Hơn 80 năm tuổi đời, với hơn 60 năm một lòng theo Đảng và Bác Hồ, đồng chí Trần Bạch Đằng đã thể hiện trọn vẹn là một người chiến sĩ cách mạng trung kiên. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn kiên định, lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng. Với tư duy và khả năng phân tích sắc bén trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có những đóng góp tích cực cho công tác lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng bộ thành phố và trong một phạm vi nhất định đến công tác lý luận của Đảng.
Ông Trần Bạch Đằng (ảnh chụp tháng 7-2005) - Ảnh: Tự Trung/ Báo Tuổi Trẻ
Là cán bộ chính trị, đồng chí Trần Bạch Đằng đã thể hiện được tầm tư duy chiến lược. Những suy nghĩ, đề xuất của đồng chí luôn chứa đựng những gợi mở, sắc sảo, mang tính đột phá. Đó chính là bản lĩnh, tính cách Trần Bạch Đằng. Là cán bộ làm công tác tư tưởng, nhà báo, chính luận, đồng chí đã cống hiến những trang viết đặc sắc, về quan điểm, về vai trò lãnh đạo cách mạng và dân tộc của Đảng, những giải pháp trong công tác xây dựng Đảng, trong đối diện và giải quyết những thách thức của một chính đảng cầm quyền như tình trạng quan liêu, tham nhũng, tha hóa của cán bộ…
Đối với Đảng, đồng chí tha thiết với tâm niệm Đảng là “phần hồn của hiện tại của sự nghiệp cứu nước và dựng nước”…“Đảng giữ được vị trí lãnh đạo xã hội xuất phát từ phẩm chất và bản lĩnh của Đảng và đội ngũ đảng viên, bởi lãnh đạo không hề từ một thứ thiên mệnh nào đó”. Đồng chí luôn đau đáu về vai trò của Đảng, về sức mạnh nội sinh của Đảng từ sự tự đổi mới và chỉnh đốn của Đảng và rèn luyện của mỗi đảng viên. “Đổi mới và chỉnh đốn Đảng phải chăng đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn Đảng, toàn dân ta? Đương nhiên phải tiến hành trên nhiều phương diện nhưng trước hết phải từ con người đảng viên. Không phải ngẫu nhiên mà từ khi sáng lập Đảng cho đến khi Bác đi xa, vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân luôn luôn được Bác quan tâm hàng đầu, lại càng nghiêm khắc hơn khi đã có chính quyền”.“Và từng đảng viên – nhìn mình một cách trung thực, có lỗi thì nhận lỗi, thoát ngoài vòng “tục lụy” tiền tài, địa vị, không để vợ con, gia đình quấn chân…Xét cho cùng, chỉnh đốn và củng cố Đảng, bắt đầu từ cái “đơn vị” cơ bản nhất – từng đảng viên – và đây là thách thức lòng trung thành với nghĩa lớn, luôn tinh thần dũng cảm”.
Phòng, chống những sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, trong đó có thái độ kiên quyết đấu tranh với tình trạng tham ô, tham nhũng là một trong những vấn đề đồng chí Trần Bạch Đằng giành nhiều thời gian để suy nghĩ và phản ánh qua nhiều trang viết. Hơn 20 năm trước, đồng chí đã kiến nghị về việc ban hành một đạo luật phòng, chống tham nhũng làm cơ sở pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa và trừng trị quốc nạn này, một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ “Đạo luật chống tham nhũng – Tại sao không? Xin nói thêm: làm cho nhanh trước khi tham nhũng vô hiệu hóa đạo luật chống nó”(bài viết “Luật chống tham nhũng – tại sao không?” tháng 10 năm 1996). Gần 10 năm sau, tháng 11 năm 2005, kiến nghị này của đồng chí Trần Bạch Đằng mới trở thành hiện thực. Điều đó cho thấy sự trăn trở, mẫn cảm với thời cuộc của một bậc cách mạng lão thành, nhất là khi toàn Đảng đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Mỗi Đại hội của Đảng, đồng chí Trần Bạch Đằng đều có những bài viết tâm huyết, vừa phân tích sâu sắc về tình hình đất nước, vừa đề xuất nhiều giải pháp để Đảng thật sự nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy thành tựu, nghiêm khắc với khuyết điểm để xứng đáng là đội tiên phong dẫn dắt dân tộc, đất nước vững vàng đi tới. Đồng chí mong muốn, mỗi đảng viên, tổ chức cơ sở đảng luôn phải dấn thân hành động vì nước, vì dân. Tâm huyết gửi đến Đại hội VIII khi Đại hội kết thúc thành công:“Lên một bậc, phải có một cái gì đó làm bệ, một tiến bộ nhất định, một thành tựu nhất định, một cải thiện nhất định”… “Từ bây giờ, khẩu hiệu của đất nước ta là: Hành động!”. Trước thềm Đại hội IX, Đại hội đưa nước ta bước vào thế kỷ XXI, đồng chí bày tỏ nguyện vọng, đồng thời cũng là sự trăn trở “Đại sự của quốc gia ta đương nhiên rất nhiều, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã, trên chừng mực nào đó, khái quát gần đủ đại sự ấy và đồng bào trong cả nước đang trao đổi, bàn bạc,… Tuy nhiên, song gọi là đại sự chung quy vẫn ở chỗ làm sao thực hiện tốt nhất ba tiêu ngữ của chế độ: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc – nảy sinh từ khi nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh ra đời.”…“Đại hội trước hết là của những đảng viên trong cả nước - riêng cái thiêng liêng đảng viên tiên phong đã buộc những đại biểu dự đại hội phải chứng minh rằng mình xứng đáng là người cầm quyền. Xứng đáng về tài, về dũng khí, về đức - những phẩm chất mà vì đó người dân tin cậy, giao cho quyền chèo lái đất nước. Cầm quyền không hề do “mệnh trời”, mà do trình độ, bản lĩnh, người Cộng sản Việt Nam phải chứng minh - không chỉ chứng minh trong quá khứ đánh giặc giành nước, không chỉ chứng minh trong bước đầu xây dựng bề thế chính trị - kinh tế - xã hội, mà chứng minh được: TƯƠNG LAI LÂU DÀI VẪN LÀ ĐẢNG TIỀN PHONG, CHIẾN SĨ TIỀN PHONG, “Lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ”, như cả đời Hồ Chủ tịch đã thực hiện” - đây là những nhận định thấu đáo về vai trò của Đảng, của đảng viên đối với vận nước nhân Đại hội X – Đại hội mà đồng chí Trần Bạch Đằng lần cuối cùng được bày tỏ những lời tâm huyết.
Đồng chí Trần Bạch Đằng, như hầu hết cán bộ, chiến sĩ miền Nam, luôn giành tình cảm thiêng liêng, cao quý đối với Bác Hồ. Đồng chí yêu quý, kính trọng vị lãnh tụ kính yêu, học tập ở Người và trao truyền lại cho chúng ta tình cảm ấy cùng với giá trị của việc học tập Bác Hồ những tri thức sâu sắc. Theo đồng chí, yêu kính Bác, học tập Bác là phải thực hành, làm theo những gì Bác dạy. “Sẽ rất có ích khi nhắc lại cuộc đời của Bác Hồ, từ Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, qua Nguyễn Ái Quốc, đến Hồ Chí Minh. Đó chính là quãng đời của Việt Nam, của mọi người Việt Nam” . Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ “trao cho chúng ta một nước Việt Nam độc lập, tự do, hơn thế nữa, Người trao cho ta phép lạ để nâng nước Việt Nam độc lập tự do đó lên ngang tầm cỡ trong điều kiện của con người và trên trái đất này” . “Ngày nay, phơi bày trước mắt chúng ta bao nhiêu điều tốt, những điều tốt không tách rời với sự vun bồi của Bác. Đồng thời những điều chưa tốt, thậm chí xấu, kể cả rất xấu cũng không khó thấy – do không làm đúng mong muốn của Bác” . “Trong lịch sử Việt Nam không ai thay thế được Người và cũng không ai xóa được hình ảnh đó của Người trong lịch sử dân tộc và trong lòng dân tộc. Nhưng để bảo vệ được toàn vẹn hình ảnh đó, những người kế tục sự nghiệp của Người phải học được những tư tưởng và phẩm chất của Người và thực hiện cho được Di chúc của Người, tiến hành công cuộc tự phê phán để đổi mới toàn diện, đổi mới tận gốc về phương pháp tư duy cũ, tận gốc rễ cơ chế vật chất và tinh thần trì trệ của xã hội ta hiện nay”. Những ý kiến sâu sắc này còn nguyên giá trị và càng có ý nghĩa sâu sắc trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Trần Bạch Đằng (thứ 2 từ trái sang) tại chiến khu Lộc Ninh năm 1972 - Ảnh: SGGP
Đối với sự nghiệp đổi mới, với tính cách luôn nhạy bén, năng động, sáng tạo, tư duy khoáng đạt, ủng hộ, cổ vũ cho những cái mới, đồng chí đã có nhiều ý kiến quan trọng, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng. Tác phẩm “Đổi mới - Đi lên từ thực tế” tập hợp 112 bài tuyển chọn của đồng chí viết từ năm 1975 đến năm 2000, với 3 phần: Thôi thúc của đổi mới (1975 – 1985), Gian nan những bước đầu (1986 – 1991), Chín năm cho một cuộc hồi sinh (1992 – 2000) là minh chứng sâu sắc cho quá trình đồng chí luôn nhiệt thành đồng hành với sự nghiệp đổi mới, bắt đầu từ những “viên gạch” đầu tiên, đến khi đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Rất nhiều vấn đề của đổi mới, từ yêu cầu thôi thúc, đến quá trình hình thành đường lối và đạt kết quả, trên nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng,… đều được đồng chí nghiên cứu và đúc kết qua những bài viết có giá trị lý luận sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Những bài báo từ “Câu chuyện thứ tư”, “Suy nghĩ cuối tuần” của đồng chí duy trì liên tục từ năm 1994, trên thực tế luôn là những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Đó là vấn đề: sự rập khuôn, phát triển kinh tế chạy theo phong trào trong điều kiện các nguồn lực phát triển eo hẹp, thiếu quy hoạch và tầm nhìn: “Tỉnh này có nhà máy sản xuất bia thì tỉnh kia theo gương. Rồi nhà máy sản xuất thuốc lá, nhà máy đường, nhà máy xi măng, luôn cả cảng – tỉnh kia có cảng nước sâu thì tỉnh mình cũng phải có trong khi những cảng đầu tư tốn kém đó sẽ sản xuất ra cái gì, sẽ nhập cái gì lại lùi lại hàng thứ yếu trong tính toán”…“Rập khuôn là một căn bệnh trầm kha, nó trưng bày bộ mặt quan liêu không phải của cơ chế mà của tư duy”, “Điều đáng nói nằm ở chỗ sử dụng ngân sách chung như thế nào cho phù hợp. Một trụ sở khang trang mà dùng ngân sách của Trung ương là sự lãng phí lớn nhất – lãng phí đồng thời kém phần tự trọng. Nền kinh tế và đời sống tại chỗ không liên quan gì đến vẻ lộng lẫy của một trụ sở.” Đó là đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách hành chính để thật sự là nền hành chính phục vụ “…cải cách hành chính không chỉ là chuyện điều chỉnh thủ tục này hay thủ tục khác, mà chính là gột bỏ não trạng làm quan”, trong đó có cả câu chuyện cải cách tiền lương, cơ sở tạo động lực cho những cải cách khác trong hệ thống công vụ“Đã đến lúc cần phải đặt đồng lương trước ánh sáng của những phân tích toàn diện, nhìn đường dài và có một chính sách tiền lương hoàn chỉnh, dù mức độ chưa phải cao. Giữa của cải xã hội làm ra với sự phân phối nó cho người lao động cần được cân đối, có được cái cân đối này thì sẽ giảm những tai nạn nghiêm trọng”; đến những tác động của môi trường, của biến đổi khí hậu đến đời sống dân sinh và sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long“Thỉnh nguyện cấp thiết của chúng ta là Ủy ban sông Mê Kông hoạt động khẩn trương với những ý kiến đạt độ khoa học cao để cho sông Mê Kông bớt dần hiểm họa đối với cả khu vực rộng lớn”…
Không quá lời khi khẳng định những ý kiến trên của đồng chí Trần Bạch Đằng mang tính dự báo, tiên lượng rất cao.
***
Đồng chí Trần Bạch Đằng gắn bó với Đảng bộ, Nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh hầu như suốt quãng đời cách mạng của mình. “Tôi ở Thành phố những ngày Cách mạng tháng Tám, những ngày kháng chiến đầu tiên. Tôi trở về Thành phố khi Hiệp định Genève ký. Tôi gắn bó với Thành phố dài cho đến Mậu Thân, sau đó nữa.”. Từng lăn lộn với chiến trường và thực tế chiến đấu của Nam bộ, của Sài Gòn – Gia Định từ những ngày đầu; là Bí thư Thành ủy trong giai đoạn cuộc kháng chiến đang hồi khốc liệt, đồng chí là một trong những chứng nhân quan trọng của lịch sử không chỉ của thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn giành cho Sài Gòn – Gia Định – Thành phố mang tên Bác sự quan tâm đặc biệt. Những kiến giải của đồng chí về vùng đất, con người Nam bộ, Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh, từ trong công cuộc đấu tranh giải phóng đến xây dựng đất nước hàn gắn vết thương chiến tranh, công cuộc đổi mới, đến nay có thể nói vẫn còn nguyên giá trị. Với tư duy sâu sắc và cái nhìn toàn diện, đồng chí đã góp phần định hướng phát triển lớn cho thành phố“Thừa kế mối quan hệ tự nhiên và lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò ngày càng cơ động hơn trong quá trình phát triển của khu vực.”, “Tổ quốc cần Thành phố Hồ Chí Minh…Bây giờ, không phải khai phá đất sình lầy, đuổi thú dữ, gieo những mảnh ruộng đầu tiên, che những căn nhà chòi léo lét đóm lửa qua đêm trường, đèn cầu Thủ Thiêm heo hắt giọng hò nhớ làng xóm cũ…, Bây giờ, cũng bắt đầu vậy, mà bắt đầu trận đánh vì công nghiệp hóa, trên dòng thác tới dân giàu, nước mạnh…”. Ngay cả vấn đề gai góc mà thành phố đã và đang nỗ lực tập trung giải quyết như tình trạng ngập nước, cũng từng là trăn trở của đồng chí trong việc tìm kiếm những giải pháp khoa học từ nhiều chục năm về trước: “Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố trên kênh rạch. Tại sao không? Tại sao chỉ nghĩ đến nhà cao tầng, đường bộ? Điểm nút ở đây, chẳng những chống ngập lụt mà còn vì dân giàu, sạch và đẹp…”; kiến trúc đô thị, xây dựng công viên, phát triển mảng xanh đô thị“giữ và thêm những hàng cây bên đường, những luống hoa, những khu công viên, những vòng xoay “bỏ túi” hoa cỏ…trở thành nhiệm vụ quan trọng của thành phố, như xu thế các thành phố trên thế giới”; vấn đề giảm tai nạn giao thông“Thành phố lớn ở ta – Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội – cần gấp rút hình thành nhiều thành phố vệ tinh, quy hoạch các khu dân cư hợp lý, phân tán rộng, từ nơi cư ngụ đến nơi làm việc không xa, không nhất thiết mọi dịch vụ đều gom về một khu trung tâm”; rồi phải làm sao để xây dựng nét thanh lịch của thành phố, nét thanh lịch liên quan đến kiến trúc song chủ yếu là phong thái sống của con người,...
Thực chất đó là những vấn đề mà 7 chương trình đột phá của Đảng bộ thành phố chúng ta đang quyết liệt triển khai vì một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
***
Với tư cách nhà văn, nhà báo, đồng chí để lại những tác phẩm văn học, báo chí thật giá trị, thể hiện tư cách, phẩm giá và trách nhiệm của những người cầm bút. “Hơn lúc nào hết, sự tu dưỡng của người làm công tác văn học phải đặt ra một cách nghiêm chỉnh. Nguồn gốc của sự trì trệ trong văn học bất cứ ở thời kỳ nào là ở chỗ nhà văn còn bước đi chậm rãi (đó là tôi không nói một ít còn thụt lùi nữa) trong khi cả dân tộc lao lên như một trận bão dữ dội”; “Xúc cảm của người văn nghệ sĩ không thể chỉ ở những hình ảnh “thắng như chẻ tre”, “đánh rốc” biểu hiện trong từng lúc. Ngay trong khó khăn, xúc cảm vẫn trong sáng, vẫn thể hiện được thực tế là nhân dân ta chấp nhận khó khăn, nhìn thẳng vào khó khăn, vượt lên khó khăn với bản tính yêu đời, lạc quan, hồ hởi và tin tưởng…Văn nghệ giáo dục và động viên con người bằng tình cảm. Nó thù địch với sự giả tạo và rõ ràng đao to búa lớn trong từ ngữ, trong điệp khúc cũng như sự cường điệu thoát ly thực tế không phải là phương cách tốt nhất”.
Bước vào nghề làm báo khi còn đang là học sinh lớp nhất trường Bến Cá, Biên Hòa những năm 1938 – 1939, năm 1950, đồng chí đã là chủ bút Báo Nhân Dân Miền Nam và Chủ nhiệm Tạp chí Việt Xô (bút hiệu Trương Chí Công) và gắn bó với sự nghiệp báo chí cho đến khi từ giã cõi đời. Đồng chí thường nhắc nhở anh em cầm bút câu nói nổi tiếng của Cụ Nguyễn Đình Chiểu mà đồng chí tâm niệm suốt đời như người học trò nhỏ của thầy đồ mù yêu nước ở xứ Bến Tre: “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Với trách nhiệm là người đảng viên, qua báo chí, đồng chí đã phản ánh dư luận xã hội, những bức xúc của đồng bào đến với Đảng và Nhà nước về từng vụ việc, con người cụ thể, cần có sự can thiệp của luật pháp nghiêm minh.
Đồng chí Trần Bạch Đằng là một người đa tài, bên cạnh những tác phẩm báo chí sắc sảo, giàu tư tưởng chính trị, đồng chí còn để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị bao gồm rất nhiều thể loại. Dưới bút hiệu Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trường Thiên Lý, Trần Quang... đồng chí là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài nổi tiếng, vừa nóng bỏng tính thời sự, sâu sắc về tư duy, vừa có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều tác phẩm của đồng chí đã trở thành hiện tượng văn học đương thời, được chuyển thể thành kịch sân khấu, phim truyện, để lại dấu ấn sâu đậm trong công chúng.
Từng là Trưởng ban Thanh vận Xứ ủy từ năm 1947, Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ từ năm 1950, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng miền Nam từ những năm 1960, đồng chí Trần Bạch Đằng luôn gắn bó sâu sắc với tuổi trẻ miền Nam, với thanh niên Sài Gòn – Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ, đoàn viên, thanh niên thành phố còn nhớ như in những buổi nói chuyện đầy đầy nhiệt huyết của chú Tư Ánh, anh Tư Ánh tại số 4 Duy Tân những năm đầu giải phóng, để phơi phới hòa vào dòng thác cách mạng mới, một lòng dấn thân cho lý tưởng.
Với gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông yêu kính. Trong những trang sách viết về cuộc đời với những hồi tưởng, những ký ức đều thấm đượm những hoài niệm sâu lắng, về hình ảnh gia tộc, tình yêu tha thiết, thủy chung với người bạn đời; tình thương vừa bao la, độ lượng vừa nghiêm khắc với con cháu, để lại một tấm gương mẫu mực về văn hóa ứng xử cho thế hệ sau.
***
Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của đồng chí Trần Bạch Đằng, chúng ta có dịp được ôn lại quãng đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy ắp tình yêu nước nồng nàn của đồng chí để làm tấm gương lớn cho bản thân. Đọc lại những tác phẩm, những bài viết vẫn còn mang tính thời sự của đồng chí, mỗi chúng ta sẽ thấu hiểu thêm về nỗi trăn trở lớn, luôn đau đáu của các thế hệ cách mạng đi trước về vận nước, về vai trò của Đảng, về vai trò và sự phát triển của thành phố thân yêu của chúng ta. Từ đó mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí trong Thành ủy, chính quyền, trong toàn hệ thống chính trị thành phố có dịp soát xét lại mình, đồng thời giúp chúng ta củng cố quyết tâm chính trị, phát huy và kế thừa truyền thống, khắc phục hạn chế, khó khăn, vượt qua thách thức, xắn tay hành động trước bộn bề các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.
Cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân, là phải quyết tâm trở thành những người kế tục xứng đáng, không ngừng làm rạng rỡ sự nghiệp mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng và vun đắp. Đó cũng là những gì mà đồng chí Trần Bạch Đằng đã kiên trì truyền lại cho chúng ta bằng cả cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
ĐINH LA THĂNG (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh)
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.