Đồng Nai có dự định 'đẩy' bệnh nhân lên TP.HCM vì 'khủng hoảng' dung dịch HES

18/09/2019 - 12:00

PNO - Toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai dự trù 1.500 chai dịch HES 200, trong khi nhà cung ứng thuốc lại thông báo thuốc này hết hạn đăng ký (visa) để nhập khẩu. Điều này khiến các bệnh viện lo lắng.

“Chúng tôi chuyển bệnh nhân đi đâu bây giờ?”

Dược sĩ Bùi Quốc Tuấn, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, cho hay: đợt đấu thầu thuốc năm 2018, BV trúng thầu 1.500 chai dung dịch HES 200. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã nhận 799 chai. Mới đây, công ty cung ứng gửi thông báo hết hàng do visa nhập khẩu thuốc này hết hạn, đang chờ ý kiến của Bộ Y tế. 

Dong Nai co du dinh 'day' benh nhan len TP.HCM vi 'khung hoang' dung dich HES
Nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nặng được các tỉnh chuyển lên TP.HCM

“Chúng tôi chỉ có thể tương trợ với số lượng nhỏ vì bệnh viện cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu. Trong kho thuốc của BV, số lượng dung dịch HES 200/0,5 cũng chỉ đủ sử dụng được khoảng một tháng”, dược sĩ Tuấn chia sẻ. 

Trước tình trạng không có dung dịch HES 200 dự trữ, công ty cung ứng lại hết hàng, các BV phải “chạy vạy” khắp nơi để mượn hoặc mua ngoài thầu. Các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Trung tâm Y tế Trảng Bom… đều đang mượn dung dịch HES 200 của Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, khoảng 2 tháng nay, tuần nào, cũng tiếp nhận vài ca sốc sốt xuất huyết. Mỗi bệnh nhân sử dụng khoảng 2-3 bịch (1-1,5 lít) dung dịch cao phân tử. 

Dong Nai co du dinh 'day' benh nhan len TP.HCM vi 'khung hoang' dung dich HES
Dịch truyền cao phân tử HES 200 (tên thương mại Refortan hết hàng)

Nhiều năm qua, các bệnh viện điều trị sốt xuất huyết cho người lớn thường chỉ sử dụng dung dịch Volulyte 6% (tương ứng với dung dịch cao phân tử HES 130) do Công ty Kabi sản xuất (Đức nhượng quyền cho Việt Nam sản xuất). Trước quy định mới của Bộ Y tế, bệnh viện đang phải kiếm nguồn dịch truyền theo đúng phác đồ điều trị.  

Dự kiến, khoảng một tháng nữa, Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai hết dung dịch HES 200. Như vậy, bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng, có sốc phải chuyển tuyến.

“Nhưng chuyển bệnh nhân đi đâu vì các nơi đều thiếu dung dịch này? Tôi liên hệ với Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 TP.HCM, họ cũng đang khan hiếm dung dịch này, số lượng còn rất ít, chỉ đủ dùng khoảng 2 tuần”, dược sĩ Tuấn lo lắng.  

Cầu cứu Bộ Y tế 

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã mượn được 10 chai HES 200/0,5 của Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai và Công ty cổ phần dược phẩm Việt Hà. Còn BV đa khoa khu vực Long Khánh cũng làm văn bản đề nghị BV Nhi Đồng Đồng Nai cho mượn 30 chai dung dịch HES 200/0,5; Trung tâm y tế huyện Trảng Bom mượn của Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai 5 chai…

Dong Nai co du dinh 'day' benh nhan len TP.HCM vi 'khung hoang' dung dich HES
Các bệnh viện cho rằng người bệnh sốt xuất huyết rất cần dịch truyền cao phân tử HES trong điều trị

“Những bệnh nhân nặng, mạch và huyết áp không đo được buộc chúng tôi phải sử dụng dung dịch cao phân tử HES 200/0,5 để chống sốc. Còn bệnh nhân nhẹ hơn, chúng tôi vẫn phải sử dụng các loại dung dịch hiện có (HES 130/0,5)”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Dược sĩ Trần Văn Phú, Phó phòng Nghiệp vụ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết tình trạng khan hiếm dung dịch HES 200/0,5 do số đăng ký loại thuốc này hết hạn. Công ty trúng thầu (Công ty cổ phần dược phẩm Việt Hà) cũng đã gửi công văn cho Cục Quản lý Dược xin cấp visa nhập loại thuốc này.

“Thiếu thuốc cũng do dịch đang bùng phát và nhà thầu không có thuốc để cung ứng. Trước tình trạng này, các đơn vị trong tỉnh cần điều chuyển cho nhau để đảm bảo cấp cứu cho bệnh nhân. Sở vừa gửi công văn cho Bộ Y tế vừa làm việc với nhà thầu để tìm phương án cung cấp cho các đơn vị”, ông Phú nói.

Dược sĩ Tuấn nêu ý kiến, mặt hàng này được coi là thuốc cấp cứu, Bộ Y tế nên để vào danh sách các loại thuốc quý hiếm để khi có dịch có thể nhập khẩu theo nhu cầu. Nếu cứ để loại dung dịch này nhập khẩu theo dạng visa rất nhiêu khê, mất thời gian và không đáp ứng kịp. Theo quy định, những loại thuốc dùng trong trường hợp cấp cứu, chỉ có 1 số đăng ký, Cục Quản lý Dược chỉ cần bảy ngày để xét duyệt. 

Lan Phi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI