Đồng hành sinh tử

09/09/2016 - 06:00

PNO - 400 mét đường đồng hành sinh tử. Người lái xe trẻ tuổi nói, phải đến khi xe dừng lại an toàn rồi, anh mới hết sợ. Lúc đó, thấy nguy cấp thì cứu, chứ anh đâu tính xa xôi chuyện gì sẽ xảy ra.

Chiều 6/9, khi đổ đèo Bảo Lộc, một chiếc xe khách mất thắng, tưởng như cầm chắc tai nạn bi thảm sẽ xảy ra. Bất ngờ, chuyện hy hữu đã xuất hiện, sinh mạng của 30 người trên xe được cứu thoát. Tài xế chiếc xe tải đi phía sau xe khách đã có một quyết định dũng cảm: vượt lên và biến xe mình thành một khối hãm phanh, dùng đuôi xe đón những cú va chạm của xe khách, để “dìu” chiếc xe khách xuống hết đèo, dừng lại ở một vị trí an toàn cho hành khách thoát ra ngoài.

Tài xế chiếc xe tải là Phan Văn Bắc, trẻ măng, chân chất, mộc mạc. Anh vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải gửi thư khen, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trao giải thưởng Vô lăng vàng, báo Tuổi Trẻ trao giải thưởng Bạn đồng hành quanh tôi… Trước tất cả những lời ngợi khen và sự khâm phục lòng dũng cảm cứu người, bác tài trẻ chia sẻ thật chân thành, đậm màu sắc nghề nghiệp: “Chỉ mong trên đường làm nghề tài xế, nếu có gì không may luôn có người cứu giúp…”.

 Vậy thôi, chứ anh chẳng mong ai đó phải nhớ đến cái ơn cứu mạng này, hay trả ơn, trả nghĩa. Việc thiện trong đời chỉ mong được đổi bằng việc thiện. Tôi tình cờ được nghe mấy bà cụ đi bộ buổi sáng trong công viên chậm chậm nói với nhau: ”Cậu tài xế này tử tế quá” và muốn góp thêm vào câu nói đó, rằng không chỉ cậu tài xế mà người chủ hàng, người phụ xe, đều cũng là những người tử tế.

Bởi, họ hoàn toàn có thể buộc tài xế của mình dừng xe lại. Chiếc xe khách đang mất thắng lao nhanh xuống đèo là một tai họa mà phản ứng thông thường của mọi người là né tránh để giữ mạng. Nếu những người trên chiếc xe tải chọn thái độ đó cũng không ai trách họ. Nhưng, họ đã chọn hành động dũng cảm là vượt lên trước chiếc xe hoảng loạn kia, tự đưa chính sinh mạng của mình ra làm vật cản lưỡi hái tử thần, để chiếc xe mất thắng ấy có thể tựa vào mình mà giảm bớt tốc độ lao dốc.

Dong hanh sinh tu
Ảnh minh họa

Giả sử, tính toán ấy không thành, tài xế không đủ bình tĩnh và khéo léo, cả hai xe đều có thể kéo nhau lật xuống đèo. Nếu cân nhắc rủi ro, lo cho sinh mạng của mình, chắc họ đã không quyết định như vậy. Chỉ có tình người, mong muốn cứu người trong cơn nguy cấp mới thúc đẩy họ vượt qua được những tính toán cho cá nhân, vì sự sống của đồng loại. Vết bánh xe hằn đen trên mặt đường nhựa khi hai chiếc xe cùng xuống đèo.

400 mét đường đồng hành sinh tử. Người lái xe trẻ tuổi nói, phải đến khi xe dừng lại an toàn rồi, anh mới hết sợ. Lúc đó, thấy nguy cấp thì cứu, chứ anh đâu tính xa xôi chuyện gì sẽ xảy ra. Cái hồn nhiên trong tinh thần dấn thân của tuổi trẻ thật đáng trân trọng! Giữa cộng đồng xôn xao quá nhiều những thị phi từ người trẻ, quá nhiều chuyện thiếu suy nghĩ của cả những người không còn trẻ, câu chuyện của anh tài xế tên Bắc, sự chân thành của anh đã khiến bao người ấm lòng và hiểu ra rằng, vẫn còn nhiều người tốt quanh mình.

Những người tốt ấy đang sống, đang làm việc thầm lặng, không danh vọng, không tiền bạc, chỉ sẵn một tấm lòng chia sẻ với đồng loại cái quý giá nhất của con người - cuộc sống của mình.

Năm vừa qua cũng là năm xảy ra những vụ tai nạn giao thông khiến người ta vừa đau lòng vừa phải suy nghĩ. Có những người lái xe khi phát hiện xe mất thắng trên đường đèo, đã quyết định cho xe lao vào vách núi để dừng lại, tự hy sinh bản thân để giữ sinh mạng cho những hành khách. Họ chết nhưng hành khách được cứu sống.

“Chỉ cần trong xe có một trái tim” - Phạm Tiến Duật từng viết về những người lái xe trên con đường vào chiến trường miền Nam như thế . Trái tim ấy của người Việt, bao năm vẫn được gìn giữ. Tuy nhiên, cũng không thể cứ mãi trông chờ vào những điều hy hữu. Cần nhìn thẳng vào thực tế phía sau câu chuyện: tai nạn giao thông ở nước ta vẫn nhiều quá, vẫn phổ biến quá. Chẳng ai mong muốn lặp lại thêm lần nào nữa cách cứu nạn này, vì quá liều lĩnh, quá rủi ro.

Xét cho cùng, đây cũng là sự đánh đổi bằng sinh mạng con người. Đã nhiều tai nạn quá rồi, đã nhiều tổn thất bi thương quá rồi, đến nỗi người ta có thể liều mình một cách tự phát để hạn chế bớt lưỡi hái tử thần đang ầm ầm lao đến. Phải phòng chống tai nạn từ xa cho kỳ được, bằng đường sá, bằng kiểm tra độ an toàn của xe cộ, bằng các phương tiện hỗ trợ đặc thù.

Mong ước sau này trên con đường làm nghề tài xế: “Nếu có gì không may luôn có người cứu giúp” - đúng là một ước muốn chân thành đến xót lòng. Có lẽ vì trong suy nghĩ về tương lai của người tài xế trẻ, tai nạn trên đường luôn là bóng ma ám ảnh. Mà chắc chắn, nỗi ám ảnh đó không chỉ tồn tại trong suy nghĩ của người tài xế ấy…

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI