Đông Phi: Trẻ em thiệt mạng vì đói, phụ nữ phải bán thân để nuôi miệng ăn

24/06/2022 - 14:18

PNO - Theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc (LHQ), hạn hán, xung đột và ảnh hưởng của đại dịch đã làm cho số người bị “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” trong khu vực Đông Phi tăng 90% trong năm qua, lên đến 89 triệu.

Trong một cuộc họp ngắn, các cơ quan nhân đạo hàng đầu thế giới đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm và tài trợ hơn nữa cho khu vực đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng được xem là tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Tesfay, trung tâm, ngồi với vợ và cháu của mình, những người đã phải rời bỏ nhà cửa trong 18 tháng, khi họ nhận được hỗ trợ lương thực lần đầu tiên sau tám tháng từ Chương trình Lương thực Thế giới ở phía tây Tigray, Ethiopia
Một gia đình đã phải rời bỏ nhà cửa trong 18 tháng, vừa nhận được hỗ trợ lương thực lần đầu tiên sau tám tháng từ Chương trình Lương thực Thế giới ở phía tây Tigray, Ethiopia

“Một phụ nữ 5 con ở hạt Turkana của Kenya đã bị mất 2 đứa con vì suy dinh dưỡng chỉ trong vòng 4 tháng. Ngoài sự cứu trợ từ chúng tôi, những gia đình như vậy đang phải ăn trái cây dại để sống qua ngày”, Madiha Raza thuộc Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) cho biết.

Cùng cảnh ngộ, một người phụ nữ khác cũng đã phải chôn cất 3 đứa con của mình chỉ trong vòng 12 tháng.

Bà Raza cho biết, IRC phải đưa những người còn sống sót đến các trung tâm ổn định cuộc sống, nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và dinh dưỡng khẩn cấp cho họ. Tại một phòng khám của IRC, số ca nhập viện vì suy dinh dưỡng đã tăng 175% trong 3 tháng qua.

IRC cũng cho biết đã chứng kiến ​​nhiều phụ nữ phải bán thân hoặc kết hôn để lấy “của hồi môn” nhằm nuôi sống bản thân.

Nhiều gia đình thì đang phải giảm số lượng bữa ăn hàng ngày để kéo dài thời gian sử dụng nguồn lương thực hiện có.

Bà Raza mô tả tình hình tại Đông Phi hiện đang “rất thảm khốc”, và cảnh báo rằng khu vực đang “bị thiếu hụt một cách đáng tiếc” các nguồn hỗ trợ nhân đạo.

Bà Claire Sanford - Phó giám đốc nhân đạo của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, người vừa trở về từ Somalia - cũng cho biết: “Trong 23 năm ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo, đây là điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy, đặc biệt là về tác động đối với trẻ em”.

Các trung tâm y tế trong khu vực hiện đang bị quá tải do số ca trẻ em phải nhập viện vì suy dinh dưỡng tăng nhanh, và nhiều bệnh nhân đang phải nằm tạm dưới những tán cây. Hiện, các phòng họp và làm việc tại các cơ sở này đã được chuyển đổi thành các phòng cho bệnh nhân tạm thời.

“Chúng tôi đã chứng kiến một số trẻ sơ sinh mới được vài tháng tuổi phải thở máy. Nhiều bé phải nằm chung trên một chiếc giường. Một số em bị viêm phổi và sốc nhiễm trùng, và trong tình trạng bị suy kiệt hoàn toàn.

Nạn đói đang leo thang rất nhanh trong khu vực, và nhiều người cho biết họ chưa bao giờ trải qua tình trạng như vậy trước đây. So với nạn đói khiến hơn 250.000 chết trong năm 2011, thì đây là tình huống tồi tệ nhất mà họ từng đối mặt”, bà Sanford cho biết.

Ở Kenya, hiện 4,1 triệu người đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đói, tăng từ 3,5 triệu một tháng trước.

Một cậu con trai Adan một tuổi của cô khi cậu bé được cho ăn qua ống để điều trị chứng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng của mình, tại trung tâm ổn định của Bệnh viện Khu vực Bay ở Baidoa, Somalia
Một bé trai 1 tuổi được cho ăn qua ống để điều trị chứng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, tại Bệnh viện Khu vực Bay ở Baidoa, Somalia

“Tình hình ở Kenya không ổn chút nào”, Bà Annette Msabeni - Phó tổng thư ký của Hội Chữ thập đỏ Kenya - cũng cho biết, cuộc khủng hoảng đói là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua ở nước này.

Nhưng do các quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi khác đang chìm trong khủng hoảng, nhiều người đang lại đang di cư đến Kenya nhằm tìm kiếm nguồn cung thiết yếu.

“Những nguồn tài nguyên ít ỏi còn lại đang ngày càng trở nên căng thẳng và cạn kiệt. Chúng tôi cũng đang chứng kiến ​​sự gia tăng xung đột ở một số quận của Kenya mà một trong những nguyên nhân là thiếu các nguồn tài nguyên, như nước, gia súc và đồng cỏ.

Ở nhiều quận của Kenya, tỷ lệ suy dinh dưỡng là hơn 70%. Thiếu nước là một thách thức khác của người dân ở các cộng đồng tại đây. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái đang phải đi những quãng đường xa hơn để lấy nước, khiến họ có nguy cơ gặp rủi ro cao về sự an toàn và bị bạo hành do phân biệt giới tính”, bà Msabeni lên tiếng.

Nhất Nguyên (theo iNews)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI