Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024)

Dòng chảy báo in vẫn miệt mài giữa thời đại số

21/06/2024 - 06:07

PNO - Với sự phát triển của công nghệ, người đọc ngày nay dễ dàng tiếp cận tin tức qua nhiều kênh. Giữa thời đại 4.0, báo in tỏ ra thất thế về nhiều mặt nhưng vẫn là một dòng chảy miệt mài.

Những người “làm báo đêm” lặng lẽ

Tháo dây cột từng bó báo vừa được đưa từ xe tải xuống lúc 23g, anh Huỳnh Minh Bảo Sơn - người phát hành báo đêm của Báo Phụ nữ TPHCM - dùng cảm giác từ ngón tay cái định lượng rồi tách 1 xấp báo ra khỏi bó, xòe 1 đầu ra đếm. Anh bóc mỗi bó 4 lần, lần nào cũng đếm đủ 50 tờ. Chỉ cần vuốt sống lưng xấp báo là anh biết thiếu hay đủ 50 tờ.

Một số quán cà phê ở TPHCM vẫn đều đặn đặt mua báo in Phụ nữ TPHCM cho khách hàng đọc - ẢNH: THIÊN ÂN
Một số quán cà phê ở TPHCM vẫn đều đặn đặt mua báo in Phụ nữ TPHCM cho khách hàng đọc - Ảnh: Thiên Ân

Anh xếp các chồng báo dọc các bậc tam cấp, vừa đếm vừa dò theo danh sách hơn 80 đại lý và đánh dấu cẩn thận. Đếm đủ số lượng, anh lấy ra một tờ giấy nhỏ, nắn nót ghi tên đại lý, số lượng báo giao rồi kẹp vô xấp báo, cột dây kỹ lưỡng.

Cùng làm với anh Sơn còn có anh Lương Đại Quốc Việt - người đã gắn bó với công việc giao báo hơn 10 năm qua. Cả hai cùng có nhiệm vụ phân phối báo đến các đại lý cấp 1 và giao báo đến xe bưu cục để chuyển đi các tỉnh. Xong việc, anh Sơn làm báo cáo số lượng báo thực tế nhận được, số báo đã phân phối và vấn đề phát sinh nếu có. Mỗi ngày ra báo, 2 anh có mặt ở tòa soạn trước 22g45 để đón báo từ nhà in đưa về rời tòa soạn lúc 5g30 sáng hôm sau, khi đã xong việc.

Anh Sơn kể, những năm đầu mới làm nghề, lượng báo phát hành mỗi đêm rất lớn nên đội phát hành lúc nào cũng phải có 5-6 người, mới làm kịp. Lượng phát hành giảm dần theo từng năm và nay chỉ còn 2 người “làm báo đêm” để hỗ trợ nhau, phòng khi có sự cố đột xuất như báo in trễ hơn thường lệ, xưởng in bị lỗi. Anh Sơn gọi công việc của mình là “làm báo đêm” và đã gắn với nó từ năm 1999 đến nay.

“Lúc đó, tôi mới biết, ngành báo chí có một cuộc sống về đêm vô cùng xôm tụ, náo nhiệt ở các tòa soạn. Mỗi đêm, báo về đầy 5 xe tải lớn. Xe máy dồn dập ra vô không có lối đi. Các đại lý chờ lấy báo đông như người ta xếp hàng mua vé xem ca nhạc, bóng đá, còn tòa soạn thì chẳng khác nào chợ đầu mối phân phối mặt hàng duy nhất. Tôi bị ngợp nhưng vẫn cảm nhận điều gì đó hay hay không diễn tả được” - anh Sơn nhớ lại. Sau 25 năm, niềm say mê đó của anh Sơn dường như vẫn còn nguyên vẹn dù lượng phát hành báo in giảm nhiều, kéo theo thu nhập giảm và anh phải làm thêm việc khác vào ban ngày, mới đủ sống. Nhưng anh vẫn tin báo giấy vẫn sẽ tồn tại.

Ôm cua điệu nghệ qua cánh cổng hẹp của tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, bà Võ Thị Lựu (70 tuổi) liên tục rồ ga để khuấy động không gian yên tĩnh lúc 1g khuya. “Bỏ lên, bỏ lên, xấp kia nữa, OK” - bà cố nói lớn để át tiếng máy xe.

Bà Võ Thị Lựu làm đại lý phát hành báo in gần 40 năm và nay vẫn hy vọng còn tiếp tục mang thông tin đến với độc giả trên chiếc xe máy đã gắn bó cũng vài chục năm ẢNH: PHÙNG HUY
Bà Võ Thị Lựu làm đại lý phát hành báo in gần 40 năm và nay vẫn hy vọng còn tiếp tục mang thông tin đến với độc giả trên chiếc xe máy đã gắn bó cũng vài chục năm Ảnh: Phùng Huy

Bà Lựu cho biết, bà làm đại lý báo từ năm 1985. Hồi đó, mỗi ngày, bà phân phối khoảng 10.000 tờ báo, phải thuê 3-4 nhân viên phụ làm. Nay người đọc báo giấy giảm, bà chỉ bán được 600 tờ/ngày nên phải tự mình đi chở báo, giao đến các đại lý nhỏ.

Báo giấy vẫn thu hút độc giả vì thông tin chuyên sâu, chính xác

Khi được hỏi chừng nào dừng hẳn công việc này, bà Lựu đáp ngay: “Khi nào tắt thở”. Như sợ người ta nghĩ mình nói quá, bà phân bua: “Mình làm nghề này quen rồi, lúc nào cũng có báo đọc, mà được đọc trước người ta, lại có đồng vô đồng ra, không khi nào thiếu hụt. Đi làm đêm hôm thì mệt chớ tết báo nghỉ, mình ngồi trong nhà ngóng ra, buồn muốn chết. Giờ giới trẻ coi báo điện tử nhưng người già vẫn yêu tờ báo giấy lắm. Người ta cứ lo vài năm nữa báo giấy “chết” chớ tui không lo. Ngày nào đoàn thể còn thì báo giấy còn. Ngày nào cuộc sống còn có bất công thì người ta vẫn còn tìm đến tờ báo”.

Ông Tô Văn Thu vẫn duy trì sạp báo ở ngã tư Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo bởi công việc này không chỉ giúp ông “sống được” mà còn mang lại niềm vui cho vợ chồng ông ở tuổi xế chiều - ẢNH: THU LÊ
Ông Tô Văn Thu vẫn duy trì sạp báo ở ngã tư Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo bởi công việc này không chỉ giúp ông “sống được” mà còn mang lại niềm vui cho vợ chồng ông ở tuổi xế chiều - Ảnh: Thu Lê

Những ngày này, cứ vài phút, lại có khách ghé sạp báo của ông bà Tô Văn Thu và Đinh Thị Nga ở góc ngã tư đường Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo hỏi mua báo giấy, nhiều nhất là tờ Bóng Đá.

Trước đây, trên đoạn đường chỉ chừng 10m từ ngã tư đến sạp của bà, có đến 3 sạp báo, sáng nào cũng rôm rả khách. Theo thời gian, số người mua báo giấy thưa vắng dần, các sạp báo không thể trụ nổi. Vợ chồng bà cũng nhiều lần nghĩ đến việc chuyển đổi nghề, nhưng nghĩ đến những bạn đọc mỗi sáng vẫn ghé lấy báo, dừng lại chuyện trò, bàn về những thông tin nóng hổi báo vừa đăng tải, bà cảm thấy nếu không bán báo nữa, tuổi xế chiều của đôi vợ chồng già không còn nhiều niềm vui.

Sạp báo này đã đi cùng vợ chồng bà Nga từ ngày họ mới cưới nhau, đến nay được 29 năm. Khi được hỏi về mong muốn với nghề, bà nói: “Sạp báo không giúp tụi tôi khá giả nhưng cũng sống được, đủ ăn qua ngày. Mong mỗi ngày, bạn đọc vẫn ghé qua, không bỏ quên mình, vậy là đủ rồi”.

Ông Nguyễn Hoàng Lên - Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế - cho biết, mấy chục năm qua, ông vẫn giữ thói quen đọc báo giấy vào mỗi sáng sớm, trước giờ làm việc. Đây là một “kênh” chính thống để ông tiếp cận thông tin về ngành y tế cũng như các lĩnh vực khác. “Mặc dù hiện nay công nghệ thông tin rất phát triển, người dân có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng qua mạng xã hội và báo điện tử. Tuy nhiên, tôi vẫn thích đọc báo in vì các thông tin mang tính chuyên sâu. Mặt khác, dưới góc độ là độc giả, tôi thấy thông tin trên báo in có độ tin cậy hơn trên mạng xã hội hay báo mạng” - ông chia sẻ.

Ông cũng mong rằng sắp tới Báo Phụ nữ TPHCM và các tòa soạn báo in sẽ nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, phát triển thêm nhiều kênh tương tác với độc giả. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục phát triển báo in theo hướng cung cấp thông tin chuyên sâu cho độc giả. Bởi vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân là độc giả trung thành của báo in.

Là một độc giả lâu năm của Báo Phụ nữ TPHCM đến dự tọa đàm “Hiệu quả mô hình Điểm đọc báo hội” năm 2024 do Hội LHPN quận 11 tổ chức, bà Hoàng Thị Loan (ngụ quận 8) tin tưởng rằng, Báo Phụ nữ TPHCM vẫn tồn tại và phát triển vì còn người cần đọc và còn những người vẫn đang cố gắng đi giới thiệu báo.

Bà chia sẻ thêm: “Hiện nay, chỉ cần lướt điện thoại, chúng ta vô tình, hoặc có thể là chủ động tìm kiếm các tin “nóng” hoặc thông tin tiêu cực. Tôi luôn tìm cách ẩn những thông tin đó đi vì cảm giác độ tin cậy không cao. Tôi muốn tìm đọc những thông tin tích cực ở những tờ báo giấy. Mong rằng Báo Phụ nữ TPHCM sẽ có thêm nhiều bài viết mang tính tích cực để lan tỏa nguồn năng lượng tốt đến với nhiều người”.

Theo anh Huỳnh Minh Bảo Sơn, phần đông người đọc bây giờ tiếp cận tin tức thông qua máy tính bảng, điện thoại thông minh nhưng báo in vẫn tồn tại bởi nó chứa đựng nét văn hóa riêng, nhiều người đọc báo giấy như là cách để giữ lại những ký ức đẹp.

Thu Lê

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI