Đóng cửa về quê trốn dịch, sao tiền điện vẫn tăng?

13/04/2020 - 07:33

PNO - EVN cho rằng, hóa đơn tiền điện tăng là do thời tiết và do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên theo nhiều ý kiến, giá tăng do biểu giá mới của tập đoàn này.

Xài điện ít hơn, tiền điện vẫn tăng đột biến

Nhiều người dân ở chung cư Tara Residence, Q.8, TP.HCM phản ánh, hóa đơn tiền điện đột ngột tăng. Anh Diệp - cư dân tại đây - cho biết, nhận được thông báo tiền điện của tháng Ba vừa qua (phải đóng vào ngày 14/4 tới), anh rất ngạc nhiên vì tiền tăng lên trên 1 triệu đồng, trong khi tiền điện tháng 1/2020 chỉ 223.106 đồng và tháng 2/2020 là 523.574 đồng. “EVN giải thích tiền điện tăng do nắng nóng, do giãn cách xã hội nên mọi người ở nhà nhiều là chưa hợp lý. Vợ chồng tôi vẫn đi làm, thời gian sử dụng các thiết bị điện vẫn như cũ nhưng tiền điện vẫn tăng” - anh Diệp bức xúc. 

Chị Mỹ Quyên - ở cùng chung cư - cho biết, trong tháng Ba vừa rồi, gia đình chị về quê tránh dịch, không có người ở nhà nhưng tiền điện vẫn 512.415 đồng, thật phi lý. “Mùa dịch này, nhà tôi chẳng thay đổi gì, số người ở nhà vẫn vậy, ít sử dụng máy lạnh hơn do sợ vi-rút sinh sống, phát tán trong môi trường lạnh, vậy mà hóa đơn tiền điện vẫn tăng 47% so với tháng trước” - chị Hoa nói. 

EVN cho rằng, thời tiết và ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến giá điện tăng cao…
EVN cho rằng, thời tiết và ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến giá điện tăng cao…

Người dân tại chung cư Tara Residence còn nghi ngờ, tiền điện tăng đột ngột có thể do vừa qua, nhân viên điện lực xuống thay đồng hồ điện. Nhưng điều khiến cư dân tại đây bức xúc là họ không biết nhân viên điện lực thay đồng hồ lúc nào, và họ cũng không được thông báo hay ký biên nhận đồng hồ mới cũng như ký chốt số điện trên đồng hồ cũ. “Ban quản lý chung cư nói tháng này, nhân viên điện lực không vào chung cư ghi chỉ số đồng hồ điện mà chỉ theo dõi qua app (ứng dụng) của điện lực. Không biết có sự sai sót gì không mà gia đình nào cũng bị tăng 50% so với tháng rồi” - chị Nguyệt Thảo thông tin. 

Tình trạng hóa đơn tiền điện tăng không chỉ xảy ra ở chung cư Tara Residence. Chị Huỳnh Thị Thu Trang - ở chung cư Gia Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM - cho biết, thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế, gia đình chị không mở máy điều hòa nhiệt độ, nhưng không hiểu sao, tiền điện tháng 3/2020 lại đột ngột tăng lên hơn 1,4 triệu đồng, trong khi tháng 2/2020 chỉ 430.000 đồng và tháng 1/2020 là 506.836 đồng. Tương tự, anh Hoàng - ở chung cư Nghĩa Phát, Q.Tân Bình, TP.HCM - cũng than, tiền điện tháng 3/2020 của anh tăng hơn 500.000 đồng so với tháng trước, dù vợ con anh đã về quê tránh dịch, nhà chỉ còn mình anh. 

Cần thay đổi thang giá và giảm giá mạnh

Theo EVN, trong tháng Ba vừa qua, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tăng 8,55% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại TP.HCM, lượng tiêu thụ điện của nhóm hộ gia đình tăng 7,51%, nhóm sản xuất và kinh doanh dịch vụ giảm lần lượt là 7,3% và 2,75%. Theo lý giải của EVN, do thời tiết nắng nóng, mọi người đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội nên phải ở nhà nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. 

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, biểu giá điện bất hợp lý của tập đoàn này khiến người dùng chịu thiệt. Ảnh biểu giá điện sinh hoạt của EVN hiện áp dụng
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, biểu giá điện bất hợp lý của tập đoàn này khiến người dùng chịu thiệt. Ảnh biểu giá điện sinh hoạt của EVN hiện áp dụng.

Tuy nhiên, phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết, dịch COVID-19, việc phân giá điện thành sáu bậc (Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh biểu giá điện bán lẻ điện sinh hoạt còn năm bậc nhưng chưa áp dụng) cũng khiến giá điện bất hợp lý, đẩy thiệt hại về phía người tiêu dùng vì lũy tiến các bậc còn quá cao. 

Chẳng hạn, khoảng cách giá điện từ bậc 1 và 2 chênh lệch khoảng 56 đồng/kWh điện, nhưng bậc 2 và bậc 3 chênh lệch 280 đồng/kWh điện, còn bậc 3 và 4 chênh lệch 522 đồng/kWh điện. Chỉ cần chỉ số điện bước qua con số 101 kWh (bậc 3) hay 201 kWh (bậc 4), giá sẽ được tính khác, với mức chênh lệch cao, trong khi bậc 3 và 4 là mức mà người dân sử dụng nhiều nhất.

“Các bộ, ngành đưa ra bậc lũy tiến cao nhằm hạn chế người dân sử dụng điện, do nguồn điện có hạn. Nhưng cách tính bậc như vậy là chưa công bằng, hợp lý. Theo tôi, nên chia điện ra càng nhiều bậc càng tốt, nhưng giá ở bậc cao không được cao hơn quá nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân” - tiến sĩ Long nói.

Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, vừa qua, Bộ Công thương có đề xuất giảm 10% giá điện cho khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng trong ba tháng (từ tháng Tư đến tháng Sáu). Theo nhận định của một số chuyên gia, mức giảm này vẫn còn quá thấp, số tiền thực tế được giảm không nhiều. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng, các gói hỗ trợ đều áp dụng vào tháng Tư, nên giá điện giảm vào khung thời gian này sẽ hợp lý. Với người dân nói chung, Chính phủ nên cố gắng giảm giá càng nhiều càng tốt. Riêng với người dân có thu nhập thấp, chỉ sử dụng điện ở bậc 1 và bậc 2 thì nên giảm 50% giá bởi đa số họ là người bán hàng rong, bán vé số.

“Ngoài giảm giá điện, Bộ Công thương nên sửa lại các bậc để tính đơn giá. Bậc 1 và 2 nên ghép lại và chỉ tính theo đơn giá bậc 1” - ông Ngân đề xuất. 
Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng - nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cũng cho rằng, dịch COVID-19 khiến người dân giảm thu nhập 30-40%, thậm chí có người giảm 100% thu nhập, nên giá điện chỉ giảm 10% là không phù hợp. Nhiều năm qua, giá xăng có tăng có giảm nhưng giá điện chỉ tăng, không giảm; do đó, giá điện bây giờ phải giảm từ 20-25% mới phù hợp. 

Để đưa ra mức giảm giá điện 10% hay 20%, EVN phải tính toán lại chi phí mua điện, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện. Giá xăng, dầu, khí, gas đã giảm sâu trong tháng Hai, tháng Ba và tiếp tục giảm trong tháng Tư. Đó là cơ sở để EVN phải giảm mạnh giá điện. 

Trước khiếu nại của người dân về việc hóa đơn tiền điện đột ngột tăng cao, EVN cho biết, đối với những hóa đơn có mức tăng trên 30%, các tổng công ty điện lực sẽ phúc tra chỉ số công tơ trước khi phát hành đến khách hàng. Các tổng công ty điện lực cam kết bố trí đủ nhân lực và phương tiện kiểm tra, phúc tra và giải đáp thỏa đáng cho khách hàng, kể cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 

“Cho đến nay, chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, cũng như về thời gian áp dụng. EVN sẽ thực hiện ngay việc giảm giá điện khi có quyết định và hướng dẫn từ các cơ quan chức năng” - EVN thông tin. 

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(11)
  • Nguyễn khắc lộc 17-04-2020 11:02:15

    Đề nghị Chính phủ nên kiểm tra lại Ngành Điện lực. Đừng để Ngành Điện lực thao túng trong dân . Quan chức giàu có thì không sao . Còn Dân nghèo thì thấy sao rồi đó

  • H 16-04-2020 23:56:20

    Yêu cầu làm rõ và minh bạch, nhà tôi tăng vọt cả về số kw và tiền, trong khi cả tháng chưa dùng đến điều hòa.

  • Nova 16-04-2020 08:55:28

    Tháng này không thấy đi ghi chỉ số công tơ thì sẽ lấy cơ sở đâu để tính tiền,nếu dùng qua app thì làm sao tin được,vì không thấy công bố minh bạch thì muốn thế nào mà chả được...

  • THI14011983 15-04-2020 16:42:25

    MÌNH CUNG TĂNG TIỀN ĐIỆN THÁNG NÀY .GAN GẤP ĐÔI

  • Ly 13-04-2020 17:48:32

    Nhà tôi có tiệm làm tóc tháng này phải nghỉ theo quy định chính phủ, vậy mà giá điện lại tăng hơn tháng trước 500 nghìn???

  • xuân hiếu 13-04-2020 15:34:10

    tôi có hai nhà cách nhau khoảng 100m. của tôi và của con tôi, nhưng chúng đi làm xa, 1 tuần mới về 1 ngày nên tôi đứng tên cả 2 hợp đồng cho tiện thanh toán.những tháng trước thì báo từng hóa đơn riêng lẻ, đến tháng này thì gộp chung vào rồi tính lũy tiến lên, nên tháng trước cả hai nhà là: 445k+82k=527k-->1.297.000đ. tháng này tính gộp 2 nhà rồi tính lũy tiến lên thành 506k-->1.341.000đ. gọi điện hỏi thì họ mắc bận thu tiền đông lắm và cúp máy. chỉ báo trước có mấy ngày sao không đông cho được. rõ chán !...!...!...

  • Tau Tran 13-04-2020 14:47:06

    Nhà tôi cũng vậy, cả tháng đi vắng tránh dịch mà điện tiêu thụ lại tăng chứ không giảm (!) Đồng hồ treo cao, tôi ko trèo lên kiểm tra được, liệu hỏi có giải quyết đc j` hay ko?

  • Minh Khanh 13-04-2020 13:41:19

    Năm nào cũng vậy vào đến mùa nắng nóng thì điện năng tăng người dân khiếu nại nhiều gặp năm nay bệnh dịch thất nghiệp tăng nên việc tranh luận về ngành điện năm nay sẽ còn căng thẳng hơn nữa

  • Yến 13-04-2020 13:15:58

    Nước cũng tăng 10% Từ tháng 2/2020 kìa, nhà cho thuê MB bị áp giá nước sinh hoạt của Hộ kinh doanh 21000 đã/m3; tháng 3 bán ko được họ dọn đi rồi , nhưng nhà thì lại xài nhiều hơn cho tắm giặt vif nóng quá (vì cửa hàng bán quần áo có 1 nhân viên - đâu
    có xài bn nước); có 2 vơ chồng già mà tháng 550.000 đ tiền nước / 35m3; Họ độc quyền nên chả làm sao được; chắc lại khoan giếng lậu đe xài nước bẩn thui

  • nguyễn kim thành 13-04-2020 12:46:15

    Tôi nghĩ bình thường thôi!Bởi vì cái gì độc quyền bao giờ cũng thế.

  • ly tuong khanh 13-04-2020 11:21:40

    giống như tôi, nghi buôn bán, giảm hơn 10 bóng đèn, đóng tiền điện nhiều hơn lúc buôn bán, đồng hồ điện để trên cao cách xa nhà ai mà rảnh leo lên kiểm tra

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI