Đóng lại dĩ vãng tối tăm

17/09/2020 - 06:00

PNO - Vừa bước vào phòng tâm lý, người khách đã khóc, vừa lạy chuyên viên tâm lý, vừa tuôn một tràng uất ức: “Ảnh đã cướp đời con gái của em. Sao ảnh hứa quay lại cưới em mà không cưới? Sao ảnh ra đi không nói một lời? Chị giúp em đi! Em van chị, hãy tìm cách giúp em!”.
Chuyên viên hỏi kỹ mới té ngửa: chuyện xảy ra đã… bốn năm rồi.

“Hụt vốn” vì trả nợ quá khứ

Vì sao từng ấy năm mà vết thương lòng vẫn chưa lành? Người trao đã trao, người đi đã đi, cớ gì hồi ức đã xưa nhưng chưa chịu cũ? Phải chăng tâm trí là một kẻ lì lợm, bất trị? Hễ người chủ lơ là, tức thì tâm trí liền chạy tọt về quá khứ với những đớn đau, tiếc nuối rồi không trở về thực tại được nữa. 

Như cô gái bán bánh ướt bị người tình “quất ngựa truy phong” kể trên. Tưởng mọi thứ đã nguôi ngoai, nhưng mới tối qua, có một cặp đôi khách vãng lai định ghé ăn bánh ướt, vừa trông thấy cô, người đàn ông đã kéo tay người phụ nữ quay ra, rồ xe chạy thục mạng. Nhìn dáng người quen quen cùng với hành vi bất thường, cô tự hỏi liệu ông khách có phải là người tình một đêm của mình bốn năm về trước? Cô thức trắng đêm vì những câu hỏi để tra tấn tinh thần hơn là để tìm câu trả lời.

Ai cũng hiểu cuộc sống có may mắn, thuận lợi nhưng cũng nhiều cam go, thử thách, nguy cơ. Trong nghề nghiệp thì công việc quá tải, cấp trên chèn ép, đồng nghiệp không hợp tác, cấp dưới không kỷ luật, cạnh tranh khốc liệt với đối thủ… Trong tình yêu hôn nhân thì lừa tình lừa tiền, ngoại tình, nghiện ngập, đỏ đen, ly hôn, con cái hư hỏng… Cuộc đời đáng sống không phải là cuộc đời không hề có những nghịch cảnh ấy, mà là khi mỗi người đủ mạnh mẽ, bản lĩnh để đương đầu và vượt qua.

Ngập chìm trong stress hay ám ảnh quá khứ tiêu cực với “giá mà”, “phải chi”… là nguyên nhân chính gây tổn thất năng lượng và cảm hứng sống. Vì sao ta lại phải trả nợ cho quá khứ một nguồn năng lượng quá lớn và thậm chí hào phóng “tạm ứng” cho cả tương lai? Để con người ở hiện tại thì chán chường, yếu đuối, luẩn quẩn, mất phương hướng. Do mình chọn chứ có ai đòi đâu!

Hoặc bỏ qua, hoặc tích cực tìm giải pháp 

Chia tay chồng bảy năm và hiện chồng cũ cũng đã qua đời, chị Phượng Chi (nhân viên văn phòng, ở Q.6, TP.HCM) vẫn không lập gia đình. Nhắc đến người chồng quá cố là lòng chị cuộn trào nỗi tiếc nuối, xót xa. Thật ra hai người chia tay vì mẹ chồng quá khắc nghiệt, chứ vợ chồng chị chưa hẳn đã hết tình cảm. Nhưng cả anh và chị đành buông xuôi chấp nhận số phận, không có lời nói, hành động nào để gắn kết trở lại. 

Đứa con duy nhất của anh chị là cháu đích tôn, nên mẹ chồng gây áp lực không cho chị nuôi con. Tình mẫu tử ít nhiều bị chia cắt từ đó. Ba năm sau ngày chia tay, chồng cũ của chị bị tai nạn giao thông, do không được chăm sóc tốt nên anh bị suy kiệt, nhiễm trùng và qua đời. Chị càng ân hận vì đã không vượt qua rào cản, không quay về săn sóc anh dù lòng rất muốn. Nhìn con chưa trưởng thành đã phải xa mẹ, mất cha, lòng chị không khỏi ray rứt, giày vò. 

Nhưng nhờ học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm sống, nay chị đã có tâm thế khác, lạc quan, chủ động hơn với cuộc đời của mình. “Chuyện vợ chồng, tôi chỉ nên nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào, vui vẻ; không than phiền, đau khổ, tiếc rẻ. Tôi tập trung đồng hành với con, bù vào phần của ba nó. Mẹ con thường xuyên gặp nhau hơn, trò chuyện thân tình như một người bạn. Thỉnh thoảng, con trai xin phép bà nội sang nhà tôi ngủ vài ngày, cảm giác rất nhẹ nhàng, thoải mái nên tôi không cần đòi đưa con về ở hẳn với mình.Tôi tập đóng cửa dĩ vãng, xếp lại những trang tối tăm vì có thay đổi, hóa giải được nữa đâu. Cái nào bỏ qua được thì bỏ qua, cái nào bỏ qua không được, hoặc còn có thể cải thiện thì tập trung tìm giải pháp cụ thể làm cho tốt lên” - chị Phượng Chi tươi cười chia sẻ.

Chị Phượng Chi, cô gái bán bánh ướt hay bất cứ ai cũng từng có những đoạn đời sẫm tối. Nhiều người nói: “Dẫu biết rằng không nên nhớ lại chuyện cũ, nhưng tôi không làm được, chuyện càng buồn nhớ càng dai, nhớ riết thành bi quan, bế tắc ở hiện tại”.

Nếu tâm trí có gặm nhấm nỗi đau xưa thì hãy lướt qua thật nhanh, kiểm soát thật tốt suy nghĩ của mình. Quá khứ như một tấm ảnh cũ nhòe bởi lớp bụi thời gian, như một giấc mơ và không còn là thật nữa. Thì tại sao mình để điều không thật ấy nhấn chìm hiện tại? 

Chiến thắng quá khứ không dễ, nhưng chúng ta vẫn phải chiến đấu, đừng thoả hiệp. Ảnh minh họa
Chiến thắng quá khứ không dễ... Ảnh minh họa

Một số chuyện cổ có mô-típ người dũng cảm, liều lĩnh một thân một mình vào hang để thỉnh lọ nước thần về cứu người thân. Thử thách phải đối mặt không phải cọp đuổi beo vồ, mà là người này chỉ được phép thẳng tiến về phía trước. Nếu vì nghe một tiếng gọi phía sau mà quay đầu lại thì lập tức sẽ bị… hóa đá. Những tảng đá mang hình người lổn ngổn trong hang tối đã trả lời thay cho câu hỏi “chiến thắng có dễ không?”. 

Thật ra chẳng khó, chỉ cần đừng quên nguyên tắc ấy ngay thời điểm đáng lẽ phải nhớ nhất. Vậy nên, mỗi người thử tập làm cho hoài niệm đau buồn “hóa đá” đi, để nó không còn réo gọi, để ta khỏi ngoái đầu, và rồi bỏ dở hành trình hạnh phúc đang gõ nhịp theo bước chân mình. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI