Đống un hơn 1 tháng còn nóng, bé gái đạp lên bị đốt chín đôi chân

01/04/2017 - 10:12

PNO - Qua nhà hàng xóm chơi, bé gái 3 tuổi bước vào đống un nhặt đồ chơi, đến khi được phát hiện thì đôi chân của bé đã bị cháy chín thịt.

Chỉ vì đồ chơi thôi mà con

Sáng 19/2/2017, bé H.N.T. (3 tuổi, quốc tịch Campuchia) cùng 2 bé khác đi qua nhà hàng xóm chơi. Đang ngồi chơi, bé T. thấy có món đồ chơi gần đống un nên vào nhặt. Do đống un quá nóng, bé T. không thể bước ra ngoài, quá hoảng loạn, bé cũng không kêu khóc.

Đến khi những người gần đó phát hiện thì bé đã chịu không nổi, quỳ sụp trên đống un, đôi tay cũng bị phỏng theo. Bế bé ra khỏi đống un, người cứu bé đến giờ vẫn còn ám ảnh khi nhìn thấy đôi chân của bé T. đã bị cháy đen từ đầu gối trở xuống. Hai bàn chân phỏng khá nặng, lòng bàn chân khuyết sâu, các ngón chân đã cháy gần như chín thịt.

Theo anh Hiếu, đống un mà bé T. dẫm lên thường là nơi những hộ gia đình tập trung rác để đốt. Đống un vì thế ngày một to lên. Điều đáng sợ là trên bề mặt đống un này rất bình thường, nhưng bên dưới lửa lại cháy âm ỉ, ngay cả người lớn ở gần đó cũng không biết đống un có lửa bên trong.

Anh Hiếu nói: “Đống un đó cách nhà hơn 10 mét, mỗi lần mọi người đốt xong đều tưới nước dập lửa. Cách đây hơn 1 tháng, sau khi tập trung đốt rác, chúng tôi cũng đã tưới hai xe nước vào dập rồi mới yên tâm về. Không ngờ nó còn úng than ở phía dưới. Như người cứu T. kể lại, khi nhấc bé ra thì chỗ bé đứng chỉ lên tí xíu khói chứ cũng không phải là nhiều. Giờ tôi và cả mọi người mới biết đống ung giữ nhiệt thật đáng sợ.”

Dong un hon 1 thang con nong, be gai dap len bi dot chin doi chan


Anh Hiếu nói thường ngày vợ mình trông chừng con rất kỹ, không cho bé đi đâu chơi xa. Sáng hôm xảy ra tai nạn, mẹ bé T. đang chuẩn bị nấu ăn ở sau nhà, bé được bạn rủ đi chơi, chị không hay biết. Tầm gần 20 phút, không thấy con, chị đi tìm ở phía trên, trong khi bé đang đứng trên đống un ở hướng ngược lại.Bé T. được mọi người đưa vào một bệnh viện ở Campuchia cấp cứu. Đang làm công trình ở Phnôm Pênh (Campuchia), anh Hứa Ngọc Hiếu (28 tuổi, cha ruột bé T.) vội vàng trở về.

“Lúc tôi vào bệnh viện, bác sĩ nói con tôi phỏng quá nặng và phải cưa chân. Nghe vậy tôi rất hoảng, con tôi còn quá nhỏ bé không thể tật nguyền được.”, anh Hiếu nói.

Các bác sĩ ở Campuchia nói anh Hiếu nên đưa bé T. về Việt Nam điều trị sẽ cứu được phần nào đôi chân của bé.

Nghe vậy, anh Hiếu chỉ biết ôm con vào lòng lặng lẽ khóc. Anh không biết ba mẹ anh qua Campuchia lúc nào, chỉ biết mình sinh ra và lớn lên ở đây. Cha anh mất từ khi anh còn nhỏ, mẹ anh lại nhiều bệnh nên gia đình cứ mãi lênh đênh nơi đất khách. Sau này, anh yêu và cưới cô vợ người Campuchia, rồi cả gia đình lại tha phương.

Anh Hiếu và những người Việt Nam khác thường cùng nhau dựng lán làm công trình cho chủ. Chủ đi, mọi người đi, chủ ở, mọi người ở. Những đứa trẻ ở đây cũng như con anh Hiếu, ở trong lán trại chứ không được đi học.

Đưa con về Việt Nam để thoát cảnh cưa chân

Không có tiền đưa con về Việt Nam, hơn 10 ngày anh Hiếu nhìn con đau đớn. Các bác sĩ và người gốc Việt ở Campuchia thấy vậy, mọi người gom góp tặng anh Hiếu vừa đủ tiền xe. Từ khi sinh ra, anh về Việt Nam được vài lần, trở về đất mẹ, lạ nước lạ cái lại không có tiền, anh cứ chần chừ. 

Ngày 28/2/2017, thấy chân con đã quá nặng, anh Hiếu gom hết tiền, đưa con về Việt Nam, đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM chữa trị. Theo ThS.BS Diệp Quế Trinh, bác sĩ khoa Phỏng – Tạo hình, bé T. nhập viện với đôi chân bị phỏng sâu độ 3 - 4, vết thương bám đầy bụi, đất, lòng bàn chân khuyết đi, nhiễm trùng, 10 ngón chân bé T. bị hoại tử hoàn toàn.

Đến bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, anh Hiếu lại lo lắng khi bé T. không có bảo hiểm y tế ở đây, vét túi, anh còn được vài triệu đồng. Thương người con Việt không may, ngoài việc cùng nhau đóng viện phí ban đầu cho con anh, các bác sĩ cũng liên hệ với mạnh thường quân hỗ trợ cho bé.

Thương con, mỗi lần bác sĩ tại khoa tặng 100.000, 200.000 đồng, anh đều để dành mua sữa cho bé. Anh và vợ, ngày nào cũng đi xin cơm từ thiện để bám trụ lại bệnh viện. Vào chăm con, anh lại lo lắng cho vợ ở bên ngoài, chị không biết tiếng Việt, không biết đường, anh sợ chị đi lạc. Ngồi nghĩ ngơi, anh lại xót người mẹ ở Campuchia đang bị bệnh tim, tiểu đường, huyết áp,... mà ngày ngày vẫn trông tin cháu.

Hiện tại, sau 3 lần phẫu thuật cắt lọc các phần hoại tử bao gồm các ngón chân, mô chết, ghép da mới, bé T. đã ổn định được phần nào. Bác sĩ Trinh cho biết: "Khi lành bệnh, bé T. sẽ được tập vật lý trị liệu để khôi phục chức năng chân, nhưng vì vết thương khá nặng nên vận động sau này của bé thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều.”.

Bác sĩ Trinh cho biết thêm, lòng bàn chân của bé T. khuyết sâu nhưng hiện tại các bác sĩ chỉ có thể ghép da mỏng cho bé. Vì vậy, khi lành, bé sẽ rất khó khăn để có thể đứng trụ và bước đi. Tập vật lý trị liệu cũng chưa chắc chắn bé có thể đi lại được. Trong tình huống xấu nhất, bé T. sẽ phải dùng nạng hỗ trợ.

 

Dong un hon 1 thang con nong, be gai dap len bi dot chin doi chan

 

Lần gần nhất vào thăm con, thấy con đã qua nguy kịch, bác sĩ nói thời gian tới bé có thể xuất viện, nhưng khoảng 1 tháng anh phải ẵm bé đến tái khám. Anh Hiếu lo lắng: "Dạ bác sĩ ơi, bé xuất viện, em xin ở lại khuôn viên bệnh viện được không. Giờ tiền xe em cũng không có để về, một tháng sau quay lại thì chắc em đi không được. Em xin bác sĩ cho gia đình em ở tạm ngoài hành lang để con em khám xong, em mới về luôn bên kia (Campuchia). Chứ quay lại nữa chắc em không đủ khả năng rồi".

Bác sĩ Trinh cho biết, thông thường khi người lớn đốt lửa xong, nhìn tàn tro phía trên thì chủ quan cho rằng đống lửa đã tắt. Tuy nhiên, lửa than vẫn còn giữ nhiệt bên trong. Một khi bước vào đống ung, bé sẽ không thể tự nhảy lên, hay bước ra ngoài được. Nếu bé kêu khóc, được phát hiện sớm thì vẫn bị phỏng khá sâu gây ra nhiều biến chứng nặng nề cả trong quá trình điều trị và sau này. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp các bé vào đây cấp cứu, điều trị do dẫm lên đống ung. 

Bác sĩ Trinh khuyến cáo, các bậc phụ huynh khi đốt rác, hay những vật phẩm khác nên mang ra vị trí xa nơi bé thường đến chơi. Khi đốt xong mọi người phải dùng nước dập lửa. Dùng nước dập lửa không phải chỉ là đổ vào đó vài xô nước, mà đổ nước xong, nên xới lại đống un để kiểm soát, xử lý độ nóng. Như trường hợp trên, vì đốt un quá dày nên mặc dù đã được đổ nước cũng có thể gây phỏng cho bé.

Khi bé bị phỏng, người phát hiện phải đưa ngay bé ra khỏi khu xảy ra tai nạn, dùng nước sạch rửa thật kỹ vết thương, nên để vết thương dưới vòi nước để bụi, đất, tro,… trôi đi dễ hơn. Bên cạnh đó, phải rửa nước liên tục tầm 15-20 phút, nếu có xô nước người lớn cũng có thể đặt bé vào đó để giảm nhiệt nơi phỏng. Không bôi những tạp chất khác như tro, nước mắm, lá cây,… vào vết phỏng vì bé sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI