Phong cách kiến trúc Đông Dương (Indochina) là “đứa con lai” của các kiến trúc sư Pháp tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX mà người khởi nguồn là Ernest Hébrard - kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học và nhà quy hoạch người Pháp. Có thể nói, phong cách Đông Dương là kết quả từ quá trình thích nghi của kiến trúc Pháp tại Việt Nam sau khi một số công trình kiểu Pháp có dấu hiệu xuống cấp do không phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, gió mạnh… đặc thù của xứ nhiệt đới, đồng thời lộ một số xung đột nhỏ trong tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ, cảnh quan Việt Nam.
Chiếc thang máy kiểu cổ thời Pháp thuộc
|
|
Không khó để nhận diện công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương với những đặc điểm cơ bản rất dễ thấy như mái ngói ardoise (hay còn được gọi là ngói đá xám chẻ), cổng sắt uốn, cửa sổ cao, sành sứ nhiều màu, gạch bông xi măng sặc sỡ. Phần mái thường là mái bằng (đối với các công trình lớn) hoặc mái lợp ngói (đối với các công trình nhỏ hơn), với các sênô thu nước mưa chạy dọc theo mái.
Để tăng độ thông thoáng và cách nhiệt phù hợp với khí hậu nhiệt đới, các kiến trúc sư Pháp đã bố trí thêm các dãy hành lang bên trong cũng như bao quanh nhà ở, đồng thời điểm tô khung cửi pergola - một nét cổ điển rất châu Âu - chạy dọc công trình chính.
Ở phần tường sát trần thường có các lam gió hoa văn bằng gạch nung, nhằm mang đến sự thông thoáng và ánh sáng cho không gian phía trong. Rất dễ để bắt gặp giếng trời hoặc khoảng sân nhỏ ngay bên trong những ngôi nhà Đông Dương, với tác dụng cung cấp ánh sáng tự nhiên cho toàn bộ không gian.
Đặc điểm thú vị và mang tính đặc thù của phong cách Đông Dương chính là số lượng cửa. Ngôi nhà Đông Dương thường có rất nhiều cửa, cả cửa chính lẫn cửa sổ, đơn cử là công trình Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (trước đây là dinh thự của Hứa Bổn Hòa) với 99 cửa danh bất hư truyền. Những khung cửa sổ cao, rộng, không chỉ được bố trí trên công trình chính nhằm đưa lượng lớn ánh sáng tự nhiên vào bên trong, mà còn rải rác phía ngoài hành lang. Cửa lá sách được sử dụng phổ biến trong phong cách Đông Dương, mang đến sự mát mẻ tự nhiên cho ngôi nhà ngay cả khi được đóng kín.
|
|
Nét giao thoa giữa hai nền văn hóa khác biệt trong phong cách Đông Dương được thể hiện rõ rệt qua lối trang trí. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra phong cách Việt ảnh hưởng bởi Trung Hoa trong một số hoa văn trang trí phổ biến như lân, sư, rồng, phụng, cỏ cây, hoa lá uốn lượn… thảng hoặc là chút “gió lạ” đến từ nền văn hóa Chăm - Khmer với họa tiết hoa mạn đà la hay rắn naga. Xen kẽ với những yếu tố này là làn gió Phục hưng với lan can con triện, phù điêu, tranh tượng, cột nhà…
Tuy khá cầu kỳ và đòi hỏi sự tinh tế trong thiết kế, bài trí, nhưng không có nghĩa là bạn không thể áp dụng phong cách này vào nhà ở hiện đại. Sử dụng tông màu ấm như vàng nâu, đỏ son làm chủ đạo cho nội thất, nước sơn; chọn các vật dụng đậm chất xưa như ghế đẩu bằng gỗ, ghế mây, bình hoa sứ; dùng gạch bông kiểu cũ để lát toàn bộ nền hay chỉ tạo chút nhấn nhá bằng cách lát bàn bếp, trang trí bằng phù điêu… việc tái hiện không gian sống của thế hệ trước trở nên giản đơn không tưởng.
Một điển hình thú vị của việc ứng dụng phong cách Đông Dương trong nhà ở hiện đại có thể kể đến là ngôi nhà 6 tầng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM của chị Chu Thị Hồng Anh. Hình thành tình yêu đặc biệt dành cho những kiến trúc đậm chất Đông Dương từ thuở bé, chị Hồng Anh đã quyết định chọn phong cách này cho tổ ấm của mình.
Ngôi nhà của chị Hồng Anh đảm bảo những đường nét cơ bản của kiến trúc Đông Dương như hành lang rộng, trần nhà cao, ban-công sắt có họa tiết hoa văn, hệ thống cửa sổ được xử lý theo trục dọc với hai lớp cửa kính và cửa chớp cao. Ngoài ra, ngôi nhà sử dụng hai tông màu chủ đạo là trắng và vàng nhạt vốn rất phổ biến trong phong cách Đông Dương. Nội thất cũng mang hơi thở Đông Dương với chất liệu gỗ, tông màu ấm, không quá cầu kỳ, phù hợp với kiến trúc tổng thể.
Điểm nhấn độc đáo của ngôi nhà nằm ở chiếc thang máy kiểu cổ thời Pháp thuộc, khá giống chiếc thang máy ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hay chung cư 26 Lý Tự Trọng, Q.1. Khoang thang máy bằng gỗ, nằm trong khung sắt được chạm trổ họa tiết tinh xảo với bảng điều khiển hiện đại.
Vĩnh Trinh