Dòng dòng Sài Gòn “Cõng” mưa nắng Sài Gòn trên vai

08/07/2020 - 17:18

PNO - Dòng dòng Sài Gòn là thương hiệu ba lô, túi xách tái chế từ bạt nhựa cũ của 3 bạn trẻ Kiều Anh (1983), Thảo Trang (1992) và Tú Quân (1995).

Những ngày rong ruổi khắp ngõ ngách để tìm nguồn cung bạt nhựa cũ, Dòng dòng Sài Gòn nhận về nhiều cái lắc đầu khi nói ra ý tưởng sẽ biến bạt nhựa cũ thành sản phẩm ba lô, túi xách... Một thời gian sau, đã có những chiếc ba lô đầu tiên ra đời từ phế phẩm bạt nhựa ngao du trên đường phố Sài Gòn, mang theo câu chuyện đầy mơ mộng, hoài bão của nhóm bạn trẻ. 

Còn trẻ thì hãy rong chơi 

Dòng dòng Sài Gòn là thương hiệu ba lô, túi xách tái chế từ bạt nhựa cũ của 3 bạn trẻ Kiều Anh (1983), Thảo Trang (1992) và Tú Quân (1995). Cả ba đều có niềm yêu thích với những sản phẩm mới lạ, sáng tạo, yêu sự tự do và ý thức trước các vấn đề môi trường. Trước khi bắt đầu với Dòng dòng Sài Gòn, Kiều Anh và Thảo Trang làm việc trong ngành thiết kế còn Tú Quân có chuyên môn quản lý tài chính - marketing. 

Dòng dòng Sài Gòn ra đời trong thời điểm Kiều Anh cảm thấy công việc thiết kế không còn mang lại những trải nghiệm mới mẻ - “triệu chứng” thường thấy ở những cá nhân đã làm việc đủ lâu trong một lĩnh vực. Cô tìm tòi nhiều chất liệu khác nhau và cuối cùng quyết chọn bạt nhựa cũ vì nhìn thấy khả năng có thể tái chế chất liệu này và quan trọng, nếu thành công, sản phẩm sẽ giúp hạn chế một lượng bạt nhựa thải ra môi trường.


Kiều Anh nhớ hoài những ánh nhìn tò mò khi nhóm nói lên ý tưởng muốn may ba lô, túi xách từ bạt cũ. “Có một chú bán bạt nói với chúng tôi, chú từng thấy có người đến mua với ý tưởng như nhóm nhưng rồi thất bại. Còn lại, các chủ vựa ve chai, chủ cửa hàng bạt nhựa hoặc không đủ tin tưởng hoặc thờ ơ với dự án. Thời gian đó, những tưởng tìm bạt cũ dễ dàng nhưng hóa ra lại rất khó khăn. Giá bán bạt cũ ở một số nơi xấp xỉ giá bạt mới trong khi bạt cũ phải trải qua công đoạn xử lý hoàn toàn thủ công mới có thể tái sử dụng”, Kiều Anh chia sẻ. 

Sau khi tìm được một số bạt cũ, Kiều Anh và Thảo Trang dành ra ba tháng để thử nghiệm hàng trăm mẫu ba lô, túi xách khác nhau. Ban đầu, cả hai chọn bạt hiflex được thải ra từ các sự kiện, banner quảng cáo nhưng sau khi hoàn thiện, sản phẩm tương đối giòn, dễ bị rách góc nên buộc phải thay đổi.

“Chúng tôi tìm đến bạt mái hiên, bạt xe tải đã qua sử dụng để nâng sức chịu lực của sản phẩm. Mỗi năm, loại bạt này thải ra môi trường số lượng không hề nhỏ, phù hợp với mục đích tái chế của nhóm. Ngoài ra, những tấm bạt mái hiên mang thương hiệu quán ốc, quán vịt lộn của dì Năm, dì Ba... được may thành chiếc ba lô đeo trên vai, rong ruổi khắp Sài Gòn cũng là hình ảnh thú vị mà nhóm muốn hướng tới”, Kiều Anh chia sẻ thêm.  

Từ những cô nàng chỉ chuyên thiết kế trên máy tính, cả hai phải tự đo đạc, cắt may, sử dụng thử và liên tục sửa sai để ra mắt vài mẫu sản phẩm. Sau khoảng 100 mẫu ba lô, túi xách thử nghiệm, Kiều Anh và Thảo Trang bắt tay thực hiện những sản phẩm đầu tiên. Những tưởng khó khăn đã qua khi nhóm tìm được thợ may thì khâu quảng bá sản phẩm gặp trở ngại. 

Tú Quân - thành viên phụ trách quảng bá - cho biết, khi nghe đến ý tưởng, hầu hết mọi người đều ủng hộ nhưng để họ quyết định chọn mua là một việc khác hoàn toàn. “Với một số khách hàng, họ đắn đo về chất lượng; một số khác cho rằng giá thành cao so với một sản phẩm tái chế. Trong khi nhiều người lại thấy mẫu ba lô có vẻ mới quá, họ nói đây không phải là sản phẩm tái chế vì mặc định tái chế phải thật cũ, sờn rách”.

Dòng dòng Sài Gòn liên tục gặp khó khăn trong nhiều khâu để tiếp cận phân khúc khách hàng phù hợp. Thời gian đó, ba cô gái cùng một vài nhân công vẫn đều đặn đến ngôi nhà được thuê lại trong con hẻm nhỏ để làm việc. Nhóm mong muốn giới thiệu sản phẩm đến với người dùng vì họ biết những chiếc ba lô của mình chất lượng và ngoài kia còn ngổn ngang những tấm bạt cũ vẫn đang chờ được “cứu”.

“Dòng qua dòng lại, đỡ hại môi trường” - slogan của nhóm như một thông điệp dễ thương, đặc biệt vì giữa vô vàn sản phẩm túi xách trên thị trường, Dòng dòng Sài Gòn đang cùng người sử dụng tìm cách kéo dài thêm “quãng đời” cho bạt cũ. Mục đích hay, cách làm sáng tạo nhưng Dòng dòng Sài Gòn “mắc kẹt” trong cách quảng bá sản phẩm. Đây là bài toán khó, đặc biệt khó vì dịch COVID-19 gây ra nhiều biến động trong lĩnh vực kinh doanh cũng như nhu cầu mua sắm.

Thương sản phẩm là chính, thương người làm in ít thôi!

Hỏi Dòng dòng Sài Gòn mong muốn người dùng mua sản phẩm với mục đích gì thì câu trả lời đồng loạt rằng hãy mua sản phẩm vì công năng. Có thể nhiều người cảm thấy dự án của ba bạn trẻ với phế phẩm bạt nhựa vô cùng thú vị nhưng nếu mua ba lô, túi xách nhựa chỉ vì yêu mến dự án thì e rằng, đường đi của Dòng dòng không xa.

Các bước đo đạc, cắt may đều được nhóm thực hiện cẩn thận
Các bước đo đạc, cắt may đều được nhóm thực hiện cẩn thận

“Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng ba lô làm từ bạt tái chế là sản phẩm cố gắng xài được thêm bao nhiêu thì xài vì chúng vẫn bền bỉ nếu biết gìn giữ. Chúng tôi muốn cứu sản phẩm và cho chúng vòng đời mới, không chỉ làm ra sản phẩm để trang trí rồi lại thải nhựa trở về với môi trường”, Tú Quân nói.

Các sản phẩm ba lô của Dòng dòng được may khá tỉ mỉ. Phần ngăn đựng laptop được nhóm thiết kế riêng, có phần đáy cách mặt đất để khi di chuyển trên nền các bề mặt không va đập trực tiếp. Một số chất liệu bạt nhựa dùng dao rạch cũng khó rách vì độ chịu lực cao. 

Dòng dòng là thương hiệu ba lô mang nhiều câu chuyện của mảnh đất Sài Gòn. Vừa “cõng” trên lưng mưa nắng của Sài Gòn, vừa mang thương hiệu của những hàng quán vỉa hè, lại chứa đựng thông điệp bảo vệ môi trường lan tỏa... đây là một sản phẩm đáng được trân trọng của những người trẻ.

Hiện Dòng dòng đã, đang cố gắng kết nối với một số cửa hàng cần sản phẩm túi nhựa đi chợ sử dụng nhiều lần. Sau đợt dịch, nhóm cũng sẽ tìm cách giới thiệu sản phẩm đến các hội chợ xanh, hội chợ thân thiện với môi trường nhằm tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, Kiều Anh và Thảo Trang cũng đang lên ý tưởng thiết kế ví, túi đựng mỹ phẩm để đa dạng sản phẩm.

“Nói tái chế không phải để mọi người mua vì thương. Tái chế là bản chất của sản phẩm; còn lại, sản phẩm vẫn phải đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng sử dụng. Dòng dòng gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng nhưng chúng tôi nghĩ bất cứ thương hiệu nào muốn được yêu thích cũng phải cần thời gian. Tôi nghĩ cứ tập trung làm ra sản phẩm chất lượng, buôn bán chân thật thì bước đầu chậm nhưng đi được đường dài. Dòng dòng rồi sẽ nương theo thời cuộc mà lớn lên”, Kiều Anh cho biết.

Những sản phẩm đầu tiên của Dòng dòng Sài Gòn đã đến tay người sử dụng ảnh: nhân vật cung cấp
Những sản phẩm đầu tiên của Dòng dòng Sài Gòn đã đến tay người sử dụng ảnh: nhân vật cung cấp

Nhóm luôn mong nhận được những phản hồi về sản phẩm để cải tiến cho phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng nhưng ngoài câu chuyện thương mại, Dòng dòng mong được kết nối với nhiều nguồn bạt nhựa, đặc biệt là nguồn nhựa tại hộ gia đình. 

Dòng dòng Sài Gòn là lựa chọn, không phải là sự đánh đổi giữa công việc có thu nhập ổn định với một dự án riêng vẫn đang tìm cách tiếp cận người mua. Kiều Anh, Thảo Trang và Tú Quân đều nói mình còn trẻ mà đặc quyền của tuổi trẻ là liều lĩnh, thử thách bản thân nên họ không ngại bắt đầu từ những khâu khó khăn nhất. “Dòng dòng rồi sẽ nương theo thời cuộc mà lớn lên”, một cách nói như thể cứ để mọi thứ tiến triển tự nhiên. Nhưng không thành quả nào đến từ tự nhiên vì chính nhóm bạn trẻ vẫn đang tìm cách vận hành dự án một cách nghiêm túc, chỉn chu nhất. 

Diễm Mi

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI