Ngay lập tức, tôi xin qua Báo Phụ Nữ TPHCM. Người nhận tôi là chị Tổng Biên tập Thế Thanh. Bấy giờ, chị Hồng Tuyến phụ trách mảng Công tác Hội các quận, huyện ngoại thành chuyển công tác khác, và tôi được “trám” ngay vào vị trí này.
Thời gian sau, cảm thấy không phù hợp, tôi xin chuyển qua ban khác, trở thành “lính” của Ban Kinh tế Xã hội do chị Mai Hiền phụ trách. Lại cảm thấy xa lạ với các con số khô khan, tôi lại xin chuyển tiếp. Lần này, tôi về dưới “trướng” chị Bạch Mai. Từ đó cho đến lúc nghỉ hưu, tôi đã kiên cường “bám trụ” tại Ban Văn hóa Văn nghệ (VHVN), từ phóng viên chân ướt chân ráo lên đến phụ trách ban.
Vì lẽ đó, mỗi khi nghĩ về Báo Phụ Nữ TPHCM, trong ký ức tôi cũng hiện lên từng gương mặt, giọng nói, thậm chí nét chữ của các đồng nghiệp Bạch Mai, Thanh Bình, Việt Nga, Ái Mỹ, Cẩm Lệ, Thảo Vân, Đức Phong, Diễm Chi, Ngô Bá Nha, Tiểu Quyên, Hương Nhu… Thì ra, trong nghiệp báo của mình, còn có cả kỷ niệm gắn bó với họ, không chỉ một thời mà còn dài lâu nữa.
Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy mình may mắn khi được giao mảng Văn nghệ quần chúng. Nhờ suốt ngày phải đi cơ sở là nhà văn hóa các cấp, hội diễn văn nghệ nghiệp dư, phong trào văn nghệ ở trường học… để đưa tin, viết bài, tôi mới có điều kiện thâm nhập và tìm hiểu các loại hình nghệ thuật khác nhau, được cung cấp những kiến thức nhất định, có được cái nhìn bao quát chung.
Bấy giờ, các phóng viên đều có sổ báo cáo tuần, ghi lại những gì đã thu thập, đã “đi thực tế”, từ đó đề xuất bài vở. Dựa vào báo cáo này, trưởng ban sẽ duyệt đồng ý hoặc không về đề tài sẽ thực hiện, cần thiết sẽ hướng dẫn thêm. Do “rèn” chu đáo như thế, các phóng viên ngày một theo nghề có bài bản.
Và, làm thế nào để biết phóng viên có tạo được mối quan hệ gắn bó với các ban ngành, hội, đoàn thể thuộc lĩnh vực phụ trách? Lại có cuộc kiểm tra đột xuất của trưởng ban, bằng cách phóng viên đó phải cho biết số điện thoại, số fax, địa chỉ của cơ quan, người phụ trách đứng đầu, khi cần là liên hệ được ngay. Do đó, đã nhà báo, ai cũng có cuốn sổ tay ghi các thông tin cần thiết. Tôi cho rằng giữa nhà báo và các cơ quan chức năng thời đó gắn bó hơn bây giờ nhiều, đến độ có thông tin gì mới là họ chủ động cung cấp ngay cho mình.
Lúc tôi vào nghề, còn đi xe đạp, ở nhà trọ. Các anh chị khác chỉ “nhỉnh hơn” là có xe máy riêng. Ai nấy đều chưa dư dả, nhưng lòng yêu nghề thì không gì sánh bằng. Tôi còn nhớ mỗi lần đi thực tế ở quận, huyện ngoại thành, thì trước đó phải làm đơn xin mượn xe của cơ quan; lại còn có phiếu cấp xăng cho những ai có xe riêng. Những lúc đi công tác tỉnh, sau khi ổn định chỗ nghỉ thì việc đầu tiên là phải tìm hiểu xem nơi ấy chỗ nào có máy fax, kẹt quá thì ra bưu điện chuyển fax về tòa soạn. Bây giờ kể lại, hẳn không ít nhà báo trẻ đang tủm tỉm
cười chăng?
Các tòa soạn khác thế nào tôi không rõ, chứ thời đó, Báo Phụ Nữ TPHCM đã tạo ra “phong cách” gia đình rất khó quên. Mọi người xem nhau như anh em một nhà. Phải thừa nhận những tổng biên tập như Thế Thanh, Mai Hiền cực kỳ tâm lý khi cho phép cơ quan giống như… nhà giữ trẻ. Có những lúc vì yêu cầu tác nghiệp phải đi sớm về muộn, các chị có con nhỏ gửi con ở cơ quan, rồi mới đi tác nghiệp.
Vì lẽ đó, bây giờ nhìn lại con cái của các đồng nghiệp như Quỳnh Đông, Việt Nga, Lý Tiến Dũng, Kim Diệp, Hồng Điệp, Ngô Vũ… đã lớn, lập gia đình, nhưng bao giờ trong tôi cũng hiện lên hình ảnh bé bỏng của chúng thời thơ ấu. Hình ảnh đó luôn khiến tôi rưng rưng, nao lòng.
Riêng Ban VHVN thời đó, còn có thêm việc góp ý cho nhau bằng cách duy trì họp hằng tuần. Nghĩ lại còn thấy khiếp. Bài được đăng thì sếp Bạch Mai khen, nhưng vẫn phân tích cụ thể vì sao bài đó bị cắt đoạn này, biên tập đoạn kia? Bài không được đăng thì bị sếp “nạo” tới số. Các bản thảo đã in, chưa in đều đặt trên bàn họp, màu mực xanh đỏ chi chít như bức tranh lập thể, tha hồ góp ý, tranh luận.
Nhờ “phê và tự phê” nên mọi người tiến bộ nhanh chóng, thậm chí Ban VHVN còn thường xuyên thực hiện các chuyên đề thời sự đang được bạn đọc quan tâm. Những chuyên đề như: bất cập “mưa giải thưởng” trong hội diễn văn nghệ; xào nấu tiểu thuyết in trước năm 1975 thành “tác phẩm mới”, “đạo tranh, tranh giả”, phim “mì ăn liền” đi về đâu… đã gây tiếng vang một thời.
Thành thật mà nói, đây chính là sáng kiến của Báo Tuổi Trẻ đã thực hiện từ những năm 1987, Báo Phụ Nữ TPHCM theo sau. Nhưng Ban VHVN Báo Phụ Nữ TPHCM là đơn vị báo chí đầu tiên dành số báo cuối cùng trong năm để thực hiện hai trang Tổng kết tình hình VHVN trong năm qua. Cái gì nổi cộm nhất, cái gì “í ẹ” nhất, và dự báo năm tới.
Do đó, không phải ngẫu nhiên khi chuyển công tác, Tổng Biên tập Thế Thanh có thể tự tin nhắn nhủ: “Báo Phụ Nữ TPHCM đã có một “thế hệ vàng” trong nghiệp báo chí”. Và tất nhiên “thế hệ vàng” đó thời nào cũng có, và trở thành bản lĩnh lẫn truyền thống của Báo Phụ Nữ TPHCM, từ số báo đầu tiên cho đến mãi về sau này. Với, riêng tôi, truyền thống đó còn đọng lại trong một chữ tình.
Lê Minh Quốc