|
Đông Nam Á đang chật vật đẩy lùi tiểu đường. |
Ở Đông Nam Á, cứ 14 người thì một người mắc bệnh tiểu đường, phần lớn là tiểu đường tuýp 2 có thể phòng tránh trong nhiều trường hợp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính đến từ thực phẩm đã qua chế biến, đồ ăn không lành mạnh, thông tin sai lệch và thiếu hiểu biết từ phía bệnh nhân.
Singapore là quốc gia dẫn đầu cuộc chiến chống tiểu đường ở Đông Nam Á, chủ động tiếp cận để phòng ngừa và điều trị sớm căn bệnh này. Phát biểu trong ngày Quốc khánh 2017, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xác định tiểu đường là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà đảo quốc Sư Tử phải đối mặt.
Ông nói: “Mỗi người đều phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình ngay từ khi còn trẻ. Đó là cách để giảm nguy cơ mắc tiểu đường, giữ gìn sức khỏe và sống tốt”.
Singapore hiện có hơn 450.000 bệnh nhân tiểu đường và sẽ tăng lên 1 triệu người trong 30 năm tới nếu không được can thiệp. Mỗi năm, chính phủ Singapore chi hơn 1 tỉ USD để mở rộng chất lượng sàng lọc của các phòng khám, thúc đẩy chia sẻ kiến thức cộng đồng, chiến dịch thông tin công cộng và cập nhật chương trình hoạt động thể chất ở trường tiểu học…
|
Tại Singapore, tỉ lệ khoảng 1/10 người mắc tiểu đường. |
Nghiên cứu của Paul Zimmet, chuyên gia về bệnh tiểu đường của Đại học Monash, Úc, chỉ ra rằng sức khỏe bà mẹ ảnh hưởng tới nguy cơ mắc tiểu đường của các thế hệ tương lai. Bệnh nhân có thể mắc tiểu đường vì mẹ hoặc bà ngoại của họ tiếp xúc với các yếu tố rủi ro như nạn đói, thảm họa thiên nhiên,…, làm tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến chế độ ăn uống cho các thế hệ sau.
Ở Malaysia, nơi phần lớn công dân phụ thuộc vào y tế công, chi phí cho bệnh tiểu đường đang gia tăng. Hơn 3 triệu người Malaysia mắc tiểu đường và Malaysia dành 16% tổng ngân sách y tế để điều trị căn bệnh này. Nghiên cứu của Bộ trưởng Y tế Lim Guan Eng xác định Malaysia là quốc gia lười vận động nhất ở Đông Nam Á.
|
Malaysia là quốc gia lười vận động nhất ở Đông Nam Á. Ảnh minh họa |
Tháng trước, Bộ trưởng Y tế Malaysia Lim Guan Eng tuyên bố chính phủ sẽ đánh thuế đồ uống có lượng đường cao. Tương tự, Thái Lan, một trong những nhà sản xuất đường hàng đầu thế giới, đã thực hiện thuế đường vào năm 2017. Tuy nhiên, thuế dường như không thể giải quyết thỏa đáng một vấn đề phức tạp và tốn kém như vậy mà phải nằm trong dự án tiếp cận tích hợp, chiến lược lớn hơn.
Chính phủ Malaysia dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohamad đang xem xét yêu cầu tất cả các quán ăn phải đóng cửa vào nửa đêm và cấm quảng cáo các loại thực phẩm nhiều chất béo và đường. Theo Bộ trưởng Lim, những biện pháp này đã được chính quyền của cựu Thủ tướng Najib Razak xem xét nhưng chưa đi tới kết luận.
|
Một người đàn ông béo phì đang ăn vặt. |
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 7% dân số Indonesia, tức hơn 17 triệu người, mắc bệnh tiểu đường. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên và hiện chưa có chiến lược phòng chống trên phạm vi toàn quốc. Hàng triệu thanh niên Indonesia đang chung sống với tiểu đường, nhiều người thậm chí không được điều trị.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường và bệnh tim sẽ tiêu tốn của Indonesia 2,8 nghìn tỉ USD từ 2012-2030, gấp 100 lần tổng chi phí y tế của quốc gia trong năm 2014.
Thiếu nhận thức cộng đồng là một trong những trở ngại chính đối với việc chẩn đoán và điều trị. Nhiều phòng khám không được trang bị đầy đủ để theo dõi đường huyết, chưa nói đến hỗ trợ phát hiện sớm giúp bệnh nhân giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như mất chân tay.
Bệnh nhân được chẩn đoán muộn có khả năng cao mắc tiểu đường giai đoạn sau cùng các biến chứng liên quan. Tại Indonesia, chỉ một nửa các cơ sở chăm sóc cơ bản thuộc sở hữu của chính phủ có khả năng thực hiện xét nghiệm đường huyết.
|
Bệnh nhân tiểu đường kiểm tra lượng đường trong máu. |
Đối với nhiều người Indonesia, Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác đã trở thành nguồn thông tin chính về quản lý và phòng ngừa căn bệnh này.
Cahya Ahya, mới tốt nghiệp đại học, được chẩn đoán mắc bệnh 11 năm trước và hiện đang tích cực đăng bài trên một diễn đàn Facebook dành cho bệnh nhân tiểu đường. Trong nhóm, thành viên thường xuyên chia sẻ hiểu biết của họ về tiểu đường và các mẹo nấu ăn.
Tiểu đường tuýp 2 có thể được ngăn ngừa hoặc trì hoãn nhờ phát hiện sớm, chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh. Tuy nhiên, chế độ ăn uống và tập luyện phụ thuộc nhiều vào môi trường sống của bệnh nhân, giá cả thực phẩm lành mạnh so với thực phẩm thiếu lành mạnh cũng như thời gian rảnh để nấu ăn và tập thể dục.
|
Bệnh nhân tiểu đường tiêm insulin. |
Bộ trưởng Y tế Malaysia Lim Guan Eng nói: “Nếu chỉ có thuế thì chưa đủ thay đổi hành vi. Đây là kết quả của kế hoạch đô thị, truyền thông và can thiệp của chính phủ trong việc hạn chế thị trường thực phẩm không lành mạnh”.
Ví dụ, quan chức địa phương có thể làm việc với bộ Xây dựng để xây thêm công viên và làn đường cho xe đạp. Đồng thời, hệ thống cơ quan chính phủ phải định hướng nguồn lực một cách thích hợp theo hướng nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường, trang bị cho các phòng khám địa phương để phát hiện sớm và khuyến khích ăn uống, tập luyện lành mạnh hơn.
Ông Zimmet, cũng là chủ tịch danh dự của Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, cảnh báo: “Tiểu đường không đơn giản chỉ là vấn đề về lối sống mà trong tương lai, căn bệnh có thể ảnh hưởng đến di truyền, giáo dục, khả năng lao động, sức khỏe bà mẹ và trẻ em...”
Ngọc Anh (theo SCMP)