Năm 2009, trong lúc các cơ quan nhà nước đang loay hoay tìm mô hình tài chính giúp người thu nhập thấp tích góp tiền mua nhà thì Công ty cổ phần bất động sản Việt Nam (Vinaland) đã “tiên phong” đứng ra lập “Chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở Vinaland” và nhiều người thu nhập thấp đã hào hứng tham gia chương trình này. Tuy nhiên, sau bảy năm góp vốn, họ không những tan vỡ giấc mơ có nhà mà còn đứng trước nguy cơ mất trắng tiền đã góp.
"Chết đứng" vì quỹ tiết kiệm nhà ở
Theo các khách hàng, dự án Vinaland đưa ra để bán theo hình thức phát hành “chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở Vinaland” là dự án căn hộ Vinaland Tower ở Q.7, TP.HCM. Quỹ tiết kiệm được thực hiện dưới hình thức khách hàng cho công ty vay tiền như một khoản tiết kiệm để được mua nhà tại dự án Vinaland Tower.
Để thu hút khách hàng tham gia góp quỹ, trong thư ngỏ gửi đến khách hàng, Vinaland đưa ra hàng loạt ưu điểm của quỹ: khách hàng chỉ cần góp từ 5-10 triệu đồng là có thể chuyển sang sở hữu bất động sản mà không cần ngay một số tiền lớn; nếu có việc đột xuất không góp tiếp thì quyền lợi của người gửi vẫn được đảm bảo; tính thanh khoản cao; kiểm soát được giá bán bất động sản trong tương lai...
Về phương thức thực hiện, Vinaland đưa ra quy chế quỹ tiết kiệm nhà ở. Cụ thể, Vinaland thiết lập các hợp đồng vay tiền của khách hàng với số tiền vay 5,1 triệu đồng (tương đương một chứng chỉ) có thời hạn cho vay 60 tháng. Mỗi khách hàng có thể mua một hoặc nhiều chứng chỉ.
|
Sau bảy năm phát hành chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở, dự án Vinaland Tower vẫn là… bãi đất trống |
Hàng tháng, khách hàng sẽ nộp cho công ty số tiền tương đương với số chứng chỉ đã đăng ký. Người góp quỹ được mua nhà với đơn giá gốc xây dựng. Số chứng chỉ có được tương ứng với quyền mua của số mét vuông nhà. Khách hàng được ưu tiên chọn căn hộ trước khi công ty chào bán ra ngoài.
Vinaland còn cam kết: khách hàng có quyền đề nghị trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi gộp tính theo tháng bằng 100% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại thời điểm trả nợ. Trường hợp sau 60 tháng kể từ ngày khách hàng cho vay mà công ty vẫn chưa xây nhà, khách hàng có quyền yêu cầu trả lại toàn bộ số tiền gốc và lãi gộp tính theo tháng bằng 200%.
Thấy hấp dẫn, hàng trăm khách hàng đua nhau ký hợp đồng cho Vinaland vay vốn để có được quyền mua nhà. Thế nhưng, theo các khách hàng, Vinaland chỉ biết nhận tiền, còn dự án chỉ là “bánh vẽ”. Chị H. bức xúc: “Từ tháng 1/2009, mỗi tháng tôi đóng cho Vinaland khoảng 10,2 triệu đồng. Sau khi đóng 10 đợt với tổng cộng hơn 100 triệu đồng mà dự án vẫn không xây dựng nên tôi đã ngưng đóng; đòi lại tiền thì Vinaland không trả”.
Tương tự, anh C. đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở của Vinaland nhưng đến nay vẫn chưa đòi được đồng nào. “Vợ chồng tôi làm công nhân, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 8 triệu đồng. Để có đủ tiền góp theo kịp chứng chỉ cho chủ đầu tư, tôi phải vay mượn thêm. Giờ nhà không có, tiền chủ đầu tư không trả, mỗi tháng tôi vẫn phải trả nợ vay cho người ta, cuộc sống rất khổ sở” - anh C. than.
Tiền không trả, nhà không giao, lại tính đường bán dự án
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vinaland đã huy động của khoảng 150 khách hàng thông qua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở với tổng tiền khoảng 50 tỷ đồng. Vào khoảng đầu năm 2014 (thời điểm khách hàng không chọn quyền tiếp tục mua nhà, có quyền chuyển sang đòi nợ), Vinaland đã họp khách hàng và ra văn bản xin gia hạn thêm một năm để công ty bán tài sản trả nợ. Khách hàng nào tiếp tục đồng hành với công ty thì sẽ triển khai thực hiện dự án sau một năm.
Tuy nhiên, theo các khách hàng, một năm sau, dự án vẫn “án binh bất động”, tiền không trả, Vinaland gửi thông báo đến khách hàng đề nghị người góp vốn hoán đổi sang... mua sạp chợ Phước Long (Q.7) theo giá thị trường do công ty niêm yết. Trường hợp khách hàng lấy sạp chợ thì vẫn giữ mức lãi suất 18%/năm lãi phạt theo hợp đồng ký kết.
Trường hợp khách hàng không nhận sạp chợ, sẽ hạ lãi suất phạt hợp đồng xuống còn 9% khi thanh toán tiền góp. “Chợ Phước Long buôn bán ế ẩm, không ai muốn mua, trong khi chủ đầu tư định giá bán sạp chợ rất cao. Rõ ràng, chủ đầu tư đang cố tình ép khách hàng hạ lãi suất phạt xuống. Thật quá sức vô lý” - chị T., một người mua chứng chỉ của Vinaland bức xúc.
Khi bị khách hàng phản ứng quyết liệt, khoảng đầu năm 2016, chủ đầu tư lại thông báo đổi cách tính tiền gốc và lãi suất theo hợp đồng đã ký kết. Theo đó, cách tính mới là lãi suất phạt 9%/năm từ năm 2009 đến năm 2014 thay vì 18%/ năm như trước đây. Tiếp đó, sau tháng 1/2014, tính lãi suất 5%/năm cho đến hết năm 2015. “Dự án không làm, tiền không trả, trong khi họ luôn tìm đủ cách để chèn ép chúng tôi” - một khách hàng góp vốn ngán ngẩm.
Điều đáng nói là vừa qua, tại đại hội cổ đông bất thường của Vinaland, hội đồng quản trị của công ty này đã bất ngờ đưa ra kế hoạch chuyển nhượng dự án Vinaland Tower với giá khoảng 140 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch bán dự án này không hề đả động đến quyền lợi của khách hàng đã mua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở của công ty.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), chủ đầu tư thu tiền của khách hàng nhưng không làm dự án rõ ràng là đã lừa dối, bội tín với khách hàng. Thế nhưng, trong vụ việc này, hai bên đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tự nguyện ký kết thực hiện các giao dịch nên trong trường hợp công ty phá sản hoặc chuyển nhượng dự án thì rủi ro cho khách hàng là rất cao. Lúc này, khách hàng chỉ còn cách tìm đến tòa án để đòi lại quyền lợi.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Trương, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương (TP.HCM), trong vụ việc này, tuy hợp đồng góp vốn quỹ tiết kiệm là giao dịch dân sự nhưng có dấu hiệu vi phạm điều 13 Luật Tổ chức tín dụng.
Theo quy định của điều này, hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng phải có đủ vốn, điều kiện vật chất phù hợp với yêu cầu của hoạt động ngân hàng, có đội ngũ cán bộ am hiểu hoạt động ngân hàng, có phương án kinh doanh khả thi về hoạt động ngân hàng... Như vậy, việc Vinaland huy động vốn thông qua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở nhưng lại không xây dựng được dự án, không có khả năng trả nợ là có dấu hiệu vi phạm Luật Tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc Vinaland đưa ra lãi suất cam kết gần 200% để thu hút người góp vốn là không phù hợp, vì Luật Dân sự quy định lãi suất phạt không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ấn định. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra các hoạt động của Vinaland để có biện pháp xử lý nếu xét thấy vi phạm.
Phan Trí