Mặc cho những thăng trầm biến đổi, Đông Tà, Tây Độc sẽ mãi là một câu chuyện không bao giờ cũ mà Vương Gia Vệ còn kể mãi sau 25 năm trong suốt hành trình điện ảnh của mình: đó là câu chuyện của quá khứ, của những sợi ký ức tưởng nhẹ như tơ trời mà sâu thăm thẳm, của nỗi day dứt vì không thể nào quên…
Trái với những gì người ta mong đợi, năm 1994, ngay từ những ngày đầu công chiếu, Đông Tà, Tây Độc (tựa gốc là Ashes of Time) bị xếp vào một trong những phim thảm bại nhất về doanh thu của Vương Gia Vệ, phim bị nhiều khán giả quay lưng dù quy tụ được dàn diễn viên “tinh hoa” nhất thời bấy giờ của Hồng Kông như: Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Lương Gia Huy, Lâm Thanh Hà, Trương Học Hữu, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh… Thậm chí, phim còn bị nhà văn Kim Dung lên tiếng chê bai vì thay đổi quá nhiều so với nguyên tác.
|
Nhân vật Âu Dương Phong luôn mang trong mình nỗi sợ hãi bị khước từ |
Nhưng, như một viên ngọc càng mài càng sáng, qua thời gian, những giá trị về nghệ thuật và triết lý đạo diễn họ Vương gửi gắm vào bộ phim ngày càng được khám phá và công nhận. Sau 25 năm, cùng hàng loạt giải thưởng danh giá, Đông Tà, Tây Độc trở thành một trong những bộ phim kinh điển có sức ảnh hưởng nhất của điện ảnh Hồng Kông, là một trong 100 phim Trung Quốc xuất sắc nhất mọi thời đại. Và cho đến tận bây giờ, dù qua bao đổi thay của xu hướng điện ảnh, Đông Tà, Tây Độc vẫn được khán giả khắp thế giới nhắc nhớ với niềm ngưỡng mộ khôn nguôi.
Phá vỡ mọi quy tắc về phim kiếm hiệp
Sản xuất năm 1994, Đông Tà, Tây Độc là bộ phim thứ ba Vương Gia Vệ làm đạo diễn, sau As Tears Go By (1988) và A Phi chính truyện (1990). Trước đó, sự kiện A Phi chính truyện của họ Vương giành được giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 1991 đã làm nên tên tuổi một Vương Gia Vệ gắn với những thước phim đậm chất điện ảnh, chậm rãi, hoa mỹ, nhiều suy tưởng và hầu như rất ít hành động.
Cho đến khi Vương Gia Vệ thông báo sẽ làm phim về đề tài kiếm hiệp, không ít khán giả sửng sốt. Ý đồ của Vương Gia Vệ là áp dụng đủ ba yếu tố: võ hiệp, Kim Dung và những minh tinh nổi tiếng nhất Hồng Kông lúc bấy giờ để làm một bộ phim kiếm hiệp mang đúng phong cách riêng biệt của vị đạo diễn họ Vương.
Khi đó, có nhiều dự đoán bộ phim sẽ là một tác phẩm kiếm hiệp độc đáo và mới mẻ nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó cũng có không ít hoài nghi vì Vương Gia Vệ không phải đạo diễn chắc tay của dòng phim này. Rất nhiều phỏng đoán, cả con số đầu tư 40 triệu HKD (tương đương 118 tỷ đồng), một con số khổng lồ thời bấy giờ, cũng khiến nhiều người phấp phỏng mong chờ.
|
Trương Quốc Vinh trong Đông tà, Tây độc |
Và kết quả, Đông Tà, Tây Độc của Vương Gia Vệ khi ra mắt đã khiến khán giả đi từ ngạc nhiên sững sờ, tới… bất bình. Quả là một cú “chơi lớn” của vị đạo diễn nổi tiếng này khi cả bộ phim hầu như không còn chút bóng dáng của Kim Dung ngoài… những cái tên. Đạo diễn họ Vương đã dùng cách của riêng ông để vẽ nên một câu chuyện về Đông Tà, Tây Độc hoàn toàn xa lạ: những cảnh hành động gần như bị lược bỏ, thay vào đó là những câu chuyện tình ám ảnh từ quá khứ - hiện tại - tương lai nhưng dòng cảm xúc đi và về rất nhanh giữa yêu và hận…
Trong vòng một năm đầu công chiếu, dù nhận được giải Kim Mã và nhiều giải thưởng danh giá khác, bộ phim vẫn gần như bị ghẻ lạnh từ chính khán giả nội địa. Một phần họ cho rằng phim nặng tính nghệ thuật gây khó hiểu và quá mơ hồ với người xem, một phần lên án phim đã làm hỏng hình ảnh của những “huyền thoại võ lâm” kinh điển trong tác phẩm của Kim Dung.
Cùng với đó, doanh thu của phim thất bại thảm hại. So với 40 triệu HKD chi phí, con số 9 triệu doanh thu có thể nói là "cú đánh" choáng váng vào ê-kíp sản xuất. Đặc biệt trong quá trình làm phim, Trương Quốc Vinh đã hai lần xuất tiền giúp đỡ Vương Gia Vệ hoàn thành. Đông Tà, Tây Độc trở thành bộ phim đáng tiếc nhất của Vương Gia Vệ khi không được đón nhận trong thời gian dài.
|
Mộ Dung Yến tìm đến Âu Dương Phong để nhờ giết Hoàng Dược Sư, người cô yêu nhất mà cũng hận nhất |
25 năm giấc mộng quên...
Có những ý kiến cho rằng rồi phong cách của Vương Gia Vệ sẽ dễ dàng bị thay thế, bởi nhịp độ chậm, buồn, lối làm phim duy mỹ triệt để đến khắc nghiệt của ông có lẽ không còn phù hợp với thẩm mỹ hiện đại. Giống như tên của bộ phim Ashes of Time - Tro bụi của thời gian, rồi mọi thứ sẽ bị phai nhòa theo thời gian và sẽ có cái mới phủ lấp lên nó.
Nhưng sau 25 năm, dù người ta cố để tìm cách quên đi hay là không, những thước phim của đạo diễn họ Vương vẫn luôn tồn tại trong tâm trí một cách ám ảnh.
Không đứng chung với chuỗi các bộ phim về con người và xã hội Hồng Kông những năm 60 như A Phi chính chuyện, Tâm trạng khi yêu, Chungking Express hay 2046, Đông Tà, Tây Độc có vị trí riêng và sức sống bền bỉ bởi lớp lang những tầng nghĩa về cuộc đời, về thời gian và về ái tình. Ở đó, các nhân vật của ông đều mang những số phận hay những câu chuyện đặc trưng của nhân tình thế thái, cái si tình ngốc nghếch, sự giằng xé giữa yêu và hận, những niềm yêu đau đáu nơi đáy tim mà không thể tìm lại, không thể đến gần. Đó là những tầng sâu yếu đuối và tối tăm nhất của con người mà ở thời nào, xã hội nào cũng không thể chối bỏ.
Những điều đó không nằm ngoài phong cách chung của Vương Gia Vệ, trong những bộ phim của đạo diễn họ Vương cho đến tận sau này, mà Đông Tà, Tây Độc là một trong những bộ phim thể hiện rõ nhất. Đó là nỗi ám ảnh hoang mang giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, giữa quên và nhớ.
Có lẽ chính bản thân Vương Gia Vệ cũng bị ám ảnh bởi những điều đó, nên ông đã lồng ghép vào nhân vật của mình những ý niệm rất sâu sắc về ký ức, về hoài niệm.
Giống như câu nói của Hoàng Dược Sư: “Phiền não lớn nhất của con người là ký ức. Con người thường đau khổ vì nhớ quá nhiều. Nếu có thể quên hết mọi chuyện quá khứ, thì mỗi ngày sẽ lại là một khởi đầu mới. Chẳng phải tốt hơn sao”.
Và mặc cho những thăng trầm biến đổi, Đông Tà, Tây Độc sẽ mãi là một câu chuyện không bao giờ cũ mà Vương Gia Vệ còn kể mãi sau 25 năm trong suốt hành trình điện ảnh của mình: đó là câu chuyện của quá khứ, của những sợi ký ức tưởng nhẹ như tơ trời mà sâu thăm thẳm, của nỗi day dứt vì không thể nào nguôi quên…
|
Đạo diễn Vương Gia Vệ |
Năm 2008, nhân dịp 14 năm sau ngày Đông Tà, Tây Độc lần đầu tiên được công chiếu, sau khi hoàn thiện lại bản Redux của Đông Tà, Tây Độc, Vương Gia Vệ phát biểu: “Bộ phim cũng giống một chai vang, cần thời gian để thở; có lẽ nó thuộc về hiện tại, thay vì 14 năm về trước”.
Nhưng dù là 14 năm, 25 năm hay nhiều hơn nữa, thì từng nhân vật, từng thước phim của đạo diễn họ Vương cũng đã trở thành nét biểu tượng về một “vũ trụ điện ảnh” đậm chất duy mỹ và tinh tế tột bậc. Phim của ông dù tồn tại ở không gian nào, dù là kiếm hiệp, hay Hồng Kông những năm 60, hay thế giới giả tưởng những năm 2046, những câu chuyện ông kể lại dường như vẫn luôn tồn tại độc lập theo một chiều không gian và thời gian của riêng ông, một thế giới của những suy tưởng và ước lệ, thế giới của Vương Gia Vệ.
Ngoài giải Kim Mã năm 1994, phim còn đoạt giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất tại giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 1995. Ngoài ra, phim còn giành giải tại Liên hoan phim Venice 1994, Phim châu Á xuất sắc nhất tại Fantasia Film Festival 1997 và vào Top 100 phim Trung Quốc xuất sắc nhất mọi thời đại tại giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2005. Phim được tái bản vào năm 2008 để tưởng nhớ Trương Quốc Vinh nhân 6 năm ngày mất của ông (1/4/2003) và được đón nhận nồng nhiệt. |
Lan Anh