Đông Nam bộ "bắt tay" làm du lịch

28/06/2020 - 17:30

PNO - Phát biểu tại Hội nghị "Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ" tổ chức tại tỉnh Tây Ninh chiều ngày 28/6, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, du lịch Đông Nam bộ như ‘hòn ngọc thô chưa tìm được thợ mài xứng tầm’.

Theo ông Phong, Đông Nam bộ được đánh giá là vùng kinh tế năng động nhất cả nước, chiếm 42% GDP toàn quốc. Trong năm 2019, cả vùng đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ, doanh thu đạt hơn 7 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng đó, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là niềm tự hào của Đông Nam Bộ.

Chủ tịch TP.HCM - Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch TP.HCM - Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong số những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Tính riêng Đông Nam bộ, 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt gần 1,7 triệu người, giảm 65% so với cùng kỳ.

“Trong tình hình này, muốn tiếp tục phát triển du lịch thì chiến lược và cách tiếp cận của chúng ta phải thay đổi nhằm phù hợp với điều kiện thực tế trong giai đoạn mới. Đó là tiếp cận theo hướng tập trung phát triển thị trường nội địa và chuẩn bị phát triển thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm phù hợp”, Chủ tịch UNBD TPHCM bày tỏ.

 

Clip giới thiệu tiềm năng du lịch Đông Nam bộ và Hội nghị "Liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ"

 Ông Phong cho rằng, Đông Nam bộ với những tài nguyên du lịch tự nhiên hiện có như bờ biển đẹp, nước trong xanh tại Bà Rịa -Vũng Tàu; Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà Đen, núi Bà Rá, núi Dinh; Tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với hệ thống sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; Tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với Khu dự trữ sinh quyển - rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, hệ thống vườn quốc gia Cát Tiên, vườn quốc gia Bù Gia Mập… chẳng khác nào là ‘viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm. 

Với những kỳ vọng trên, lãnh đạo TPHCM mong muốn các tỉnh, thành trong vùng liên kết với nhau để hình thành một thương hiệu du lịch mang dấu ấn của vùng. Cùng nhau cải thiện mạnh mẽ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đẩy mạnh quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững...

Du khách trải nghiệm tour qua nhiều địa danh tại Đông Nam bộ
Du khách trải nghiệm tour qua nhiều địa danh tại Đông Nam bộ

Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hoá gợi ý, để thúc đẩy du lịch Đông Nam bộ, cần xây dựng bản đồ du lịch vùng. Trong đó xác định địa phương nào là trung tâm địa phương nào hỗ trợ; liên kết hợp tác phát triển và tránh trùng lắp các sản phẩm. Đồng thời cần nghiên cứu mô hình hợp tác công tư, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch.

Sáng ngày 28/6, các doanh nghiệp lữ hành lớn tại TPHCM đã giới thiệu về 3 tuyến du lịch khởi hành từ TPHCM trong chương trình kích cầu du lịch Đông Nam bộ. Bao gồm các tuyến: TPHCM - Bình Dương - Tây Ninh; TPHCM - Bình Dương - Bình Phước và tuyến TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết lãnh đạo quản lý ngành du lịch 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ cam kết, Hội nghị lần này không dừng lại ở các tuyên bố và phải có sản phẩm để doanh nghiệp có thể kinh doanh, đưa vào thực tiễn. Nhìn vào các tour tuyến dễ nhận thấy hầu hết đều xuất phát từ TPHCM, điều này khẳng định vai trò đưa khách của thành phố trong mô hình liên kết toàn vùng.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI