Đông Nam Á khẩn cấp ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

27/07/2022 - 06:58

PNO - Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, bà Poonam Khetrapal Singh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO - đã kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát và thực hiện các biện pháp y tế công cộng đối với căn bệnh này.

Trong thông báo cuối ngày 24/7, tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh đã kêu gọi các nước trong khu vực đẩy mạnh nghiên cứu vắc-xin đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ tại các bệnh viện và phòng khám. 

Theo WHO, đến nay đã có gần 17.000 ca nhiễm ở hơn 75 quốc gia trên toàn cầu được báo cáo. Tại Đông Nam Á, Singapore là nước đang có số ca nhiễm nhiều nhất với chín trường hợp. Thái Lan có một ca nhưng người này đang được điều trị ở Campuchia sau khi bệnh nhân trốn sang nước này.

Một mẫu máu có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút đậu mùa khỉ - ẢNH: ISTOCK
Một mẫu máu có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút đậu mùa khỉ - Ảnh: ISTOCK

Nhìn ra châu Á, Ấn Độ báo cáo có ba trường hợp, Nhật Bản có một. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có thể có nhiều trường hợp chưa được phát hiện. Tiến sĩ Singh nhận định: “Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng và đến nhiều quốc gia mà trước đây chưa từng thấy. Tuy nhiên, với các trường hợp tập trung ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, chúng ta có thể hạn chế sự lây lan của căn bệnh này bằng cách tập trung vào nhóm dân số có nguy cơ phơi nhiễm cao”. Bà nói thêm rằng, bất kỳ nỗ lực hay biện pháp phòng, chống dịch nào cũng phải tránh gây ra sự nhạy cảm, không kỳ thị hoặc phân biệt đối xử.

Ngay sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã triển khai, hành động ngay lập tức. Tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore... các quan chức y tế đã triệu tập những cuộc họp khẩn với các cơ quan y tế công cộng để thảo luận về biện pháp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ. Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết nước này đã thực hiện các bước đối phó với bệnh đậu mùa khỉ kể từ tháng Năm, mặc dù trường hợp đầu tiên chỉ được xác nhận vào tuần trước. 

Bộ Y tế Indonesia cũng cho biết, nước này đã kích hoạt hệ thống giám sát tại tất cả cửa khẩu nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập và lây lan. Cục trưởng Cục Phòng, chống và Kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Indonesia ông Maxi Rein Rondonuwu cho biết đã triển khai giám sát tích cực tại tất cả điểm nhập cảnh, đặc biệt là tại các cảng biển và sân bay. 

Bộ Y tế Việt Nam cũng đã lập tức họp khẩn vào ngày 24/7 để triển khai các biện pháp ứng phó với căn bệnh này.

Là quốc gia có nhiều ca bệnh nhất cho đến hiện nay, Singapore đặc biệt nâng cao mức cảnh giác của người dân, tập trung với nhóm nguy cơ cao.  Bộ Y tế Singapore (MOH) thường xuyên cập nhật cho các bác sĩ và cơ sở y tế về tình hình bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời đưa ra hướng dẫn về quy trình xác định các trường hợp nghi ngờ cũng như quản lý các trường hợp đã xác nhận. “Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi có chuyên môn và khả năng để kiểm tra, chẩn đoán và điều trị hiệu quả các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ”, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết. 

Thực hiện khuyến cáo của WHO, MOH tuyên bố không tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ đại trà mà chỉ dành cho người có nguy cơ cao. “Hiện tại, với tính chất tự giới hạn của bệnh, chúng tôi không khuyến nghị việc tiêm chủng đại trà cho toàn dân phòng bệnh đậu mùa khỉ, vì lợi ích mang lại không nhiều hơn nguy cơ mắc bệnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ”, ông Ong Ye Kung nói thêm. 

Thu Thanh (theo CNA, Bangkok Post, The Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI