Động thái mới của Trung Quốc sau khi tàu nghiên cứu bị Ấn Độ trục xuất

12/12/2019 - 13:53

PNO - Mới đây, Trung Quốc tuyên bố các nhà nghiên cứu khoa học nước này phải xin phép trước khi làm việc ở vùng biển nước ngoài- thông tin cho thấy Bắc Kinh muốn tuân thủ luật biển UNCLOS sau sự cố với một tàu nghiên cứu.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) xuất bản ở Hồng Kông cho biết, quyết định mới được đưa ra chỉ mấy tuần sau khi Ấn Độ phát hiện và trục xuất tàu Shiyan-1 của Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu ngoài khơi Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.

Tờ SCMP cũng cho biết các tàu nghiên cứu muốn ra hoạt động ở vùng biển nước ngoài phải xin phép Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước 7 tháng để bộ làm việc với cơ quan hữu quan của nước ngoài.

Dong thai moi cua Trung Quoc sau khi tau nghien cuu bi An Do truc xuat
Tàu Shiyan-1 của Trung Quốc bị phát hiện đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu ở vùng biển Ấn Độ - Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/12 đăng một thông báo trên trang web chính thức của bộ hướng dẫn các tổ chức và cá nhân dự định tiến hành nghiên cứu khoa học biển ở lãnh hải các quốc gia khác rằng họ cần nhận được văn bản đồng ý chính thức của quốc gia đó.

Thông báo của Bộ Ngoại giao cho biết, kể cả việc tiến hành hoạt động nghiên cứu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác, khu vực cách bờ biển 200 hải lý (tương đương 370km), hoặc khu vực thềm lục địa của nước khác, cũng phải được nước sở tại cho phép.

Thông báo nhấn mạnh, các tổ chức hoặc cá nhân (Trung Quốc) phải tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), tuân thủ luật pháp của nước sở tại, tuân theo chương trình nghiên cứu được quốc gia ven biển phê duyệt và không được tiến hành nghiên cứu khoa học ở vùng biển nước ngoài quản lý mà không xin phép hay không được cho phép.

Dong thai moi cua Trung Quoc sau khi tau nghien cuu bi An Do truc xuat
Tàu nghiên cứu Shiyan-1 của Trung Quốc được yêu cầu rời khỏi vùng biển gần Quần đảo Andaman và Nicobar Đông Nam Ấn Độ - Ảnh: AP

Thông báo trên được đưa ra 6 ngày sau khi có tin tàu Shiyan-1 thuộc sở hữu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc bị phát hiện đang hoạt động không xin phép ở vùng biển gần Port Blair, thủ phủ của Quần đảo Andaman và Nicobar thuộc lãnh thổ của Ấn Độ. Vụ việc đã gây sự phẫn nộ trong dư luận Ấn Độ.

Được hỏi về vấn đề này, tư lệnh hải quân Ấn Độ Karambir Singh nói rằng: “Quan điểm của chúng tôi là nếu bạn làm bất cứ điều gì trong khu vực của chúng tôi, bạn phải thông báo cho chúng tôi hoặc xin phép chúng tôi”.

Tàu Shiyan-1 bị một máy bay thám sát hàng hải của Ấn Độ phát hiện. Sau đó, khi một tàu chiến Ấn Độ tiếp cận Shiyan-1 để cảnh báo, chiếc tàu Trung Quốc đã rút khỏi khu vực.

Công ước UNCLOS cho phép các quốc gia ven biển đưa ra yêu sách chủ quyền lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyển kinh tế (EEZ) 200 hải lý, kèm theo quyền tài phán đối với nghiên cứu khoa học biển ở cả hai khu vực này. Công ước cũng trao cho các quốc gia ven biển quyền chủ quyền đối với đáy biển thềm lục địa, vượt ra ngoài lãnh hải của mình, để khám phá và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó.

Bộ Ngoại giao có quyền quyết định không nộp đơn cho nước ngoài nếu phát hiện hồ sơ của người nộp đơn không tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thông báo cố ý miễn yêu cầu xin phép hoạt động tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng khác.

Trong năm nay, tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đã thực hiện công việc khảo sát địa chấn trái phép ở vùng biển gần bãi Tư Chính trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI