Đông Nam Á chìm trong làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta

05/07/2021 - 12:42

PNO - Các nước Đông Nam Á bắt đầu thấm mệt trước làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến chủng Delta.

Từng là khu vực nổi bật nhờ khả năng ứng phó dịch bệnh tương đối thành công trong năm 2020, các nước Đông Nam Á bắt đầu thấm mệt trước làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến chủng Delta.

Khắp Đông Nam Á liên tục chứng kiến mức ca nhiễm hằng ngày kỷ lục. Ngày 3/7, Indonesia ghi nhận số trường hợp COVID-19 mới kỷ lục, với gần 28.000 ca. Chính phủ đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần khi số ca nhiễm hằng ngày đã tăng hơn bốn lần chưa đầy một tháng.

Công nhân đào mộ ở Indonesia kiệt sức vì chôn cất quá nhiều thi thể chết vì COVID-19
Công nhân đào mộ ở Indonesia kiệt sức vì chôn cất quá nhiều thi thể chết vì COVID-19

Tính đến ngày 3/7, Indonesia có 2,2 triệu trường hợp nhiễm và 59.534 ca tử vong do COVID-19, nhưng các chuyên gia cảnh báo thực tế có thể đáng lo hơn do khả năng xét nghiệm thấp. Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng giám sát phản ứng COVID-19, cho biết: “Trong 10-14 ngày tới, các ca bệnh có thể tiếp tục tăng. Hai tuần này là thời điểm quan trọng đối với chúng tôi”.

Tương tự, ngày 4/7, Malaysia báo cáo hơn 800.000 ca nhiễm, số người chết nâng lên hơn 5.500 người. 
Một nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho biết, biến thể Delta là nguyên nhân của 70% ca nhiễm ở Bangkok. Mặc dù đợt bùng phát thứ ba hiện tại bị chi phối bởi biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh) với khả năng lan truyền nhanh gấp 1,7 lần so với chủng Vũ Hán, biến thể Delta (tìm thấy đầu tiên ở Ấn Độ) đang dần chiếm “thế thượng phong” nhờ khả năng truyền nhiễm cao hơn 1,4 lần so với chủng Alpha. Thái Lan báo cáo 41 trường hợp tử vong do COVID-19 và 6.230 trường hợp mắc mới trong ngày 3/7, nâng tổng số người chết lên 2.182 và 277.151 trường hợp nhiễm kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và biến thể Delta, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã công bố các biện pháp mới bao gồm việc tạm thời đóng cửa biên giới với Thái Lan và Việt Nam. Bộ Y tế Campuchia ngày 4/7 báo cáo thêm 993 trường hợp nhiễm, cùng 24 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số tích lũy lên 54.291 trường hợp nhiễm và 720 trường hợp tử vong. Điểm sáng duy nhất của Đông Nam Á là Singapore chỉ với bảy ca nhiễm mới hôm 3/7 và đã nới lỏng vài biện pháp giãn cách nghiêm ngặt trước đó.
Nguyên nhân chính được cho là đứng sau làn sóng lây nhiễm chết người ở Đông Nam Á là việc thiếu hụt vắc-xin. Tình trạng ở Đông Nam Á khác hẳn với những gì đang diễn ra ở các nền kinh tế giàu có của phương Tây. Bởi vì, các quốc gia giàu có - bao gồm một số nước ở châu Á, như Nhật Bản, Singapore - đã “vét” vắc-xin trong thời gian triển khai ban đầu, các quốc gia nghèo có ít lựa chọn hơn.

Stephen Morrison, Phó Chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cho biết nhiều quốc gia châu Á bị bùng phát dịch khó tiếp cận thị trường mua bán và đặt hàng vắc-xin. Thậm chí, một số nước - bao gồm Thái Lan và Malaysia - đã chậm chân hoặc không tham gia sáng kiến chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX.

Theo ông Morrison, tình trạng thiếu nguồn cung cấp vắc-xin, kết hợp với làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta, khiến khu vực “bị lung lay nghiêm trọng”. Dù Mỹ và nhiều nước khác hứa sẽ viện trợ hàng chục triệu liều vắc-xin cho Đông Nam Á, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, bình luận: “Các lô vắc-xin được tặng vào năm tới sẽ là quá muộn đối với những người sắp chết, nhiễm bệnh, hoặc có nguy cơ mắc bệnh ngay ngày hôm nay”. 

Linh La (theo CNN, Yahoo, Bangkok Post, Khmertimeskh, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI