Đông Nam Á bị động trước tình trạng già hóa dân số

16/07/2024 - 06:36

PNO - Cư dân khu vực Đông Nam Á đang già hóa nhanh chóng khi trẻ em được sinh ra ngày càng ít, gây ra khó khăn về chính sách đảm bảo an sinh cho người già đang tăng đột biến.

Dân số già nhanh

Dù đã vượt ngưỡng nghỉ hưu tối thiểu của Malaysia là 60 tuổi, ông Santokh Singh (63 tuổi) ở Kuala Lumpur vẫn tiếp tục làm việc để lo cho cuộc sống. Bà Gaysorn Chobtham - 76 tuổi, hiện sống một mình ở vùng nông thôn Thái Lan với mức thu nhập dưới 50 USD/tháng - thì chỉ có mong muốn duy nhất là không trở thành gánh nặng cho người khác trong những năm cuối đời. Dễ nhận thấy, khu vực Đông Nam Á (ĐNA) đang già đi nhanh chóng trong khi chính phủ các nước và người dân đang loay hoay tìm cách thích nghi.

Chi phí chăm sóc sức khỏe và nhu cầu lương hưu đang tăng lên trong tình hình lực lượng lao động đóng thuế thu hẹp lại đã tạo ra “quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học”. Theo dự đoán của Liên hiệp quốc, đến năm 2050, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi sinh sống của 1,3 tỉ người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 1/4 dân số. Lúc ấy, ĐNA phải chịu gánh nặng từ hơn 170 triệu người cao tuổi (22% dân số của khu vực). Đáng lưu ý, dù tuổi thọ trung bình tăng nhưng tình trạng sức khỏe kém lại khiến những năm cuối đời của đại đa số người già không hạnh phúc.

Theo truyền thống, các gia đình và cấu trúc xã hội khác sẽ hỗ trợ người già nếu chính phủ gặp khó khăn trong việc chăm sóc họ. Nhưng những chuẩn mực văn hóa này hiện đang xung đột với thực tế hiện đại, khi thế hệ trẻ theo đuổi khát vọng của riêng mình và có những ưu tiên khác. Do vậy, nhiều người già đã ở ngoài dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng, các chính sách an sinh xã hội và họ dần bị cô lập.

Một người già thư giãn cùng người thân ở Bangkok - Nguồn ảnh: EPA-EFE
Một người già thư giãn cùng người thân ở Bangkok - Nguồn ảnh: EPA-EFE

Mạng lưới an sinh xã hội yếu

Trong khi tình trạng già hóa xã hội gần như không thể tránh khỏi, nhiều quốc gia ĐNA lại chưa có sự chuẩn bị tốt. Theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổng hợp vào năm 2021, ở Indonesia, có chưa đến 30% dân số trong độ tuổi lao động đóng bảo hiểm xã hội và sẽ được hưởng lương hưu sau này. Ngay cả ở Singapore, tỉ lệ này cũng dưới 60%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 87%.

Ở Thái Lan, nơi có tỉ lệ dân số già hóa cao hơn so với trung bình khu vực, 16% dân số hiện từ 65 tuổi trở lên. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, có khoảng 2,5 triệu người Thái Lan từ 80 tuổi trở lên trong vòng 20 năm tới cần được chăm sóc sức khỏe. Nhà kinh tế học Shotaro Kumagai từ Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Các nước ĐNA cũng chậm trong việc kết hợp bảo hiểm, chăm sóc dưỡng lão và các chương trình khác cho người cao tuổi. Họ có thể chứng kiến ​​gánh nặng tài chính đối với chính phủ và hộ gia đình tăng mạnh trong tương lai”.

Ở Malaysia, các cộng đồng hưu trí bắt đầu mọc lên trên khắp đất nước. John Chia - người sáng lập và Chủ tịch của cơ sở hưu trí Millenia Village ở bang Negeri Sembilan - cho biết, nhu cầu về các cơ sở hỗ trợ sinh hoạt dành cho người cao tuổi sẽ “vượt xa những gì hiện có và tăng theo cấp số nhân trong những năm tới”. Với dân số nhỏ và tổng thu nhập trung bình hằng tháng của người dân cao, Singapore là quốc gia có vị thế tốt nhất ở ĐNA trong việc thích ứng với thách thức nhân khẩu học. Chính phủ nước này có kế hoạch dành khoảng 2,5 tỉ USD trong thập niên tới cho chương trình “Age Well SG” - tăng cường dịch vụ chăm sóc tại nhà và giới thiệu các tiện nghi thân thiện với người cao tuổi trong các khu dân cư, cùng nhiều biện pháp khác.

Tuy nhiên, sự cô lập xã hội vẫn là một thách thức đối với dân số già của Singapore. Theo số liệu của Bộ Y tế Singapore, số người từ 65 tuổi trở lên sống một mình tiếp tục tăng, đạt 79.000 người vào năm 2022. Con số đó của năm 2018 là 58.000 người.

Linh La (theo SCMP, Nikkei Asia, The Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI