Giao tiếp kém khó "giữ chân" bệnh nhân ở lại điều trị
Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - nhìn nhận: số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên điều trị (cụ thể là TP.HCM) tăng theo từng năm.
Cụ thể, năm 2016, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chuyển lên TP.HCM khoảng 700 bệnh nhi nội trú, hơn 2.500 ca ngoại trú. Năm 2017 chuyển gần 800 ca nội trú và gần 3.100 ca ngoại trú. Năm 2018 tiếp tục chuyển hơn 800 ca nội trú và gần 3.600 ca ngoại trú.
|
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai xuống cấp |
Tình trạng chuyển viện do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Hiện cơ sở vật chất của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang xuống cấp. Vài năm gần đây, bệnh viện cũng mới tiến hành xây dựng, sửa chữa từng phần riêng lẻ. Trong quá trình xây dựng gây tiếng ồn từ các công trường ảnh hưởng đến bệnh nhi và người nhà bệnh nhi. Chưa kể, trang thiết bị, máy móc còn thiếu.
"Các ca ngoại trú chuyển tuyến là do vượt quá khả năng chuyên môn hoặc một số bệnh không nằm trong phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai như: động kinh, tim bẩm sinh cần phẫu thuật, các loại u, bướu…
Còn các ca nội trú xin chuyển viện vì gia đình không yên tâm nên muốn chuyển đi dù bệnh viện có khả năng điều trị. Nhưng trong hồ sơ bệnh án, chúng tôi vẫn ghi vượt khả năng chữa trị để bệnh nhi được hưởng chế độ bảo hiểm y tế đúng tuyến khi lên TP.HCM. Bởi những bệnh nhi chuyển đi có hoàn cảnh khó khăn”, bác sĩ Đa Hà chia sẻ.
|
Nhiều gia đình muốn chuyển viện cho con vì cơ sở chật chội, nhân viên giao tiếp không khéo |
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến người bệnh muốn chuyển lên TP.HCM điều trị vì nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chưa khéo léo trong giao tiếp để giữ chân bệnh nhân ở lại chữa trị.
Chuyện giao tiếp khiến người bệnh "từ biệt" cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai. "Chúng tôi thiếu bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn sâu, trong khi bác sĩ trẻ vừa yếu tay nghề lẫn kỹ năng giao tiếp hay tư vấn nên bệnh nhân luôn có ý định chuyển viện dù đó là bệnh nhẹ”, bác sĩ Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai trăn trở.
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - băn khoăn: vẫn còn tình trạng chính các bác sĩ làm việc trong bệnh viện cũng không biết rõ được bệnh viện mình thực hiện được những kỹ thuật gì. Điều này gây hạn chế trong việc giao tiếp, giải thích với bệnh nhân.
Do đó, trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai đề nghị tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cần phải thực hiện cập nhật lại kiến thức, hiểu biết về bệnh viện cho tất cả các y bác sĩ trong toàn hệ thống; tập huấn, mở các lớp hướng dẫn tăng cường giao tiếp, giải thích cho bệnh nhân hiểu để hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân chuyển viện khi bệnh không nghiêm trọng.
Bác sĩ cũng muốn "chuyển viện"!
Ngay cả Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại được nhiều bác sĩ trên địa bàn khát khao làm việc nhưng lượng bệnh nhân chuyển tuyến vẫn cao.
|
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được xây dựng khang trang nhưng bệnh nhân vẫn muốn chuyển lên TP.HCM điều trị |
Lý giải vấn đề này, bác sĩ Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cho hay: Dù bệnh viện được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như: máy CT 256 lát cắt, 2 máy DSA… nhưng lại thiếu nhiều loại máy thở, máy theo dõi điện tim, dụng cụ phẫu thuật chuyên khoa.
"Quan trọng là Đồng Nai quá gần TP. Hồ Chí Minh nên việc chuyển tuyến rất thuận tiện. Vì vậy, việc bệnh nhân yêu cầu chuyển tuyến nhiều là điều dễ hiểu”, bác sĩ Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhận định.
“Điều đau đầu nhất của chúng tôi là nguồn nhân lực. Các năm qua, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai liên tục cử bác sĩ đi học để triển khai những kỹ thuật chuyên sâu. Ví dụ, ê kíp phẫu thuật ngoại niệu (mổ 1 số dị tật bẩm sinh trên hệ niệu), chúng tôi cử 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng đi học nhưng học xong, giờ chỉ còn 1 bác sĩ ở lại. Không có bác sĩ, chúng tôi không triển khai được các kỹ thuật mới, chuyên sâu”, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà xót xa.
Tình trạng thiếu bác sĩ cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất! Các bác sĩ tại đây cũng muốn "chuyển viện" sang các cơ sở tư nhân làm việc nên nhiều bệnh nhân buộc phải chuyển lên TP.HCM điều trị.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất - chia sẻ: bệnh nhân chuyển tuyến do bệnh viện chưa có nhiều khoa chuyên sâu, nhất là ở lĩnh vực ung bướu. 3 năm nay, bệnh viện đưa người đi đào tạo để mở khoa ung thư nhưng bác sĩ học xong là bỏ đi!
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cũng chia sẻ: "Dù bệnh viện được đầu tư máy móc hiện đại đến đâu mà không có con người, nhất là bác sĩ có chuyên môn cao thì bệnh nhân sẽ vẫn thích chuyển tuyến. Chúng tôi được nhận 6 bác sĩ trong chương trình Đào tạo của Sở Y tế, “nuôi” họ suốt 3 năm đi học nội trú.
Khi sắp ra trường, họ lại xin nghỉ việc. Thậm chí, nhiều phó khoa, trưởng khoa của bệnh viện vẫn xin nghỉ việc. Dù bệnh viện tuyển mới nhiều bác sĩ nhưng lại là các bác sĩ trẻ, trình độ chuyên môn còn non yếu.
“Có bác sĩ nội trú nhắn tin cho tôi do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên “mượn” tiền Nhà nước đi học. Họ nói thẳng, nếu họ về làm việc tại bệnh viện công của tỉnh sẽ không đủ điều kiện báo hiếu cho gia đình. Bởi 1 bác sĩ nội trú về gây mê được các bệnh viện tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh được trả cả trăm triệu đồng/tháng. Thị trường bác sĩ đang rất “nóng” với dòng dịch chuyển công sang tư mạnh mẽ, chưa có điểm dừng”, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai băn khoăn.
|
Mùa dịch bệnh, nhiều bệnh nhân phải nằm hành lang vì phòng ốc chật chội tại BV Nhi đồng Đồng Nai |
Đại diện lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị, trong thời gian tới ngành Y tế Đồng Nai cần có những giải pháp như xây dựng danh mục phân tuyến kỹ thuật, xây dựng phác đồ điều trị, có giải pháp cải tiến xây dựng thương hiệu bệnh viện, có chiến lược đãi ngộ, thu hút và giữ chân những bác sĩ có chuyên môn cao về làm việc tại bệnh viện... nhằm hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến để điều trị.
Chuyển viện gây thiệt hại gần 700 tỷ đồng
Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai trong năm 2018, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phải đồng ý chuyển bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên hơn 450.000 ca bệnh điều trị nội trú và ngoại trú. Trong đó, có những ca bệnh không phức tạp, bệnh viện có thể điều trị được nhưng bệnh nhân vẫn xin chuyển tuyến, gây thiệt hại gần 700 tỷ đồng.
|
Đan Thư