Đồng chí Trương Vĩnh Trọng - anh Hai Nghĩa mà tôi yêu mến

20/02/2021 - 16:27

PNO - "Với anh Hai Nghĩa, dù ở bất cứ cương vị nào thì tấm lòng trong sáng, thủy chung, một lòng vì dân, trọn vẹn nghĩa tình với dân vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chỉ đạo hành động của mình". Nhận định của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi nói về đồng chí Trương Vĩnh Trọng

Tôi biết anh Trương Vĩnh Trọng (anh Hai Nghĩa) khá sớm, bởi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có thời chúng tôi cùng chiến đấu ở địa bàn Quân khu 9. Nhưng cùng công tác và hiểu nhau hơn là thời gian tôi tham gia Thường trực Ban Bí thư rồi làm Tổng Bí thư. Khi đó anh Trương Vĩnh Trọng, người cán bộ kiên trung, bất khuất của quê hương Đồng Khởi, Bến Tre đã tham gia Trung ương và là một cán bộ lãnh đạo già dặn trong Ban Nội chính của Đảng. Anh từng bước giữ những vị trí quan trọng: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khối nội chính.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng thăm người dân trong mùa lũ khi đang công tác tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh tư liệu
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng thăm người dân trong mùa lũ khi đang công tác tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh tư liệu

Với anh Hai Nghĩa, dù ở bất cứ cương vị nào thì tấm lòng trong sáng, thủy chung, một lòng vì dân, trọn vẹn nghĩa tình với dân vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chỉ đạo hành động của mình. Đang phụ trách một ban lớn của Đảng ở Trung ương, khi trở về tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn về công tác cán bộ, phong trào quần chúng bị ảnh hưởng. Căn cứ vào khả năng và kinh nghiệm công tác quần chúng, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí trực tiếp về làm Bí thư Tỉnh ủy để vực dậy phong trào. Anh Trương Vĩnh Trọng sẵn sàng nhận lệnh lên đường. Đúng là phong trào Đồng Tháp lúc đó đang có vấn đề nội bộ. Ai cũng tưởng với vị trí mới của mình, anh Hai Nghĩa sẽ làm mạnh tay. Nhưng không, anh vẫn bình tĩnh nghe các đồng chí cấp ủy và chính quyền nói rõ thực trạng, nói rõ đúng sai. Việc anh lo đầu tiên là cùng với tập thể cấp ủy nắm phong trào quần chúng, nhất là phong trào sản xuất, nâng cao đời sống. Kinh nghiệm của người đã từng lăn lộn với phong trào quần chúng, anh Hai Nghĩa tin khí thế cách mạng quần chúng sẽ át tiêu cực, vực dậy phong trào. Không “dao to búa lớn”, chỉ bằng tấm lòng của người cộng sản, tinh thần vì dân, yêu thương đồng chí... Bí thư Tỉnh ủy Trương Vĩnh Trọng đã sớm vực dậy phong trào Đồng Tháp, đưa Đồng Tháp sớm trở thành một tỉnh mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi không bao giờ quên năm 2000, khi Trương Vĩnh Trọng về làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chưa được bao lâu thì cả đồng bằng sông Cửu Long gặp trận “đại hồng thủy” mà Đồng Tháp là một trong những tỉnh bị nặng nhất. Tôi dẫn đoàn lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ vào chống lũ với bà con. Giữa dòng lũ mênh mông, anh Hai Nghĩa đã lao ca nô dưới mưa to gió lớn dẫn chúng tôi đến thăm bà con đang bồng bế nhau trú trên các tuyến đê vượt lũ. Anh cùng với đoàn cán bộ, ngành đến thăm hỏi, tặng quà từng nhà. Điều lạ là anh mới về chưa bao lâu nhưng thấy bóng anh leo từ ca nô lên bờ đê, nhiều cụ già đã chạy đến ôm lấy anh trong bộ quần áo ướt sũng, nói giọng cảm động: “Hai Nghĩa, Hai Nghĩa đây rồi, Đảng đến cứu dân rồi”. Anh quay lại phía tôi hỏi bà con có biết ai đây không, nhiều người nhìn sững sờ rồi thốt lên: “Tổng Bí thư Đảng Năm Phiêu cũng đến với dân bà con ơi”. Thì ra đây chính là những cơ sở cách mạng đã từng nuôi giấu chúng tôi năm nào. Nhiều đồng chí trong đoàn cứ tấm tắc: “Có sát dân, lăn lộn với dân thì dân mới yêu quý anh Hai Nghĩa, yêu quý Đảng đến vậy”.

Trung ương khóa tiếp theo, đồng chí Trương Vĩnh Trọng được bầu vào Trung ương, Trung ương bầu vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách khối nội chính.

Với cương vị mới, Trung ương lo cho anh nhà mới để đủ điều kiện làm việc nhưng anh cứ lần lữa từ chối, muốn ở ngôi nhà bình thường trong khu tập thể cán bộ Trung ương ở phường Đội Cấn. Dân biết Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ở đây nên nhiều người cứ ngày đêm đứng chờ gặp để đưa đơn khiếu kiện. Đúng ra là phải đến Trụ sở tiếp dân ở số 1 Mai Xuân Thưởng sẽ có đại diện tiếp nhận. Nhưng có hôm trời mưa rét, bà con từ trong Nam ra, từ miền Trung đến, miền núi về cứ ngồi chờ trước cổng nhà anh ở. Nhiều lần đồng chí cảnh vệ ra dẹp, gặp xe Trương Vĩnh Trọng vừa về, anh dừng xe mở cửa mời bà con vào chỗ trú tạm rồi giải thích nhẹ nhàng với bà con. Tôi nghe anh em nói lại, có lần mưa to quá anh nói các đồng chí cảnh vệ nhận đơn cho bà con về kẻo ướt, biết nhiều bà con đi xa, đi lâu ngày hết cả tiền ăn, anh đã lấy tiền túi của mình để giúp đỡ một số bà con ăn tạm mấy bữa. Tôi cũng xúc động nghe nhiều cán bộ cùng tổ dân phố với anh Hai Nghĩa kể có đêm mưa to, gió lớn, anh đang làm việc thì nghe tiếng rao bánh mỳ, anh hé cửa ra gọi cụ già bán bánh hỏi đã sắp hết chưa. Biết giữa đêm khuya trời mưa gió không ai mua cả. Anh Trương Vĩnh Trọng im lặng lấy tiền túi của mình còn mấy chục nghìn mua hết cho ông già và khuyên ông già về nghỉ kẻo cảm lạnh. Hôm sau anh lại mang túi bánh mỳ ra biếu bà con đang mang đơn kiện ngồi trước cửa.

Nhiều lần gặp nhau, anh thường tâm sự nỗi lòng của người phụ trách khu vực khiếu nại, tố cáo. Theo anh, bà con đi khiếu nại, tố cáo không phải ai cũng sai. Có điều, do điều kiện lịch sử mình, chúng ta chưa giải quyết được. Bà con ta không xấu, nếu xấu thì trong chiến đấu làm gì có phong trào “xe chưa qua nhà không tiếc”. Ta phải thấy, vì sao cũng người dân ấy thì nay trong phân phối thiếu một mét họ cũng kiện. Phải chăng chính sách của mình có khi chưa thấu lý đạt tình.

Ngồi tâm sự với anh Hai Nghĩa, tôi nhớ lại có lần tôi được báo cáo anh Trương Vĩnh Trọng lên Bệnh viện Xanh Pôn thăm người đi khiếu kiện lâu ngày nằm ở cổng số l Mai Xuân Thưởng bị ốm nặng. Thì ra là một bà ở khu 4 có tiếng đi kiện “thâm niên”. Anh Hai Nghĩa nghe tin bà bị ốm nặng đang cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn. Hôm sau, anh cùng đồng chí cảnh vệ đến bệnh viện thăm và bỏ tiền túi ra giúp bà cụ đóng viện phí và đề nghị y, bác sĩ bệnh viện làm hết sức để cứu sống bà. Mười ngày sau, tại cổng nhà anh ở phố Đội Cấn có bà cụ ôm bó hoa vào xin gặp anh Hai Nghĩa. Cảnh vệ thấy bà cụ tưởng là vào đưa đơn kiện không cho vào. Bà cụ năn nỉ xin vào và nói trong nước mắt: “Tôi là người đi kiện thật nhưng hôm nay tôi xin vào gặp Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, người cán bộ cao cấp đầy nghĩa tình của Đảng đã cứu sống tôi. Tôi không mang đơn, chỉ có một bó hoa để cám ơn người cứu mạng”.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, anh Hai Nghĩa của chúng ta là vậy đó. Đến nay anh đã nghỉ hưu và người cộng sản trung kiên ấy đã trở về với anh Hai Lúa đồng đất Nam Bộ, với xứ dừa Bến Tre.

Lê Khả Phiêu

Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

(Nguồn: Báo Đồng Khởi)

 
TIN MỚI