Chỉ sau khoảng 4 năm hình thành, Hẻm Radio từ một cuộc chơi tưởng rất viển vông, đã gần như trở thành kênh sách nói được đông đảo bạn trẻ yêu thích. Hàng ngàn clip tác phẩm sách nói đã ra đời, không biết bao nhiêu người trẻ, từ chỗ chưa từng đọc sách, mỗi ngày đều tìm nghe các tác phẩm của văn học Việt Nam: Truyện Kiều, Số đỏ, Tắt đèn, Làng, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Mảnh trăng cuối rừng, Con nhà nghèo...
|
Hẻm Radio giới thiệu nhiều tác phẩm văn học kinh điển của văn học Việt, dưới dạng ấn phẩm âm thanh |
Xuất phát từ mục đích giúp giới trẻ hiểu hơn về các tác phẩm văn học, để từ đó yêu văn học; đặt trong bối cảnh YouTube có quá nhiều kênh nhảm nhí, câu view bất chấp chỉ vì lợi nhuận, Hẻm Radio như một dấu son. Kênh đã đưa những tác phẩm thuộc hàng “kinh điển” của văn học Việt Nam mà ai cũng từng gặp trong những ngày ngồi trên ghế nhà trường, nhưng không phải ai cũng hiểu để yêu, đến với giới trẻ một cách hiệu quả.
“Từ một người không bao giờ đọc sách, giờ ngày nào tôi cũng mở Hẻm để nghe các tác phẩm văn học Việt”, một khán giả bình luận. Hẻm (cách gọi quen thuộc của khán giả, độc giả) đã làm được điều mà sách giáo khoa và những kênh phát hành khác vẫn chưa làm được.
Vì thế, dự án này thật sự là một tâm huyết rất đáng trân trọng, nhất là khi những người thực hiện đôi khi phải “móc” túi để trang trải chi phí cho việc mua sách, thu âm, dựng tác phẩm... lẫn sáng tạo ra cách tiếp cận mới.
Thay vì chỉ là một kiểu “truyện nói” như hàng trăm dự án sách nói khác, các tác phẩm này được thực hiện như một “kịch truyền thanh”, với sự phân vai, diễn từ theo cảm xúc nhân vật. Để thu hút hơn, dự án còn mời những gương mặt quen thuộc, từng gắn với một thế hệ qua các phim TVB xưa lồng tiếng cho nhân vật.
Chưa kể, ngoài tạo nên một tác phẩm âm thanh sống động, Hẻm còn phân tích ngữ nghĩa, bình luận các chi tiết, ý đồ của tác giả, cũng như bối cảnh ra đời của tác phẩm văn học...
|
Thông báo về khóa kênh YouTube Hẻm Radio |
Nhưng đáng tiếc, tất cả những điều đó không đủ để biện minh cho một cách làm sai, mà việc tự khóa Hẻm là một hệ quả tất yếu. Bởi hầu hết các tác phẩm mà Hẻm chuyển thể, đều không được thực hiện nghĩa vụ tác quyền.
Theo nhà xuất bản (NXB) Trẻ, cách đây 2 năm, đại diện Hẻm từng xin phép được thực hiện audio book đối với một số tác phẩm mà đơn vị này đang giữ bản quyền, nhưng dù chưa được NXB Trẻ đồng ý, Hẻm vẫn thực hiện truyền thanh nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh... đang rất ăn khách.
Sau khi có yêu cầu của NXB Trẻ, Hẻm gỡ các clip audio book này khỏi kênh, nhưng lúc đó, các clip trên đã được tải lên rất nhiều kênh khác, không chỉ trên nền tảng YouTube mà nhiều nền tảng khác.
Các tác phẩm trên đã đến được với giới trẻ, nhưng cùng với đó là việc gây ra những tổn thất cho tác giả, cho đơn vị nắm giữ bản quyền; nói một cách ngắn gọn là vi phạm pháp luật.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ một trường hợp duy nhất được chuyển thể các tác phẩm văn học thành sách nói mà không cần thực hiện nghĩa vụ tác quyền, là để phục vụ cho người khiếm thị. Hẻm Radio không mang mục đích đó, và không chỉ NXB Trẻ, nhiều tác giả, đơn vị kinh doanh sách khác cũng bị Hẻm chuyển thể sản phẩm khi họ chưa đồng ý.
|
Sau khi có kênh YouTube, fanpage Hẻm Radio còn có mặt trên Spotify, thậm chí có cả app để người dùng dễ dàng thưởng thức các tác phẩm trên điện thoại. |
Cần phải tỉnh táo để xác quyết rằng, mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Với Hẻm Radio cũng thế, mục đích, kết quả dù đáng trân trọng đến đâu, cũng không thể dùng để biện minh cho việc vi phạm tác quyền.
Khoan bàn đến số lượng người theo dõi Hẻm trên YouTube mỗi ngày mỗi nhiều; khoan bàn đến việc Hẻm có hẳn app trên hệ điều hành Androi, iOS để người dùng smartphone tải về sử dụng... để đánh giá rằng hiện tại dự án đã có nguồn thu tài chính nhiều hay ít. Điều tiên quyết nhất, là mọi đối tượng, dù tốt hay xấu, đều không thể đứng trên luật pháp.
Việc Hẻm Radio đã nhận được cảnh báo tác quyền từ 2 năm trước nhưng vẫn ngang nhiên tiếp tục hành vi, là điều rất đáng chê trách. Nhiều năm qua, ngành xuất bản chưa bao giờ thôi “kêu khóc” với vấn nạn vi phạm tác quyền, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế về khả năng và nhu cầu sáng tạo. Đưa những sáng tạo đến với người trẻ bằng một cách làm thui chột sự sáng tạo, là điều không thể chấp nhận được.
Hiện tại, Hẻm Radio được chính những người sáng lập chủ động khóa lại, sau khi đối diện với nhiều yêu cầu, chỉ trích về vấn đề tác quyền. Nhiều người nuối tiếc trước sự "biến mất" đó, nhưng đó là động thái cho thấy những người thực hiện dự án ít nhiều còn tự trọng (dù tự trọng trong bắt buộc vì nếu tiếp tục, việc khiếu kiện là điều không thể tránh khỏi trong khi phần thua đã được thấy trước).
Có thể Hẻm sẽ tái xuất, sau khi giải quyết xong vấn đề cốt lõi này, nhưng một lần nữa, đây chính là bài học cho tất cả các phía để nhìn nhận đúng hơn câu chuyện về sáng tạo và luật pháp.
Vạn Phụng