Đông dược hay độc dược?

28/06/2014 - 15:55

PNO - PN - Thuốc Đông y Trung Quốc (TQ) vốn nổi tiếng từ lâu đời. Ở TQ, Thượng Hải và Bắc Kinh là thủ phủ của thuốc Đông y, các dãy phố luôn chật cứng khách.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây được Hiệp hội thuốc Đông y TQ gọi là “Thiên đường của thuốc Đông y miền Nam TQ”. Doanh thu về Đông dược của thành phố này mỗi năm là một tỷ USD. Năm 2013, doanh thu của ngành Đông y tính theo 1.500 công ty, cửa hiệu đăng ký kinh doanh tại TQ là 65,81 tỷ USD, gấp hai lần con số của 5 năm trước.

Thế nhưng, thuốc Đông y ở đây đang liên tục bị báo động “đỏ” là không an toàn cho người dùng khi đưa vào thị trường các nước phát triển. Lý do là lá thuốc bị nhiễm độc kim loại và thuốc trừ sâu quá nặng. Phần lớn thuốc Đông y đến tay người tiêu dùng đã “biến tướng” thành độc dược. Cũng dễ hiểu, vì chính đất nước TQ đang loay hoay giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Theo các cuộc kiểm tra riêng biệt được tiến hành ở nhiều quốc gia thì Đông dược TQ có độ nhiễm độc cao gấp hàng trăm lần mức cho phép, với rất nhiều kim loại nặng được phát hiện trong thành phần thuốc. Kết quả kiểm tra theo quy chuẩn của Mỹ cho thấy, trong các thang thuốc có tình trạng nhiễm độc 360 loại kim loại. Ở Đức và Canada, con số này lần lượt là 325 và 251.

Thậm chí, một loại mật ong được pha chế để điều trị viêm họng theo công thức Đông y TQ đã cho kết quả vượt 100 lần mức cho phép của thuốc trừ sâu thiophanate-methyl, xét theo quy chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) .

Dong duoc hay doc duoc?

Thuốc Đông y nhiễm bẩn, độc hại được bày bán tràn lan ở Trung Quốc
- Ảnh: China Daily

Với các danh y TQ, nhiều nguyên liệu làm thuốc xuất phát từ động vật (như cá ngựa, rết, pín hải cẩu) và sinh vật nói chung, nhưng ít ai biết được là những loài này không chết vì độc tính của chính chúng như người bán thuốc nói mà bị “hạ sát” do đất nhiễm độc thuốc trừ sâu và nhiễm độc từ kim loại nặng ở môi trường sống chung quanh.

Đã có vô số chuyện “gậy ông đập lưng ông” khi chính người dân TQ phải chịu hậu quả từ thuốc Đông y truyền thống của mình. Một người đàn ông họ Vương, sống ở Thượng Hải kể: “Vợ tôi bị chứng đau đầu kinh niên. Tôi bốc 20 thang thuốc cho bà ấy. Mới uống được một nửa thì bà ấy bị rối loạn tiêu hóa. Hóa ra, bà ấy bị ngộ độc thuốc”.

Năm 2011, bộ phận quản lý dược phẩm của Đặc khu hành chính Hồng Kông (TQ) đã thu hồi ba loại thuốc Đông y từ TQ chuyển đến vì bị nhiễm độc. Năm 2013, tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường Green Peace cho biết, hơn nửa số mẫu thuốc Đông y họ kiểm nghiệm bị ô nhiễm, không thể sử dụng được.

Canada và Anh đã có văn bản chính thức khuyến cáo người dân hạn chế dùng thuốc Đông y nhập khẩu từ TQ. Đáng lo là, tất cả thông tin trên bị chính quyền TQ ém nhẹm.

Trong khi đó, các quy định thanh tra chất lượng thuốc Đông y ở TQ vô cùng lỏng lẻo. Họ chỉ kiểm tra những mẫu thuốc do cửa hiệu, công ty gửi đến. Việc thanh tra thường xuyên thị trường đối với các loại thuốc Đông y hầu chưa bao giờ có.

Không nghiêm túc và thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chính quyền TQ đang tự tay “dâng tặng” ngành công nghiệp Đông dược cho thị trường mới ở khu vực Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Những nơi này bắt đầu xuất hiện những rừng cây thuốc quý, hứa hẹn cung cấp nguyên liệu sạch để phục vụ cộng đồng.

 THIÊN NHƯ (Theo China Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI