm nhiều hơn và dành dụm để ngày nào đó mua được căn nhà nhỏ cho 3 mẹ con mình.

Bà Huỳnh Thị Kim Ân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh - cho biết, trong năm 2024, huyện Bình Chánh có 220 hộ diện phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo hoặc cận nghèo, phụ nữ thất nghiệp... được Hội LHPN TPHCM và UN Women hỗ trợ vốn, với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.

Trong đó, có 35 hộ ở xã Vĩnh Lộc A và 35 hộ ở xã Vĩnh Lộc B được nhận tiền hỗ trợ. Bà nói: “Chúng tôi luôn theo dõi quá trình làm ăn của các hộ được hỗ trợ vốn để đảm bảo đồng vốn được dùng đúng mục đích”.

Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” được triển khai từ ngày 2/6/2022. Đến nay, đã có khoảng 2.000 phụ nữ được dự án hỗ trợ vốn để phục hồi kinh tế với mức 5,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ vật chất cho các cơ sở chăm sóc nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI