edf40wrjww2tblPage:Content
PHỤ HUYNH “ĐUỐI”
Chiều 23/12, tại khu phòng trọ trên đường Bình Chiểu (khu phố 1, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM), chị Vũ Thị Hai (quê Quảng Bình) vừa nấu cháo cho đứa con tám tháng tuổi, vừa than: “Vợ chồng tôi đều là công nhân ở khu chế xuất Linh Trung, tổng lương chỉ khoảng bảy triệu đồng/tháng. Con mới sáu tháng, tôi đã gửi ở nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) gần phòng trọ, tiền gửi chỉ 800.000đ/tháng. Tháng này tôi đành nghỉ ở nhà chăm con vì các NTGĐ không phép quanh đây đều bị giải tán. Trường công không nhận trẻ dưới 18 tháng; trường tư thục học phí quá cao, trung bình từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng”.
Chị Lan Phương (đường số 2, KP.4, P.Hiệp Bình Phước) gửi đứa con 15 tháng ở cô giữ trẻ gần nhà, mấy ngày nay cũng phải nghỉ làm để giữ con. Chị nói: “Gần Tết công việc rất nhiều nhưng cũng phải nghỉ giữ con. Thời điểm này là giữa năm học, gõ cửa trường công để gửi con là chuyện không tưởng”.
Trở lại nhóm trẻ T.Đ. (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức), cơ sở đìu hiu vì đã bị đóng cửa. Nhóm trẻ này từng giữ khoảng mười bé từ 12 - 36 tháng. Cô B., chủ nhóm trẻ cho biết: “Không có bé nào của nhóm này vào được trường công vì rất khó xin, dù đúng tuyến. Còn trường tư thì phụ huynh không đủ tiền. Hiện hai bé có bố hoặc mẹ nghỉ việc ở nhà trông; một bé nhờ được bà con ở quê lên; còn lại đều bị tách cha mẹ, “đẩy” về quê nhờ ông bà trông hộ”.
Một nhóm trẻ gia đình tại P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM
Không có thống kê chính thức nhưng hầu hết trẻ được gửi ở những nhóm trẻ không phép đều là con em công nhân, người lao động thu nhập thấp. Trường công quá tải nên nhiều người dân dù có hộ khẩu ngay tại địa phương vẫn không thể xin cho con vào được, huống hồ dân nhập cư. Trường công hẹp cửa, trường tư đàng hoàng lại là giấc mơ quá xa xỉ. Rốt cuộc, người dân có thu nhập thấp chỉ có con đường duy nhất là gửi con vào NTGĐ, trường tư không phép.
Thực hiện chỉ thị của TP tổng rà soát và đóng cửa những NTGĐ không phép là việc làm đúng, nhưng thực tế lại đang gây xáo trộn lớn cho gia đình người lao động nghèo.
Trong cuộc họp của HĐND TP và các sở ngành mới đây (23/12), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP đánh giá: Cách làm của mình hiện tại là “hớt bèo nổi”, cái nào dễ thì làm, không quản lý được thì đóng cửa, như vậy là dở. Cũng nên xem xét lại mình bố trí cho phụ huynh gửi con nơi khác nhưng có hợp túi tiền với họ không, đường đi có thuận lợi không?
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, thời gian qua, tuy ngành giáo dục đã nỗ lực hết sức, nhưng khi có chuyện xảy ra, vẫn nhìn thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý. TP.HCM có 870 trường mầm non (MN), trong đó 419 trường công lập, 451 trường ngoài công lập với tổng số 309.279 trẻ (trẻ ngoài công lập là 148.207 cháu chiếm 47,9%). Theo thống kê, có 65.000 trẻ không có hộ khẩu, KT3 tại TP.HCM nhưng vẫn được học tại các trường trên địa bàn TP. Cơ sở vật chất trường lớp là bài toán khó mà ngành giáo dục không tự thân giải quyết được.
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức cho biết, sau sự việc nhóm trẻ Phương Anh, quận đã rà soát được 131 NTGĐ không phép với tổng số 1.288 trẻ và có phương án bố trí số trẻ này vào các trường MN công lập, tư thục, nhóm trẻ có phép. Tuy nhiên, hơn 100 trẻ ở P.Linh Xuân không thể bố trí vì các nhóm trẻ đang trong quá trình thẩm định lên trường, chưa biết có đủ điều kiện không; 415 trẻ ở P.Bình Chiểu cũng không bố trí được vì sĩ số các trường, nhóm trẻ có phép đã trên 45 trẻ/lớp, không thể bố trí thêm. Quận đang chờ trường MN Bình Chiểu hoàn thành vào tháng 2/2014 mới bố trí được. Đương nhiên, sẽ có trường hợp phụ huynh phải đưa con đi học xa hơn trước.
Nhóm trẻ bị đóng cửa vì chưa được cấp phép, những đứa trẻ này rồi sẽ đi đâu?
TÌM LỐI THOÁT
Bà Chung Bích Phượng, Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú nêu khó khăn: Trường công lập cũng đang gánh áp lực nên phương án dồn trẻ về trường công lập khó khả thi. Mình phải nắm bắt số lượng trẻ rồi mới sắp xếp, trong đó, phụ huynh khó khăn thì phân về trường công hoặc ưu tiên cho trẻ 5 tuổi. Số còn lại sẽ vận động phụ huynh gửi con ở trường tư thục và NTGĐ có phép.
Quận Bình Tân vẫn còn hai phường Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B chưa có trường MN nên nếu dồn trẻ vào trường công trong thời điểm giữa năm học thế này rất khó. Bà Cao Thanh Tuyền, Phó phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cho biết: Qua tổng kiểm tra, quận có khoảng 20 nhóm giữ trẻ theo kiểu hộ gia đình nhận giữ vài cháu và gần 100 nhóm lớp có quy mô lớn hơn chưa được cấp phép.
"Chúng tôi không làm theo kiểu cứng nhắc là đóng cửa tất cả những cơ sở không phép. Với số lượng dân nhập cư, công nhân lao động tăng liên tục, đóng cửa tất cả thì lấy đâu chỗ để họ gửi con đi làm? Vì vậy, phải căn cứ vào tình hình thực tế mà linh động. Chúng tôi chỉ kiên quyết đóng cửa những nhóm bát nháo không đảm bảo an toàn cho trẻ, còn những nhóm trẻ nào chỉ còn thiếu một-hai tiêu chí cấp phép nhưng cam kết sẽ hoàn tất thì mình cấp phép để quản lý và hậu kiểm. Sau khi rà soát cấp phép cho những nhóm làm đàng hoàng, số trẻ còn lại sẽ được tính toán để đưa về trường công còn có khả năng nhận trẻ, các nhóm trẻ và trường tư có phép. Tất nhiên, sự điều chỉnh này sẽ phát sinh vấn đề phụ huynh không kham nổi học phí ở một số trường, quận sẽ tìm cách vận động sau"- bà Tuyền nói.
Cách làm của Q.Tân Phú - địa bàn có số NTGĐ đông nhất nhì TP được bà Chung Bích Phượng chia sẻ: “Quận vận động một số nhóm có số lượng trẻ ổn định khoảng 40-60 trẻ nhận thêm một số trẻ và giảm bớt học phí cho phụ huynh không đủ điều kiện. Vì họ đã có số trẻ ổn định nên hỗ trợ được các khoản khác cho phụ huynh, riêng tiền ăn thì phải đóng đủ. Ngoài ra, quỹ khuyến học vẫn có để cho trẻ khó khăn ra lớp, sao mình không vận động những nguồn này? Mình phải phân tích, chọn lọc kỹ, thuyết phục hợp lý thì cả xã hội sẽ đồng tình”.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Theo bà Phượng, về lâu dài, ngoài chuyên đề chuyên môn, quận mỗi năm tổ chức ba-bốn buổi nói chuyện với các chủ nhóm trẻ, giáo viên về đạo đức, về quản lý để họ có trách nhiệm, hiểu việc họ làm ảnh hưởng đến trẻ thế nào. Việc mở nhóm trẻ cũng là ngành nghề kinh doanh nhưng lại là công việc đặc thù, đòi hỏi người làm phải có đạo đức.
Việc đảm bảo an toàn cho trẻ là cần thiết, tuy nhiên, nếu đóng cửa đồng loạt sẽ gây xáo trộn lớn. Theo đề xuất của các quận, cần gấp rút kiểm tra những nhóm trẻ không phép để phân loại nhóm nào đáp ứng được điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý và điều kiện an toàn cho trẻ thì cấp phép có thời hạn trong vòng nửa năm hoặc một năm để quản lý. Nếu nhóm nào không đáp ứng được mới kiên quyết đóng cửa.
TIÊU HÀ - UYÊN PHƯƠNG
Nhanh chóng cấp phép cho cơ sở mầm non đủ điều kiện “UBND TP yêu cầu chủ tịch UBND các quận - huyện: Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước trên địa bàn; rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình tại địa phương. Thường xuyên kiểm tra giấy phép và hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn để chấn chỉnh kịp thời, chấm dứt ngay hành vi ngược đãi, hành hạ, xâm hại trẻ em... Phòng GD-ĐT, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn rà soát tình hình hoạt động của các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn; kiểm tra giấy phép và hoạt động theo giấy phép đã được cấp. Nhanh chóng cấp phép cho các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện nuôi dạy trẻ và kiên quyết xử lý, đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các trường hợp trông giữ trẻ không phép trên địa bàn quận, huyện. Phối hợp Sở GD-ĐT, Hội LHPN TP tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là các bà mẹ về việc nuôi, dạy, đảm bảo an toàn cho trẻ; vận động các bà mẹ không gửi trẻ ở những điểm trông giữ tự phát, không phép…". Trích chỉ thị số 20/2013 về chấn chỉnh, nâng cao chất lượngnuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non tại TP.HCM.Chỉ thị này có hiệu lực thi hành ngày 30/12. MAI PHAN |