Đồng hành với Hội 'trên từng cây số'

10/07/2018 - 17:00

PNO - Bà luôn đồng hành cùng các buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, tập huấn tiền hôn nhân, tư vấn pháp luật, cung cấp kiến thức hội nhập đô thị do Hội LHPN các cấp tổ chức.

Vừa xong buổi sáng hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh ở nội thành, bà Lê Thị Thanh Nhã - báo cáo viên TP.HCM, nguyên Phó trưởng phòng Văn hóa - Gia đình, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM - lại vội vã phóng xe ra ngoại thành để kịp nói chuyện với chị em trong Ngày phụ nữ và pháp luật. 

Dong hanh voi Hoi 'tren tung cay so'
Bà Lê Thị Thanh Nhã tặng quà cho người già neo đơn

Âu lo về “thế hệ vô cảm”

Những ngày qua, bà Nhã liên tục làm báo cáo viên cho các buổi trò chuyện với phụ huynh và học sinh về “nâng niu giá trị hạnh phúc gia đình trong đời sống hiện đại” tại Q.6, nơi bà đang thường trú. Theo bà, yêu thương, chăm sóc con cái không chỉ là lẽ đương nhiên mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ đối với bất cứ bậc phụ huynh nào. Tuy vậy, trên thực tế, ở một số gia đình, con cái được chăm bẵm quá mức, dẫn đến thói quen thụ hưởng, thiếu quan tâm đến người khác, đặc biệt là với những người thân của mình. Ở mỗi gia đình, vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho con trẻ. “Cha mẹ cần phải dành thời gian cho con, lắng nghe con, trò chuyện với con và tôn trọng con” - bà Nhã chia sẻ.

Áp lực học hành luôn đè nặng lên vai trẻ nhỏ. Trẻ thơ thiếu đi thời gian vui chơi, giải trí phù hợp. Mặt khác, khi có thời gian rảnh, phụ huynh lại để cho con cái chìm đắm trên thế giới ảo qua các trò chơi điện tử, mạng xã hội. Ở một trường tiểu học, bà Nhã vô cùng bất ngờ và xót xa với 100% cánh tay giơ lên khi được hỏi có sử dụng mạng xã hội, có tài khoản cá nhân hay không. Dần dà, học sinh thiếu những kỹ năng sống, thiếu vốn sống xã hội cần thiết cho sau này, dễ dẫn đến một “thế hệ vô cảm”, sống với những “trái tim cằn khô”. Kèm theo những chia sẻ về bài học của sự yêu thương, bà Nhã khéo léo lồng ghép hướng dẫn các kỹ năng cho trẻ tự phòng vệ trước cái xấu, cái ác. 

Dong hanh voi Hoi 'tren tung cay so'
Các buổi cung cấp kiến thức hội nhập đô thị luôn tràn đầy tiếng cười.

Hết lòng với phong trào phụ nữ

Cuối mỗi buổi làm báo cáo viên cho hội phụ nữ, bà Nhã thường dành nhiều thời gian để “gỡ rối” cho chị em về những tình huống phức tạp trong gia đình. Không chỉ trò chuyện, lắng nghe và gợi mở, bà còn ghi số điện thoại để trao đổi, tư vấn từng bước cho chị em. Có những vụ mâu thuẫn trong gia đình, các thành viên không thể giải quyết được đã điện thoại nhờ bà tư vấn. Đã có không ít nạn nhân bị bạo hành được bà Nhã hỗ trợ, giúp đỡ.

Bạo lực trong gia đình diễn ra muôn hình vạn trạng, người bị bạo hành lắm khi cũng không biết tìm ai, đi đến đâu để được can thiệp, giúp đỡ. Theo bà Nhã, sự hạn chế tiếp cận xã hội, thiếu hiểu biết pháp luật đã làm cho một số phụ nữ bị lệ thuộc vào nam giới, bị bạo hành mà vẫn cắn răng chịu đựng. Chính thái độ “tự hạn chế”, không tự chủ đã góp phần khoét sâu tình trạng bất bình đẳng giới, gia tăng nạn bạo hành. 

Trong mấy tháng vừa qua, sát cánh cùng Hội LHPN các quận, huyện, bà Nhã liên tục đến chia sẻ về kỹ năng sống, kiến thức pháp luật cho nữ công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, nữ lao động thuê nhà trọ. Với cách nói chuyện gợi mở, bình dân, các buổi tuyên truyền có bà Nhã tham gia luôn thu hút người nghe. 

Giữ bếp ấm gia đình

Có một lần, khi bà Nhã hỏi học sinh, “ai trong các con thường xuyên được ăn cơm chung với ba mẹ”, chỉ lác đác vài cánh tay giơ lên. Vì lý do cuộc sống tất bật, đã có nhiều gia đình vô tình “bỏ quên” những bữa cơm đầm ấm, yêu thương. “Để có bữa cơm gia đình quây quần sum họp, phụ nữ thường giữ vai trò quyết định và phải luôn giữ vai trò thuyền trưởng. Vì cuộc sống, công việc lôi chúng ta ra khỏi nhà, chúng ta lại càng chịu nhiều áp lực hơn, do đó càng phải cố gắng nhiều hơn để dành thời gian chăm chút cho bữa cơm gia đình” - bà Nhã thường tâm sự với các chị em mỗi khi có dịp. 

Như một thói quen, cứ mỗi sáng trước khi đi làm, bà lại chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Chồng bà, một người làm nghiên cứu khoa học, chưa từng bỏ lỡ bữa cơm nhà. Theo bà Nhã, khi nhìn thấy người mình yêu thương dùng bữa cơm ngon chính là niềm vui để phụ nữ quên hết mệt mỏi, “xốc lại” bản thân tràn đầy năng lượng để làm việc, để cống hiến.  

Tốt nghiệp ngành quản lý nghệ thuật quần chúng và ngành luật, bà Lê Thị Thanh Nhã về công tác tại Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em, rồi chuyển sang phụ trách mảng văn hóa gia đình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu, công việc xuyên suốt của bà vẫn gắn với phụ nữ. Các buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, tập huấn tiền hôn nhân, tư vấn pháp luật, cung cấp kiến thức hội nhập đô thị do Hội LHPN các cấp tổ chức vẫn thường có bà trong vai trò báo cáo viên.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI