Động đất bất thường ở Thừa Thiên - Huế: Thủy điện lập công lớn?

30/12/2015 - 08:00

PNO - 16 trận động đất xảy ra tại huyện A Lưới trong vòng 1 năm qua. Đặc biệt, tháng 12/2015 có tới 6 trận động đất xảy ra liên tiếp.

Thủy điện làm động đất nhẹ hơn?

Sáng ngày 28/12, chia sẻ với báo Phunuonline về những trận động đất xảy ra bất thường ở huyện A Lưới trong thời gian qua, PGS. TS Trần Ngọc Nam - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc xây dựng thủy điện trên địa bàn huyện A Lưới không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các trận động đất. Nói rõ hơn, không phải do xây các hồ thủy điện ở huyện A Lưới mà sinh ra động đất.

Theo ông Nam, nguyên nhân chính của các trận động đất ở huyện A Lưới là do hoạt động của các đứt gẫy kiến tạo trong khu vực. "Các trận động đất nằm trong vỏ của trái đất (nằm trong khoảng quy mô 30km trở lại) thông thường liên quan đến các đứt gẫy đang hoạt động, trên địa bàn thung lũng A Lưới nằm trùng với một đứt gẫy kiến tạo.

Rãnh đứt gẫy này còn chạy sang cả bên Lào, đây là một đứt gãy lớn và đang hoạt động nên việc phát sinh ra các cơn địa chấn, trận động đất trong khu vực là chuyện hoàn toàn bình thường, có thể giải thích được. Nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam như Mường Tè (Lai Châu) cũng thường xuyên xảy ra các trận động đất như vậy" - ông Nam nói.

Dong dat bat thuong o Thua Thien - Hue: Thuy dien lap cong lon?
Vị trí tâm chấn trận động đất vào tối 25/12.

Chính vì thế, những trận động đất ở huyện A Lưới đã tiềm tàng ngay ở trong những rãnh đứt gẫy của vỏ của trái đất. Nếu như không xây dựng thủy điện thì có thể các trận động đất này chưa xảy ra trong thời gian vừa rồi, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.

Ông Nam lý giải: "Khi chúng ta xây dựng thủy điện ngang qua những rãnh đứt gẫy ấy thì rãnh đứt gãy trong lòng đất phải chịu thêm tải trọng. Từ đó, năng lượng trong những rãnh sẽ được giải phóng sớm hơn so với bình thường.

Việc xây thủy điện ở huyện A Lưới giống như "giọt nước làm tràn ly" để cho các mạch đứt gẫy giải phóng năng lượng, tạo ra các trận động đất. Thông thường, việc giải phóng năng lượng sớm hơn bình thường sẽ giảm bớt thiệt hại hơn khi đã tích đủ năng lượng để giải phóng".

Đánh giá về tình hình trong tương lai, ông Nam cho rằng: Trong khu vực huyện A Lưới chưa ghi nhận trận động đất nào lớn hơn 5 độ richter. Nghiên cứu phân vùng động đất trên lãnh thổ Việt Nam cũng chỉ ra vùng A Lưới không thể có động đất cao hơn 5,5 độ richter.

Tuy nhiên, theo số liệu năm 1997 của Viện Vật lý địa cầu công bố, trên dọc theo đứt gãy A Lưới bên lãnh thổ Lào có trận động đất mạnh 5,7 độ richter nên chúng ta không thể coi thường những trận động đất xảy ra ở huyện A Lưới trong thời gian hơn 1 năm trở lại đây.

Ông Nam nói thêm: "Huyện A Lưới là một trong những địa bàn nghèo, kinh tế đặc biệt khó khăn của Thừa Thiên - Huế nên cơ sở vật chất ở vùng này còn lạc hậu, nhà cửa của người dân phần lớn chưa đủ vững chắc để an toàn trước những trận động đất nhỏ. Chính vì vậy, chỉ cần những trận động đất nhỏ xảy ra ở đây cũng khiến nhà cửa của người dân nứt toác, thậm chí là đổ sập.

Trong thời gian tới, cần phải có phương án cụ thể hướng dẫn người dân trong việc xây dựng nhà cửa chống trọi với động đất hoặc di dời người dân ra khỏi vùng thường xuyên có chấn động".

Dong dat bat thuong o Thua Thien - Hue: Thuy dien lap cong lon?
Trận động đất vào tháng 5/2014 làm nứt nhà dân ở huyện A Lưới (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu).

Trước những thông tin mà phía Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế đưa ra, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng cho rằng, thông thường các hồ chứa nước thủy điện có thể làm cho các trận động đất kiến tạo xảy ra sớm hơn. Các trận động đất kích thích kiểu này luôn nhỏ hơn các trận động đất kiến tạo.

Hiện nay, nhờ có mạng trạm động đất ở khu vực Bắc Trà My, Quảng Nam, nên đã ghi nhận được các trận động đất ở A Lưới những năm gần đây. Tuy nhiên để khẳng định các trận động đất này có do thủy điện hay không thì cần có các quan trắc thêm.

Cụ thể là, lắp đặt khoảng 5 trạm động đất khu vực A Lưới để ghi nhận các trận động đất yếu, đồng thời quan trắc mực tích nước ở các hồ, thực hiện các nghiên cứu chi tiết để đánh giá các đứt gãy ở khu vực. Trên cơ sở đo đạc và nghiên cứu này mới có thể đánh giá nguyên nhân là động đất kích thích hay kiến tạo.

TS Nguyễn Xuân Anh kết luận: “Ở địa phương cần thiết lập ngay mạng trạm quan sát động đất, thực hiện các nghiên cứu, khảo sát chi tiết về địa chất, kiến tạo. Từ đó, đánh giá độ nguy hiểm của động đất ở khu vực với mức độ chi tiết hơn”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI