Đông Nam Á chung lưng đối phó biến đổi khí hậu

24/12/2022 - 09:55

PNO - Doanh nghiệp, người tiêu dùng và các chính phủ Đông Nam Á đang được kêu gọi chung sức làm chậm lại nguy cơ tiềm ẩn do khủng hoảng khí hậu.

 

Các nỗ lực vì môi trường, chống biến đổi khí hậu của các quốc gia Đông Nam Á  đang ngày càng tăng (trong ảnh: Đường phố ở Phuket, Thái Lan chìm trong biển nước ngày 16/10) - ẢNH: REUTERS
Các nỗ lực vì môi trường, chống biến đổi khí hậu của các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng tăng (trong ảnh: Đường phố ở Phuket, Thái Lan chìm trong biển nước ngày 16/10) - Ảnh: Reuters 

Trọng tâm là ý thức giảm thải carbon 

Các quốc gia Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhưng kèm theo đó, khu vực này cũng trở thành một trong những nơi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Dù muộn nhưng còn hơn không, một số nước đã nhận ra phát triển phải song hành tính bền vững.

Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang được khuyến khích thực hành thói quen và hành vi thân thiện với môi trường. Xe điện (EV) đang là một chọn lựa quan trọng. Phương tiện này đang trở nên “nóng hổi” trước thực trạng có tới 92% lượng khí thải ở Đông Nam Á có nguồn phát từ giao thông đường bộ. Indonesia muốn 20% tổng số ô tô sản xuất là EV vào năm 2025. Thái Lan muốn đạt con số 30% ô tô EV vào năm 2030 và đã giảm thuế đối với EV từ 8% xuống 2% để khuyến khích người dân sử dụng.

Grab - công ty cung cấp dịch vụ gọi xe thông minh phổ biến khắp Đông Nam Á - tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển đổi sang EV. Công ty tích cực giúp các tài xế chuyển sang EV với giá phải chăng bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp năng lượng. Họ đã vận hành đội xe EV lớn nhất ở Indonesia với khoảng 8.500 chiếc. Tại Singapore, Grab còn cung cấp tính năng mới “Chuyến đi thân thiện với môi trường” dành cho người dùng nào muốn ưu tiên chọn sử dụng phương tiện năng lượng sạch. 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng do Đông Nam Á sử dụng chủ yếu nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện, nên mức giảm phát thải không thể tốt như các khu vực sử dụng phổ biến năng lượng tái tạo. Việc sử dụng EV cũng nảy sinh những lo ngại xung quanh quy trình xử lý an toàn các khối pin hết hạn sử dụng. Vì vậy, đây chưa phải là giải pháp thực sự hữu hiệu để cải tạo môi trường. Nhưng cần lưu ý rằng, các quốc gia Đông Nam Á đang thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất điện khử carbon. Điều đó có nghĩa lượng khí thải sẽ giảm đáng kể đối với dòng xe điện mới. 

Cần nhiều nỗ lực hơn vì môi trường 

Kể từ năm 2000, nhu cầu năng lượng đã tăng trung bình 3% mỗi năm. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính khoảng 75% nhu cầu được đáp ứng từ nhiên liệu hóa thạch, làm tăng lượng khí thải CO2 lên 33,3%. Gần đây, thế giới đã đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, nhưng chỉ có 40% đầu tư ở Đông Nam Á là dành cho năng lượng sạch. Đây là khu vực sinh sống của hơn 680 triệu người, do vậy, khả năng phục hồi khí hậu có thể tăng lên đáng kể khi có nhiều người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ và tham gia tích cực hơn trong các thực hành bền vững.

Người trẻ đang dẫn đầu làn sóng ý thức về môi trường bằng cách ủng hộ sản phẩm xanh. Từ năm 2016, các tìm kiếm trên internet liên quan đến hàng hóa bền vững, thân thiện môi trường đã tăng 71%. Giờ đây, họ sẵn sàng chung tay với các công ty để giảm phát thải. 

Có những tiềm năng kinh tế lớn dành cho Đông Nam Á nếu theo đuổi phát triển bền vững. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, cứ 1 triệu USD chi tiêu của chính phủ cho năng lượng tái tạo sẽ tạo ra số việc làm gấp 5 lần so với cùng số tiền đó nếu chi cho nhiên liệu hóa thạch. Các chính phủ cũng đã tăng cường hỗ trợ cho việc sử dụng xe EV. Singapore đã giảm tới 34% thuế đường bộ cho phương tiện EV. Ở Malaysia, tất cả chủ sở hữu xe EV sẽ được miễn thuế đường bộ.

Các ngành công nghiệp đang vươn lên đều hỗ trợ những nỗ lực bảo vệ môi trường, như sản xuất EV, trang trại năng lượng mặt trời, các hoạt động như tái trồng rừng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. 

Nam Anh (theo National Geographic, The Star)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI