Động đất có cường độ từ 7 độ richter trở lên sẽ gây ra sóng thần

30/09/2018 - 06:44

PNO - Trận động đất gây sóng thần trên đảo Sulawesi (Indonesia) ngày 28/9 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 384 người, cơ sở vật chất bị thiệt hại nặng nề. Chuyên gia địa chất Đỗ Văn Lĩnh giải thích nguyên nhân của hiện tượng nói...

Như vậy, ở điều kiện nào thì động đất sẽ dẫn đến sóng thần?

Theo chuyên gia địa chất Đỗ Văn Lĩnh - Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam, có 2 nguyên nhân sẽ dẫn đến sóng thần. 

Thứ nhất, điều kiện để có sóng thần thì trận động đất phải có cường độ từ 7 độ richter trở lên, còn những trận động đất dưới mức đó thì không có khả năng gây ra sóng thần.

Thứ hai, sóng thần có thể hình thành các mảng địa tầng dưới đáy biển, sau quá trình động đất có sự dịch chuyển mảng lục địa, mảng thạch quyển dẫn đến đáy biển có sự trồi sụt. Khi trồi thì nước sẽ đẩy lên, sụt thì nước sẽ tuột xuống và tạo ra những đứt gãy gây ra sóng. Tùy thuộc quy mô trồi sụt của đáy biển mà sẽ có sóng to, nhỏ. 

Dong dat co cuong do tu 7 do richter tro len se gay ra song than
Khung cảnh tan hoang trong trận động đất gây sóng thần trên đảo Sulawesi (Indonesia) xảy ra ngày 28/9 

Khi sóng đến bờ, dao động cường độ mạnh thì lập tức nước rút ra và nâng lên, cuộn dẫn với nhau nên càng vào bờ thì sóng càng cao lên từ 1, 2 mét, thậm chí đến mấy chục mét và  quét sạch cả một dãy ven bờ biển. Độ cao, tốc độ sóng đánh tùy thuộc vào năng lượng của nó.

Riêng đối với vùng biển thuộc khu vực phía Nam của Việt Nam, hiện tại giới chuyên gia, các nhà khoa học chưa thống nhất về đánh giá mức độ có sóng thần. Tuy nhiên, nếu có sóng thần thì chủ yếu lan truyền từ hẻm vực Mariana của Philippine (là rãnh đại dương sâu nhất của lớp vỏ trái đất, nằm trên phần đáy của khu vực tây bắc Thái Bình Dương) lan truyền tới Việt Nam.

Theo tính toán đã công bố của các nhà khoa học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu động đất xảy ra ở Mariana là 8 độ richter thì sẽ có độ cao sóng 2m, tương tự như Sulawesi (Indonesia) bây giờ. 

Ngoài ra, còn có những đứt gãy địa chất có khả năng gây ra động đất - sóng thần ở Việt Nam như đứt gãy kinh tuyến 109, đứt gãy Sơn La. Hai đứt gãy này có thể gây ra động đất cao nhất là 6,7 độ richter (mức độ chưa thể xảy ra sóng thần).

Theo tài liệu của Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc tế Thái Bình Dương, năm 1887, đã từng có động đất mạnh 6-7 độ richter xảy ra ở Bình Thuận. Còn theo tính toán của chúng tôi, động đất đã từng xảy ra tại Bình Thuận là  từ 7,3 đến 7,5 độ richter. Vùng được đánh giá có khả năng cao nhất gây nên động đất sóng thần tại Việt Nam hiện tại vẫn là vùng biển Phan Thiết – Bình Thuận.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bờ biển của Việt Nam có nguy cơ xẩy ra động đất - sóng thần. Tuy nhiên, xác suất để động đất dẫn đến sóng thần không cao.

Theo lịch sử ghi nhận, những trận động đất và sóng thần nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đáng kể nhất  trận động đất lớn nhất xảy ra ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 2006 có 379.484 người chết. Sóng thần ở Ấn Độ dương vào năm 2004 làm chết đến 230.000 người (riêng Indonnesia 168.000 người chết). Các quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần đáng kể đến là Nhật Bản, Indonesia, Philippine…

Quốc Thái (ghi) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI