Đồng tiền đã “thôi miên” con người

08/04/2013 - 16:12

PNO - PN - Tôi rất tâm đắc với bạn Trường An (Quá trọng vật chất, nhiều mối nguy, Báo Phụ Nữ ngày 5/4) khi khẳng định để hình thành nhân cách tốt đẹp của con người, phải bắt đầu từ việc giáo dục trong gia đình.

Có lẽ chưa bao giờ người ta lại thi nhau kiếm tiền như bây giờ. Nhan nhản “cò mồi”, đối tác, dự án, công ty,… Có người học vấn lớp 2, lớp 3 cũng dễ dàng trở thành giám đốc. Câu trào phúng của dân gian hiện đại: “Tiền là sức bật lò xo, là thước đo chân lý”, quả thực có cơ sở.

Dong tien da “thoi mien” con nguoi

Trên các phương tiện truyền thông không thiếu hình ảnh tôn vinh những con người làm kinh tế giỏi, đi lên từ hai bàn tay trắng… Nhưng, một điều đáng buồn là có quan niệm cho rằng, nhiều tiền mới làm ra văn hóa! Nhưng hiện tại kinh tế và văn hóa đã có những đối nghịch nhau. Đồng tiền đã “thôi miên”, chi phối hành vi con người. Không ít kẻ lắm tiền sinh ra bệnh hoạn, làm mất an ninh trật tự xã hội, phá vỡ gia đình. Không ít gia đình tan vỡ chỉ vì đồng tiền và xót xa khi chính những người thân chém giết nhau. Tội phạm lừa đảo diễn ra từ kiểu cổ điển tới hiện đại. Nhiều trẻ bây giờ quan niệm tình yêu hôn nhân không còn là “một túp lều tranh hai trái tim vàng” nữa. Có tiền thì tình mặn nồng, không tiền thì đường ai nấy đi. Nhiều gia đình xưa kia thật sự hạnh phúc, nhưng giờ tan vỡ vì có những ứng xử sai lệch về thuần phong mỹ tục, mà nguyên nhân là lòng tham tiền! Chua chát biết bao, chỉ vì đồng tiền mà mất đi tình bạn, tình cha con, tình thầy trò… thậm chí trở thành kẻ phản bội Tổ quốc!

Có gia đình được cấp giấy chứng nhận Gia đình văn hóa, nhưng thực chất chỉ vì địa phương hay cơ sở mắc bệnh thành tích. Nhiều yếu tố đã hội tụ tạo ra giá trị gia đình ảo! Giá trị ảo, chính là một hình thức tiêu diệt những giá trị thật.

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về giá trị gia đình, nhưng có lẽ “giá trị gia đình” chính là sự hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình, nhưng không tách rời văn hóa dân tộc. Nó phải thật sự là một tế bào tốt của xã hội. Muốn vậy, cha mẹ phải là người biết giáo dục con cái ngay từ khi mới lọt lòng để uốn nắn vào nền nếp; phải là người thầy đầu tiên của con. Người thầy phải năng động, sáng tạo, biết chủ động cập nhật kiến thức, biết đoàn kết, nhường nhịn, đấu tranh thẳng thắn trên tinh thần giúp nhau cùng tiến bộ; biết lao động sáng tạo chân chính và xây dựng mối quan hệ hòa thuận.

Để xây dựng một giá trị gia đình thì cần phải tẩy chay cái “chủ nghĩa hình thức”. Hình thức bây giờ nhiều lắm, nó tồn tại ngay trong lớp học, nơi công sở và chính trong gia đình. Có cha mẹ, bắt con thuộc lòng những câu chào hỏi như một cái máy, nhưng lại không dành thời gian để phân tích cặn kẽ cho con biết vì sao lại phải làm như vậy. Có con cái còn phát hiện ra sự giả dối của cha mẹ: khi khách tới nhà thì cha mẹ cười cười nói nói tỏ vẻ hiếu khách, nhưng khi khách ra về thì lại nói xấu họ đủ đường. Vô tình cha mẹ đã dạy cho con cái cách sống giả tạo.

Theo tôi, để xây dựng nên giá trị gia đình đích thực, thì nòng cốt vẫn là ông bà, cha mẹ sống tốt hay không.

Đào Quang Sơn (Biên Hòa, Đồng Nai) 

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: giatrigiadinh@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI