Đồng Tháp: khẩn trương hỗ trợ người yếu thế, lên kịch bản tiêu thụ nông sản

14/07/2021 - 17:42

PNO - Toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 150.000 người lao động tự do, bán vé số, bán hàng rong, xe ôm, bốc vác, phụ hồ, hộ nghèo... cần được xem xét hỗ trợ.

Chiều 14/7, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc với một số sở, ngành liên quan để bàn phương án hỗ trợ cho các đối tượng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 152.000 đối tượng cần được xem xét hỗ trợ gồm người lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động (bán vé số, bán hàng rong, xe ôm, bốc vác, phụ hồ), người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Tuy nhiên, đến nay, Sở Lao động - Thương binh và xã hội chưa tiếp nhận được hồ sơ để xem xét, thẩm định, nguyên nhân là do địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên quá trình lập hồ sơ gặp khó khăn.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và xã hội làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh sách trình xem xét việc hỗ trợ cho các đối tượng. Đặc biệt trong đó, chú ý những đối tượng cần được hỗ trợ khẩn cấp.

Cũng trong ngày, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã xây dựng kế hoạch khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19 nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là hoạt động giao thương nông sản.

Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã gây nhiều khó khăn việc tiêu thụ nông sản và cho người nghèo
Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản

Cụ thể, tỉnh xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng của tỉnh như: Lúa, gạo, thủy sản, xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, thanh long, mít, ớt, hoa kiểng, ổi...

Kịch bản 1: dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các mặt hàng nông sản được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Kịch bản 2: dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Đáng chú ý nhất, kịch bản 3: dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện.

Theo kế hoạch nêu trên, bên cạnh tiêu thụ nông sản tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, doanh nghiệp, trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp sẽ đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan để định hướng cho doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cho phù hợp.

Với kịch bản xấu nhất, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động xuất khẩu, sản lượng các mặt hàng nông sản chủ yếu tiêu thụ nội địa, sẽ khuyến cáo người dân rải vụ thu hoạch, tập trung thu hoạch trước, tiêu thụ sớm ở khu vực có nông sản đang vào mua vụ thu hoạch.

Đồng thời, ngành chức năng tập trung huy động các doanh nghiệp có kho cấp đông, thiết bị sấy nông sản hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ kết nối với các sàn thương mại điện tử quốc tế...

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI