Dòng phim sinh tồn Việt chật vật… sinh tồn

05/11/2022 - 13:05

PNO - Điện ảnh Việt gần đây xuất hiện một vài tác phẩm thuộc dòng phim sinh tồn, thảm họa. Vì là kẻ đi sau, nên việc khai phá dòng phim mới này của các nhà làm phim Việt chưa thật suôn sẻ, chưa thuyết phục người xem.

Nỗ lực vì là người đi sau 

Sau Cù lao xác sống - phim Việt đầu tiên nói về cuộc chiến sinh tồn của con người trước thảm họa đại dịch xác sống, điện ảnh Việt vừa có thêm một tác phẩm tương tự là Virus cuồng loạn (khởi chiếu ngày 4/11). Phim kể về một đoàn phim đang quay tác phẩm đề tài xác sống (zombie) tại một khu nghỉ dưỡng, thì tại đây cả đoàn đã gặp các xác sống thật. Nguồn cơn là do những thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc được bán rộng rãi trên thị trường đã làm con người ngộ độc. Đoàn phim đã phải đấu tranh để sống sót và tìm đường đến sân bay để có được trợ giúp từ chính phủ và quân đội. Ngoài hai phim này, màn ảnh Việt vừa qua cũng có một bộ phim sinh tồn trước các xác sống là Trò chơi tử thần, nhưng đây là sản phẩm hợp tác Nhật - Việt, trong đó khâu sáng tạo nội dung hoàn toàn thuộc về ê-kíp Nhật, phía Việt Nam chỉ tham gia diễn xuất. 

Các phim Việt chủ đề sinh tồn nở rộ, nhưng chưa phim nào được đánh giá cao  (trong ảnh là phim Cù lao xác sống - ảnh trên - và Rừng thế mạng)
Các phim Việt chủ đề sinh tồn nở rộ, nhưng chưa phim nào được đánh giá cao (trong ảnh là phim Cù lao xác sống - ảnh trên - và Rừng thế mạng)

Nếu kể về dòng phim sinh tồn nói chung, thì điện ảnh Việt đã đi tiên phong với phim Rừng thế mạng ra mắt năm ngoái, và sắp tới là Móng vuốt sẽ ra mắt năm 2023. So với điện ảnh thế giới và các nước trong khu vực, chủ đề sinh tồn, thảm họa còn rất mới mẻ với các nhà làm phim trong nước. Vì là kẻ đi sau, những người làm phim cố gắng tìm nét riêng cho phim sinh tồn Việt.

Rừng thế mạng tạo sự gần gũi bằng câu chuyện lấy cảm hứng từ sự kiện có thật xảy ra trên cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Móng vuốt đề cập cuộc chiến giữa con người với thiên nhiên - vấn đề khá thời sự với Việt Nam. Với Cù lao xác sống, biên kịch đưa bối cảnh về miền Tây, lồng ghép văn hóa cải lương. Virus cuồng loạn đem đến cách lý giải mới lạ về nguồn gốc xác sống là những nạn nhân của thực phẩm độc hại. 

Có một điểm chung ở hầu hết phim sinh tồn Việt là đều được thực hiện bởi ê-kíp trẻ. Yếu tố trẻ khiến họ luôn trong tâm thế “chiến” hết mình khi làm. Các đoàn phim không ngại đi tới những bối cảnh xa xôi, hẻo lánh ghi hình để cống hiến cho người xem những thước phim mãn nhãn về cảnh đẹp tự nhiên của đất nước. Trong Virus cuồng loạn, ê-kíp còn chi hẳn 600 triệu đồng dựng một ngôi làng dân tộc để quay.

Để tạo hình xác sống, đoàn phim Cù lao xác sống mất một năm nghiên cứu khâu tiền kỳ. Ban đầu, ê-kíp dự định chỉ sử dụng lớp cao đắp lên để hóa trang, nhưng sau đó quyết định dùng nhiều chất liệu, phụ kiện phức tạp hơn để tạo độ sống động cho xác sống. Với diễn viên, không chỉ chấp nhận những thiếu thốn tiện nghi hiện đại, họ còn sẵn sàng làm mọi thứ cho vai diễn. Điển hình như nam chính trong phim Rừng thế mạng đã tự ăn cả ếch sống.

Phim Trò chơi tử thần
Phim Trò chơi tử thần

Đi thì mới thành đường 

Dấn thân vào dòng phim quá mới mẻ ở Việt Nam, các nhà làm phim tất nhiên còn thiếu kinh nghiệm để nhào nặn một tác phẩm sinh tồn đúng nghĩa. Các phim đã ra rạp đều không nhận được phản hồi tích cực của người xem. Ở các phim sinh tồn với xác sống, hình ảnh xác sống đã không được đánh giá cao.

Vốn dĩ xác sống là nhân vật vô hồn nên khâu tạo hình cần gây ấn tượng mạnh để bù đắp chiều sâu tâm lý nhân vật, nhưng các xác sống trong Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn tạo hình vẫn còn khá sơ sài, mắt đeo kính áp tròng trắng dã, hoặc mặt bôi phấn trắng như sáp. Chúng di chuyển chậm chạp, dễ dàng bị đập chết.

Nguồn gốc xuất hiện xác sống trong Cù lao xác sống, Trò chơi tử thần không được làm rõ. Việc xây dựng các tình huống sinh tồn - điểm cốt lõi của dòng phim này - chưa bật lên được sự khốc liệt của cuộc chiến sinh - tử, để từ đó người xem đồng cảm theo tâm lý, hành động của nhân vật.

Trong Rừng thế mạng, các thử thách mà nhân vật chính đối mặt và giải quyết chưa khiến khán giả cảm nhận được độ nguy hiểm và sự khó khăn trong những ngày nhân vật lạc ở Tà Năng - Phan Dũng. Trong Trò chơi tử thần, cách thiết lập các ngày huấn luyện và các vòng thi dành cho người chơi khá nhàm chán, không thấy được sự khốc liệt của trận game sinh tồn. Ba ngày huấn luyện, nhưng ngày nào nội dung cũng lặp đi lặp lại giống nhau, không có sự tăng tiến nào. Ba vòng thi cũng chung chung, chỉ là chạy, bắn, bắn trúng mục tiêu. 

Traier phim Virus cuồng loạn: 

 

 

Công bằng thừa nhận, các phim sinh tồn Việt có ý tưởng tốt, cài cắm thông điệp ý nghĩa, nhưng cách triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nói về khó khăn khi viết về chủ đề sinh tồn, biên kịch Trần Khánh Hoàng (phim Móng vuốt) cho biết: “Khó nhất là làm thế nào để khán giả cảm thấy đồng điệu với nhân vật. Nhân vật phải được họ lo lắng, quan tâm xem có chết hay không. Dù là nhân vật chính diện hay phản diện thì vẫn phải có sự kết nối với người xem. Có thể khán giả không cần thích nhân vật, nhưng nhân vật phải làm cho họ đồng cảm, biên kịch phải lý giải được vì sao nhân vật có hành động như vậy. Khi đặt ra các tình huống sinh tồn, đôi khi đòi hỏi biên kịch cũng phải có từ trải nghiệm thực tế nữa”. 

Dòng phim sinh tồn đang là mảnh đất màu mỡ với điện ảnh Việt, vì chỉ mới bắt đầu được khai phá. Những phản ứng tiêu cực dành cho các bộ phim sinh tồn đã ra rạp sẽ là kinh nghiệm cho những người đi sau. Phải đi thì mới thành đường! 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI