Đóng cửa "rạp chiếu bóng thiên đường"-Hanoi Cinematheque: Văn hóa ra đi, điều chi ở lại?

01/12/2016 - 16:13

PNO - Ngày 30/11 này, rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque tổ chức suất chiếu phim cuối cùng để chia tay những người mộ điệu phim ảnh và gắn bó với nơi đây.

Nếu như khu quần thể khách sạn nghệ sĩ ở ngõ 22A Hai Bà Trưng nằm sát Tràng Tiền Plaza lộng lẫy và Hồ Gươm lộng gió như một khu vườn nghệ thuật, thì rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque nảy mầm từ đó là một thực thể chứa đựng những kỷ niệm và cảm xúc đẹp của biết bao người. Vậy nhưng, nay sự tồn tại của không gian này chỉ còn tính bằng ngày.

Ngày 30/11 này, rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque tổ chức suất chiếu phim cuối cùng để chia tay những người mộ điệu phim ảnh và gắn bó với nơi đây. Cuộc chia ly này đương nhiên để lại nhiều xót xa, lưu luyến, bởi từ 14 năm nay, đây là nơi đã tổ chức không chỉ hàng ngàn suất chiếu những bộ phim nghệ thuật có giá trị nhất trên toàn thế giới, mà còn là địa điểm của những cuộc gặp gỡ, kết nối, truyền cảm hứng cho công chúng và những nghệ sĩ độc lập từ nhiều quốc gia khi đến Hà Nội.

Dong cua
Không gian yên bình của rạp chiếu kiểu cổ điển Hanoi Cinematheque

Sự “ra đi” của rạp chiếu và toàn bộ khu đất này một lần nữa làm dậy lên nỗi hoang mang của nhiều người về chuyện những địa chỉ văn hóa cứ lần lượt biến mất trước sự xâm lấn của các trung tâm thương mại.

Nằm ở một khoảng sân nhỏ thuộc quần thể biệt thự Pháp cổ, bên cạnh là cây hoàng lan cổ thụ, Hanoi Cinematheque phục vụ những người yêu điện ảnh lặng lẽ, bền bỉ hàng tuần. Khán giả đa phần là thành viên của câu lạc bộ. Chỉ cần 100.000 đồng để có thẻ thành viên trong một năm và nhận thông báo lịch chiếu cùng giới thiệu phim hàng tuần.

Tuy nhiên, vì rạp chiếu hoạt động theo hướng phi lợi nhuận, mang đến những tác phẩm điện ảnh vẫn được cho là “kén khách”, vắng bóng ngoài rạp chiếu thông thường, nên khán giả thay vì mua vé thì đóng góp tùy tâm, thường là 50.000 đồng/phim. Ngoài những phim Việt Nam chọn lọc thì những bộ phim quốc tế được chiếu nguyên bản tiếng Anh hoặc có phụ đề Anh ngữ, chứ không thuyết minh, lồng tiếng hay dùng phụ đề tiếng Việt.

Có thể nói đây là không gian thưởng thức điện ảnh khá lý tưởng, vì gần như khán giả đến vì tình yêu phim thực sự, trong phòng chiếu lặng phắc chỉ có 89 ghế ngồi, âm thanh đạt chuẩn cao và không hề phát kèm trailer hay quảng cáo.

Nếu đều đặn xem phim ở đây trong khoảng một năm, người xem hoàn toàn có thể được cung cấp vốn liếng về phim ảnh phong phú nhờ những buổi chiếu phim chuyên đề về các nền điện ảnh, các phong cách làm phim, tham gia thảo luận với những người làm phim.

Có được những điều ý nghĩa ấy là nhờ công sức, tâm huyết của ông Gerald Herman, trí thức người Mỹ từng theo học trường điện ảnh New York University. Đã từng làm việc ở Hollywood, năm 1992, ông đến Việt Nam, chọn nơi đây làm quê hương thứ hai và mười năm sau lập nên Hanoi Cinematheque. Với tình yêu và kiến thức về điện ảnh, ông Herman đóng vai trò dẫn chuyện cho rất nhiều buổi chiếu phim và là người kết nối các nhà làm phim với khán giả.

Chưa rõ rồi đây ông Herman có tìm được chỗ di trú khác cho Hanoi Cinematheque không, nhưng những ai cảm mến thịnh tình của người đàn ông tóc bạc này hẳn đều mong mỏi không gian mới sẽ có sự quan tâm lớn hơn của người yêu điện ảnh.

Ai chăm đến Hanoi Cinematheque hẳn nhiều lúc không khỏi chạnh lòng vì sự hiu hắt, vắng vẻ của nhiều buổi chiếu, cho dù với tiêu chí của nơi này: kể cả có một khán giả thì rạp vẫn phục vụ bình thường. Và như thế, sẽ có ý kiến đặt ra: Khi một nơi vắng vẻ được (hoặc bị) thay thế bằng chốn lao xao thì có gì mà phải ầm ĩ? Chất vấn này không hẳn vô lý, bởi nó gieo cho người ta suy tư “văn hóa ra đi, điều chi ở lại?”.

Hiện thực có thể trông thấy lúc này là cùng với sự “ra đi” của Hanoi Cinematheque thì trong khu quần thể 22A Hai Bà Trưng còn có khoảng sân nơi diễn ra bao cuộc biểu diễn nghệ thuật, bao cuộc họp báo và một quán bar dưới gốc cây hoàng lan xòa bóng cũng ra đi.

Không chỉ có vậy, theo những bậc cầu thang đi lên tầng hai còn có Ngôi nhà nghệ thuật của kiến trúc sư Nguyễn Nga và một không gian nghệ thuật thể nghiệm của các bạn trẻ cũng biến mất. Tượng cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật đã dời đi và Ngôi nhà nghệ thuật của chị thì chưa biết sẽ “trú chân” nơi nào...

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI