Đông Hồ - trau dồi tiếng Việt từ Nam phong tạp chí

25/11/2018 - 16:25

PNO - Dù sinh ra nơi 'cô lậu cùng tịch', học rất ít chữ Hán, tiếng Pháp, chỉ tự học tiếng Việt, thế mà về sau, ông đã mở Trí Đức học xá dạy học trò trau dồi quốc văn.

Có những đấng tài hoa, ngay từ khi sinh ra, “ông trời” đã giao phó cho một sứ mệnh đặc biệt. Với thi sĩ Đông Hồ (1906-1969), dù “thất học từ năm mười lăm, mười sáu”, về sau lại trở thành người có công đầu khảo cứu văn học Hà Tiên trong dòng chảy của văn hóa miền Nam.

Đây cũng là chuyên đề mà Đông Hồ đã dạy cho sinh viên Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, khi ông được thỉnh giảng từ giữa thập niên 1960. Sự công tâm, nhẫn nại, bền bỉ này của Đông Hồ nhằm chứng minh văn hóa Việt Nam là một khối thống nhất.

Dong Ho - trau doi tieng Viet tu Nam phong tap chi

Thủ bút của Đông Hồ

Mới lên 3 tuổi, song thân qua đời, Đông Hồ được bác ruột đem về nuôi nấng. Nền tảng giáo dục từ gia đình ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, tài năng của Đông Hồ, do gia đình ông bác làm hương chủ trong làng, được thiên hạ kính nể, lại quảng giao, yêu thích thơ văn. Những lúc các bậc trưởng bối đàm đạo thi phú, ngâm vịnh, đối thơ… Đông Hồ được cận kề hầu trà, đun nước; nhờ thế mà thuộc lòng âm thanh, miệng quen nhịp điệu, thấm nhuần thi luật.

Dong Ho - trau doi tieng Viet tu Nam phong tap chi

Ngoài ra, do ông bác là độc giả trung thành của Nam phong tạp chí, nên Đông Hồ có điều kiện tiếp cận với các áng văn cổ điển Đông - Tây chọn lọc, in trên tạp chí này. Thế mới biết vì sao sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh, “hải giác thiên nhai”, học hành không nhiều, nhưng Đông Hồ lại trở thành một trong những nhà văn lớn. Các nhà nghiên cứu văn học đã xếp Đông Hồ vào nhóm Nam phong, chung chiếu với các học giả, nhà văn Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Tương Phố…

Nhờ thường đọc báo, nghe thơ, từ năm 14 - 15 tuổi, Đông Hồ đã biết làm tứ tuyệt - thể thơ cực khó vì số chữ không nhiều, buộc cô đọng nhưng phải nêu bật được tình, ý trong cảm xúc. chuyện kể rằng, ngày nọ, buổi trưa trời mưa to lắm, chờ mưa tạnh, cậu học trò Đông Hồ mới cắp sách đến trường. Trên con đường làng hẹp, ven bờ cỏ ẩm ướt, lúc đi đến chỗ có bụi trúc, do đọng nước mưa mà các nhánh ngã vắt qua như muốn ngăn lối đi, Đông Hồ ngập ngừng muốn dở cành trúc lên, nhưng e những giọt mưa đọng lên lá đổ xuống làm ướt sách vở, thế là ông ôm sách vào lòng, cúi rạp mình chui qua. Khoảnh khắc ấy, do đã từng nghe các bậc cao niên bàn về ý nghĩa của cây trúc và hiểu nó là biểu tượng cho người quân tử, ông “tức cảnh sinh tình” bằng thể thơ tứ tuyệt: “Cơn mưa vừa mới tạnh/ Cành trúc ngã bên rào/ Quân tử nghiêng mình xuống/ Đi qua ta cúi chào”.

Đến năm 16 tuổi, Đông Hồ nghỉ học ở trường, ở nhà tự học. Dù sinh ra nơi “cô lậu cùng tịch”, học rất ít chữ Hán, tiếng Pháp, chỉ tự học tiếng Việt, thế mà về sau, ông đã mở Trí Đức học xá dạy học trò trau dồi quốc văn. Học xá khai giảng vào ngày 30/10/1926 - khi Đông Hồ mới 20 xuân và đang là giáo viên dạy lớp sơ đẳng ở Hà Tiên. Sở dĩ Đồng Hồ lập nên Trí Đức học xá là do ông ảnh hưởng tịnh xá Santiniketan của thi hào Tagore, mở vào năm 1870.

Lời răn dạy: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới mở trí khôn ra được” của Tagore đã hằn trong tâm trí Đông Hồ. Ở trường, bên vách trái có ghi câu cách ngôn của Chu Hi: “Ở đời có ba điều đáng tiếc, một là hôm nay bỏ qua; hai là trên đời này chẳng học; ba là thân này lỡ hư”. Bên vách phải ghi câu của Phạm Quỳnh: “Tiếng là nước, tiếng còn thì nước còn; tiếng mất thì nước mất”.

Tất nhiên, ông cũng chọn theo lối dạy xem quan hệ giữa thầy và trò như những người bạn, ngoài học ở lớp còn có những cuộc du ngoạn sơn thủy như những bài học ngoại khóa. Ông còn mở cả lớp hàm thụ để học trò xa Hà Tiên cũng có thể luyện tập tiếng Việt. Không những thế, Đông Hồ còn làm một việc mà các nhà giáo hôm nay có lẽ nên suy nghĩ: những bài tập làm văn xuất sắc của học trò, sau khi đã chấm điểm, ông bảo học trò chép lại trong quyển Tập học làm văn, do tự tay ông đóng thành tập.

Những bài tập làm văn ấy, về sau, ông nhuận sắc, lấy nhan đề Lời hoa (3 tập) và cho in. Một trong những học trò của Trí Đức học xá, sau này nổi tiếng trên văn đàn là nữ sĩ Mộng Tuyết, đã được thầy hướng dẫn từ những bước đầu tiên trong bài tập làm văn để rồi có tập Bông hoa đua nở. Trong khoảng thời gian này, Đông Hồ bắt đầu nổi tiếng nhờ Nam phong tạp chí đã in bài ký Linh Phượng và phú Đông Hồ vào năm 1928. Với bài phú trên, mọi người đã không còn nhắc đến tên thật Lâm Tấn Phác của ông, chỉ còn nhắc đến bút danh Đông Hồ.

Dong Ho - trau doi tieng Viet tu Nam phong tap chi

Ông cho biết, sở dĩ viết được tuyệt bút trên cũng do hồi còn đi học đã… cãi lại lời răn đe của người lớn. Bấy giờ, nhà của ông bác ở cạnh cái hồ rộng mênh mông, mọi người cấm trẻ em chơi gần mé nước, nói gì xuống bơi lội. Mỗi chiều, đứng nhìn hồ, ông muốn một phen được chèo thuyền, thỏa thích phiêu bồng sông nước, nhưng không dám, vì gia pháp rất nghiêm.

Lần nọ, dịp may đến khi có người đánh cá buộc thuyền và lên bờ đi bán cá. Ông đã lẻn xuống, tập chèo thuyền. Sau nhiều lần, ông đã chèo thành thạo, rồi nhân dịp trăng sáng, ông chèo ra giữa hồ. Giữa cảm xúc mãnh liệt, thi hứng tràn trề, cậu học trò Đông Hồ đã làm bài thơ tứ tuyệt: “Một hòn non nước nổi/ Đáy hồ mảnh nguyệt trời/ Thuyền còn thả lơ lửng/ Tiếng hát động chân trời”. Đó chính là cảm xúc để về sau ông viết phú Đông Hồ theo lối cổ văn, khiến tao nhân mặc khách phải trầm trồ khen ngợi.

Clip về nhà lưu niệm Đông Hồ ở Hà Tiên:

Không phải ngẫu nhiên, nhà phê bình Hoài Thanh ca ngợi Đông Hồ là “người đi tìm cảm hứng từ tiếng Việt”, bởi lẽ sau khi Trí Đức học xá đóng cửa, Đông Hồ lên Sài Gòn, cùng một số thân hữu làm tờ báo Sống, số đầu tiên phát hành ngày 22/1/1935. Đặt tên báo như vậy là theo câu viết trên Nam Phong tạp chí: “Con cá nó sống vì nước, nước ta sống vì tiếng ta đó”. Điều đặc biệt nhất: báo Sống chủ trương phải viết đúng chính tả.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI