Dòng nước sạch mang cuộc sống mới đến Doi Lầu

27/07/2024 - 06:32

PNO - Trong buổi chiều tháng Bảy, đám trẻ nhà bà Mai xúm xít chụm đầu vào vòi nước để tận hưởng dòng nước mát. Hình ảnh bình dị này từng là niềm mơ ước của bao thế hệ cư dân ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM, nay mới thành hiện thực nhờ nỗ lực của ngành cấp nước.

Hết cảnh ngóng sà lan, chờ nước sạch

Tháng 5/2024, giữa lúc hạn, mặn hoành hành ở nhiều nơi, tôi nhớ đến ấp Doi Lầu - nơi mà trước đây, mỗi ngày, người dân chỉ được dùng vài gàu nước trữ trong lu. Tôi gọi điện cho anh Đỗ Hải Nam - người dân ấp Doi Lầu - để hỏi thăm. Giọng anh vui vẻ: “Bây giờ, nước sạch chảy vào tận nhà, người dân không còn phải ngóng sà lan chở nước nữa”.

Bồn chứa nước thô sơ này từng là nơi  cung cấp nước cho khoảng 300 hộ dân ở ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông - ẢNH: HOÀNG LÂM
Bồn chứa nước thô sơ này từng là nơi cung cấp nước cho khoảng 300 hộ dân ở ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông - Ảnh: Hoàng Lâm

Ấp Doi Lầu nằm ven rừng Sác, có khoảng 3.000 nhân khẩu, vừa được tách thành ấp Doi Lầu 1 và Doi Lầu 2. Do nằm biệt lập nên người dân nơi đây chịu nhiều thiệt thòi. Mấy năm về trước, UBND huyện Cần Giờ phải tổ chức 2 chiếc sà lan chở nước sạch cung cấp cho người dân. Việc chở nước lệ thuộc vào thủy triều. Nhiều hôm, mực nước xuống quá thấp, sà lan không vào rạch nhỏ được, hàng ngàn người phải chịu thiếu nước sạch.
Tôi còn nhớ tiêu đề một bài báo đăng trên tờ Phụ nữ TPHCM ngày 4/9/2020: Dân Cần Giờ thiếu nước, ngóng chờ sà lan. Khi ấy, sà lan chở nước bị hư nên ngưng hoạt động; người dân phải xài nước sạch dè sẻn từng gàu hoặc mua nước chở tới bằng xe tải với giá đắt đỏ. Sau khi báo đăng, ngành cấp nước đã ngày đêm thi công đường ống vượt rừng Sác, quyết tâm không để dân thiếu nước. Từ năm 2022, nước sạch đã đến với 100% nhà dân ở ấp Doi Lầu.

Chúng tôi đến thăm nhà bà Trần Thị Mai - 68 tuổi, ở khu dân cư Tắc Cá Cháy, ấp Doi Lầu - vào một ngày đầu tháng Bảy và bắt gặp cảnh đám trẻ xúm xít chụm đầu vào vòi nước để tận hưởng dòng nước mát. Bà Mai hồ hởi kể, ngay trong cao điểm mùa khô hạn, nguồn nước sạch vẫn dồi dào, xài thoải mái. Chỉ tay về những chiếc lu lớn phía sau nhà, bà Mai nói, trước đây, người dân thường mua những chiếc lu lớn về để chứa nước mưa, dùng dần. Mấy năm nay, có nước máy, họ dùng lu trữ nước mưa để tưới cây, tưới rau. Những cái lu cũng gợi cho bà con kỷ niệm của một thời khan hiếm nước, từ đó thêm quý những dòng nước mát ngọt hôm nay.

Nhân viên của Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ tất bật làm việc để dẫn nước sạch vào các xã vùng xa của huyện Cần Giờ như Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp - ẢNH: BÍCH ĐINH
Nhân viên của Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ tất bật làm việc để dẫn nước sạch vào các xã vùng xa của huyện Cần Giờ như Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp - Ảnh: Bích Đinh

Ông Dương Văn Kha (ấp Doi Lầu) cho hay, hệ thống nước máy mang lại cuộc sống mới cho người dân ấp Doi Lầu. Trước đây, gia đình ông xây một bể chứa nước lớn trên cao để hứng nước mưa và chứa nước do ghe chở vào nhưng vẫn thường xuyên thiếu nước. Vào cao điểm mùa khô, các thành viên trong gia đình ông phải tắm nước nhiễm phèn, sau đó chỉ dám dội 1 gàu nước sạch để xả nên thường bị ghẻ lở. Nay thì cảnh ấy qua rồi.

Ông nói thêm, có hệ thống nước máy, các trường học trong huyện cũng đầu tư kinh phí làm nhà vệ sinh khang trang hơn, có trường còn xây bể bơi để dạy bơi cho học sinh: “Nhớ lại cảnh ngày xưa thức trắng đêm chờ đổ nước sạch vô bồn, mua từng can nước với giá đắt đỏ, tôi càng thấy quý nguồn nước sạch hôm nay. Tụi tôi biết ơn chính quyền các cấp cũng như cán bộ, nhân viên ngành cấp nước”.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Trước đây, do cách trở địa lý, việc cung cấp nước sạch cho người dân huyện Cần Giờ gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2011, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) đã đầu tư, đưa vào vận hành 3 trạm bơm tăng áp và tuyến ống cấp nước dài khoảng 42km từ huyện Nhà Bè sang Cần Giờ. Những năm sau đó, SAWACO tiếp tục phát triển mạng lưới cấp nước huyện Cần Giờ. Đến nay, mạng lưới ống cấp nước do SAWACO đầu tư ở huyện Cần Giờ có tổng chiều dài hơn 220km, bao gồm hệ thống mạng tuyến ống truyền dẫn, mạng tuyến phân phối.

Học sinh ở huyện Cần Giờ sử dụng nguồn nước sạch do SAWACO cung cấp - ẢNH: BÍCH ĐINH
Học sinh ở huyện Cần Giờ sử dụng nguồn nước sạch do SAWACO cung cấp - Ảnh: Bích Đinh

Tính đến tháng 5/2024, Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ thuộc SAWACO đã cấp nước trực tiếp cho hơn 5.500 hộ dân ở các xã An Thới Đông, Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Ngoài ra, xí nghiệp này còn cấp nước qua đồng hồ tổng cho 6 trạm cấp nước vệ tinh để đưa đến tận nhà hơn 13.500 hộ trong huyện. Như bao ấp, khu phố khác của huyện Cần Giờ, Doi Lầu đã được “phủ sóng” nước sạch. Với những nhà nằm biệt lập, nhân viên cấp nước phải bơi xuồng vào gắn đồng hồ nước.

Ngoài nỗ lực cung cấp nước sạch cho người dân, Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong vận hành sản xuất để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Xí nghiệp đã triển khai ký kết hợp đồng dịch vụ cấp nước điện tử khi gắn mới đồng hồ nước, sang tên đồng hồ nước, thành lập tổng đài chăm sóc khách hàng, phổ biến ứng dụng (app) chăm sóc khách hàng, nhắn tin cho khách hàng qua Zalo, triển khai chương trình tự động cảnh báo rò rỉ.

Các công trình cấp nước sạch do SAWACO đầu tư ở huyện Cần Giờ đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, cải thiện đời sống người dân. Các công trình cấp nước qua đường ống cũng giúp tiết kiệm ngân sách so với việc vận chuyển nước sạch bằng sà lan.

Theo lãnh đạo SAWACO, từ nay đến năm 2025, SAWACO tiếp tục xây dựng thêm các đoạn ống băng sông Soài Rạp và Tắc Sông Chà để bảo đảm an toàn cấp nước, xây dựng thêm các bể chứa tại các trạm bơm tăng áp để tăng công suất và tăng nguồn nước sạch dự phòng.

Hoàng Lâm

Tác phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua email toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.
Cơ cấu giải thưởng
- 1 giải Nhất: trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì: trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba: mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.
Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI