Đông Nam Á thống lĩnh buôn bán ma túy bất hợp pháp

17/07/2020 - 06:00

PNO - Ngay cả khi dịch COVID-19 lây lan rộng rãi cũng không thể ngăn chặn việc sản xuất và vận chuyển ma túy trong khu vực.

Khu vực Tam giác vàng - bao gồm miền bắc Thái Lan, miền tây Lào và miền đông Myanmar - trở thành địa điểm nổi tiếng của Đông Nam Á trong vấn đề sản xuất ma túy phi pháp. Trước đó, nơi này được biết đến với việc trồng, chế biến và phân phối thuốc phiện trong khu vực và trên thế giới.

Tiền chất sẵn có thúc đẩy quá trình sản xuất

Thời gian gần đây, Tam giác vàng đã mở rộng phương thức hoạt động, chiếm vị trí thống lĩnh trong việc sản xuất và buôn bán methamphetamine (ma túy đá hay ma túy tổng hợp). Ước tính tổng giá trị thương mại của ma túy đá trong tiểu vùng sông Mê Kông là hơn 40 tỷ USD mỗi năm.

Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), một chất gây nghiện nguy hiểm khác là amphetamine cũng thu về không ít lợi nhuận bất hợp pháp, lên tới 30-60 tỷ USD.

Buôn bán ma túy tại Tam giác vàng bùng nổ bất chấp nỗ lực kiểm soát từ chính quyền các nước.
Buôn bán ma túy tại Tam giác vàng bùng nổ bất chấp nỗ lực kiểm soát từ chính quyền các nước

Việc gia tăng sản xuất ma túy đá trong khu vực xuất phát nhờ sự sẵn có của pseudoephedrine và axit sulfuric - tiền chất quan trọng dùng để điều chế methamphetamine - ở các nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ. Không giống như thuốc phiện phụ thuộc vào thu hoạch theo mùa, ma túy tổng hợp dễ dàng được điều chế trong phòng thí nghiệm nếu có tiền chất.

Nhờ đó, Myanmar nổi lên thành một nhà sản xuất ma túy lớn, trong khi Lào và Thái Lan trở thành các tuyến buôn bán trọng điểm chất gây nghiện này. Ma túy sẽ được nhập lậu vào tỉnh Vân Nam của Trung Quốc rồi đến Quảng Đông, Hồng Kông và Macao. 

Lợi dụng đường biên giới giữa các nước, tội phạm buôn bán ma túy sẽ chuyển các chuyến hàng từ Lào đến Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, hoặc từ miền nam Myanmar đến miền nam Thái Lan rồi qua các quốc gia khác ở Đông Nam Á và xa hơn thế nữa.

Ngoài ra, các tập đoàn ma túy hoạt động trong khu vực có mối liên hệ chặt chẽ cùng tổ chức tội phạm xuyên quốc gia khác như Yakuza Nhật Bản, Nigeria và Colombia để phân phối chất cấm trên toàn thế giới. 

Tận dụng COVID-19 mở rộng kinh doanh ma túy

Nguồn cung chất gây nghiện vẫn sẵn có trong đại dịch COVID-19 cho thấy sự thất bại của chính quyền các quốc gia Đông Nam Á trong việc kiểm soát buôn bán ma túy phi pháp.

Jeremy Douglas - Trưởng đại diện UNODC tại khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương - cho biết: “Trong khi thế giới chuyển sự chú ý sang đại dịch COVID-19, tất cả các dấu hiệu cho thấy việc sản xuất và buôn bán ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện khác vẫn tiếp tục đạt mức kỷ lục trong khu vực.”

Thiết bị điều chế ma túy bị tịch thu tại Myanmar.
Thiết bị điều chế ma túy bị tịch thu tại Myanmar

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát kéo theo lệnh phong tỏa và nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, các tổ chức ma túy bắt đầu sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để buôn bán. Điều này không chỉ giúp tội phạm dễ dàng mở rộng giao dịch mà còn giảm chi phí vận chuyển. Các tội phạm phân phối chất cấm chỉ cần thả bưu kiện ở địa điểm cụ thể và người mua có thể đến nhận hàng tại những nơi được chỉ định. 

Do đó, cảnh sát gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các giao dịch mua bán ma túy, ẩn nấp sau những cuộc trò chuyện riêng tư.

Khủng hoảng kinh tế trầm trọng do dịch bệnh khiến hàng triệu người thất nghiệp hoặc giảm thu nhập. Nắm được điểm yếu này, bọn tội phạm đã lợi dụng nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong mùa dịch tham gia vào việc kinh doanh chất cấm. Đặc biệt, tội phạm thường sử dụng nữ giới để vận chuyển ma túy vì chúng tin rằng phụ nữ sẽ không hoặc ít khả năng bị cảnh sát nghi ngờ và bắt giữ.

Chung Thu Hương (theo CNA và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI