Đông dược trôi nổi: thuốc tiên hay thuốc điên?

21/04/2017 - 19:30

PNO - Đầu tháng 4/2017, bà Lâm Minh A. 62 tuổi, ở chung cư Hùng Vương, Q.5, TP.HCM được con đưa đến Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM khám vì "bỗng dưng buồn bã", chẳng thiết tha cuộc sống dù không có bất cứ biến cố.

Bác sĩ xác định bà bị trầm cảm và nguyên nhân có thể đến từ việc tự ý uống thuốc Đông dược trôi nổi để điều trị viêm khớp. 

Nghiện “thần dược”

Nhiều người quan niệm Đông dược là vô hại nên nghe ai chỉ bài thuốc hay hoặc cây thuốc vừa chữa cho một ai hết bệnh mà mình có triệu chứng giông giống là lập tức “sao y bản chính”, dùng ngay, chẳng cần khám, làm xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh để biết đích xác mình mắc bệnh gì. Hậu quả: nhiều người gánh thêm bệnh. 

Chị Thủy Khánh - con gái của bà A. kể, mẹ chị vốn là người lạc quan, vui vẻ, nhưng bỗng dưng bà ít nói, buồn buồn, ai trêu chọc chỉ cười gượng gạo và lúc nào cũng muốn ngủ. Tưởng mẹ có chuyện buồn, nhưng hỏi kỹ thì chẳng có bất cứ điều gì khiến bà muộn phiền.

Chị Khánh điểm lại, thấy mẹ bắt đầu thay đổi từ khi uống thuốc trị viêm khớp hiệu T.B mà một người bạn đưa. Chị nhớ cách đây 10 năm, mẹ chị cũng bị tình trạng này, đi khám, BS cũng xác định bệnh nhân trầm cảm sau hơn một tháng uống thuốc Nam của một thầy lang. Nguyên nhân: do trong thuốc có chứa thành phần corticoid khiến bà bị lệ thuộc thuốc, khi không dùng thì người uể oải, mệt mỏi.

Dong duoc troi noi: thuoc tien hay thuoc dien?
Tuyệt đối không dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo TS-BS Nguyễn Thị Sơn - Phó trưởng khoa Y học cổ truyền ĐH Y Dược TP.HCM, khoa Y học cổ truyền đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng nặng nề sau khi tự điều trị bằng thuốc Đông y, trong đó có nhiều người bị trầm cảm, thường gặp nhất là điều trị bệnh viêm khớp ở người lớn tuổi (60 tuổi trở lên).

Vì người lớn tuổi xương khớp thường mỏi, đau nhức nên đã tìm đến thuốc Đông y, bởi “nghe bà Tám nhà xóm trên nói uống thuốc này hết nhức”. Với một số người, BS nói không thuyết phục bằng lời truyền miệng hàng xóm, vì có “người thật, việc thật” chứng minh.

Hơn nữa, thuốc Đông y giá khá rẻ, dễ mua và trên hết là quan niệm sai lầm: uống thuốc Tây mới có hại, thuốc Nam lành nên vô tư dùng. Những loại Đông dược không rõ nguồn gốc thường pha lẫn thuốc giảm đau hoặc corticoid nên người bị viêm khớp uống sẽ thấy khỏe, đỡ đau ngay, ăn ngủ ngon lành và càng tin vào “thần dược”, “thuốc núi”, thuốc “Miên”…

Nhưng uống một thời gian, người bệnh sẽ bị lệ thuộc thuốc như nghiện ma túy, thiếu thuốc sẽ thấy uể oải, ủ rũ, chán chường, tâm hồn bất ổn, "điên điên", nên nhiều trường hợp phải vừa trị bệnh, vừa cai thuốc. 

Vừa qua, khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược cũng tiếp nhận một trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa do tự điều trị viêm khớp bằng thuốc Đông y. Đó là bà Nguyễn Thị M. (42 tuổi, ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Bà M. đến BV trong tình trạng mỏi mệt, ói ra máu. Người nhà của bà M. kể: bà bị bệnh sưng khớp, đi khám ở BV địa phương và được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. BS đã cho dùng thuốc kháng viêm để điều trị và hẹn một tuần tái khám. Tuy nhiên, đến hẹn bà không quay lại tái khám mà được hàng xóm “mách nước” loại thuốc “Miên” chữa bệnh khớp rất hay cùng lời khẳng định “ai uống cũng hết bệnh”. 

Dong duoc troi noi: thuoc tien hay thuoc dien?
Tuyệt đối không dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ


Tin lời, bà M. đã mua “thần dược” là những viên màu đen như thuốc tễ và bên ngoài chỉ có tờ giấy nhỏ ghi ngoằn ngoèo như chữ Campuchia. Bà uống mới một ngày (ba lần, mỗi lần bốn viên) đã thấy đầu gối bớt sưng, đi lại không còn nhức và ăn ngủ rất ngon. Thấy thuốc thần diệu, bà uống liên tục cả tháng.

Mấy lần bà định ngưng thuốc, nhưng nghỉ uống một hai hôm thì chân đau dữ dội hơn. Cho đến một ngày, khi lên TP.HCM thăm con, bà bị ói ra máu, được đưa vào BV ĐH Y Dược cấp cứu.  BS kết luận bà bị xuất huyết dạ dày, nguyên nhân là do dùng thuốc có chứa corticoid thời gian dài (ba tháng) nên bị lệ thuộc thuốc. BS vừa điều trị bệnh viêm khớp, xuất huyết tiêu hóa, vừa phải giúp bà “cai thuốc”. 

Đông dược cũng gây dị ứng

Có một điều ít người biết, cũng như thuốc Tây, khi uống thuốc Đông y cũng có thể có những phản ứng như dị ứng thuốc với thuốc. Triệu chứng điển hình dị ứng thuốc là: hoa mắt, chóng mặt, nôn ói, tiêu chảy, ngứa, nổi mẩn hay những thuốc có chứa corticoid uống lâu ngày sẽ có triệu chứng trầm cảm như mệt mỏi, buồn chán, uể oải…

 Ngoài ra, theo BS CKI Cao Thanh Ngọc - Phòng khám Dị ứng miễn dịch lâm sàng BV ĐH Y Dược, khi người bệnh tự sử dụng thuốc kháng viêm loại có corticoid và cả không corticoid mà không có chỉ định của BS sẽ gây ra những tác dụng rất nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hoặc tăng những biến cố về bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gây suy thận nặng hơn.

Với thuốc kháng viêm có chứa corticoid, khi mới dùng người bệnh rất dễ chịu, giảm đau, ăn ngon, ngủ dễ. Nếu người bệnh sử dụng trong một thời gian dài với liều cao sẽ dẫn đến những biến chứng như loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường, rạn da, dễ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. 

TS-BS Nguyễn Thị Sơn lưu ý: Thuốc Đông y không phải ai cũng có thể dùng được và dùng đều hợp. Vì mỗi loại bệnh sẽ có thuốc điều trị riêng. Cùng một bệnh nhưng tùy vào cơ địa mỗi người mà thuốc điều trị cũng không giống nhau. Ví dụ, với bệnh ho, người ho có đàm và ho khan sẽ dùng thuốc khác nhau.

Rồi tùy cơ địa của bệnh nhân là thể hàn hay nhiệt mà được kê đơn phù hợp. Bởi người thể hàn mà uống thuốc có tính hàn thì tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Trong Đông y có câu “hàn ngộ hàn tắc tử”. Ngoài ra, với những loại thảo dược cũng không được tùy tiện sử dụng.

Không nên nghe đồn như “cây lược vàng, cây nở ngày đất…” trị bách bệnh nên đi đường “bứt đại” một nắm ven hàng rào, bờ ao… về uống thử. Vì thảo dược có đặc tính thổ nhưỡng, mỗi loại cây chỉ phát huy được tính dược liệu của nó ở một vùng đất nhất định.

Hơn nữa, một loài có nhiều giống cây nên dù trông giống nhau chưa hẳn đã là cây thuốc. Bên cạnh đó, ngay cả cây dùng làm thuốc cũng có độc tính, có loại chỉ lá mới trị bệnh, còn rễ có độc, mà chỉ có thầy thuốc, nhà nghiên cứu thảo dược mới biết cách làm giảm hay loại trừ độc tố để sử dụng an toàn và hiệu quả.

Việc tự uống thuốc Đông y và uống trong một thời gian dài, dù thuốc không kèm tân dược, vẫn không có lợi cho sức khỏe, bởi có thể dẫn đến suy gan, suy thận, khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong.

Không nên uống thuốc đã vo viên như thuốc tễ, thuốc bột hay các dạng thuốc khác mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thuốc bốc thang từ hoa lá, cây cỏ có thể không bị trộn lẫn tân dược, nhưng gói bột kèm theo thang thuốc khó có thể kiểm soát được thành phần, và trong đó có thể chứa thuốc giảm đau, corticoid.

Ngay cả với những loại thuốc Đông y có nhãn hiệu, cũng không được tự ý mua uống, mà nên có chỉ định của BS. Thuốc Đông y uống vào giảm bệnh từ từ, vì vậy nếu uống thuốc nào thấy hết bệnh ngay thì có thể nghi ngờ trong đó chứa tân dược, thành phần độc hại. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, nôn ói, tiêu chảy, ngứa, nổi mẩn, uể oải, buồn chán khi đang dùng thuốc Đông y, nên lập tức ngừng dùng thuốc và đến cơ sở y tế khám. 

TS-BS Nguyễn Thị Sơn


Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI