Đồng bộ hạ tầng để hoạt động hiệu quả

31/10/2024 - 06:12

PNO - Cách đây nhiều năm, tôi đến trụ sở UBND một phường ở TPHCM để đăng ký kết hôn và được yêu cầu phải quay về tổ dân phố để xác nhận tình trạng hôn nhân.

Tôi hỏi người tiếp dân: “Tình trạng hôn nhân của mỗi người đã được lưu trữ, sao phải về tổ dân phố xác nhận?”. Người này trả lời: “Làm gì có lưu trữ việc này. Anh không xác nhận thì làm sao biết anh đã lập gia đình hay chưa”. Nhiều năm sau, tôi nghĩ với việc triển khai mô hình “một cửa” và đẩy mạnh chuyển đổi số, những việc như trên sẽ được giải quyết triệt để. Nào ngờ, gần đây, tôi vẫn nghe nhiều người than phiền thủ tục đăng ký kết hôn.

Mới đây, để giải quyết thủ tục hành chính, tôi phải phô tô căn cước công dân, chờ cả giờ ở trụ sở UBND phường để được công chứng bản sao, dù việc này là không cần thiết bởi các cơ quan có thể quét mã, tra cứu thông tin cá nhân của tôi dựa vào bản phô tô căn cước công dân.

Chính vì vậy, khi nghe thông tin chính quyền TPHCM thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM, tôi kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực. Về mặt pháp lý, trung tâm là cơ quan hành chính thuộc UBND TPHCM, tương đương cấp sở, có địa chỉ 86 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1. Trung tâm vận hành trên cơ sở kết nối thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

TPHCM hiện có 352 bộ phận “một cửa”, gồm 18 cấp sở, 22 cấp huyện và 312 cấp xã, tổng nhân sự tính đến tháng 8/2024 là 2.558 công chức, viên chức. Bộ phận “một cửa” cấp sở được bố trí 15-17 người, cấp huyện từ 10-12 người, cấp xã từ 6-7 người. Trung tâm phục vụ hành chính công giữ vai trò điều phối chung, có thể khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình “một cửa” truyền thống, giải quyết tình trạng ách tắc hồ sơ.

Với việc nộp hồ sơ không phụ thuộc địa giới hành chính, Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM hứa hẹn sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí khi làm thủ tục hành chính bởi trung tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia và TPHCM. Trung tâm cũng công khai thủ tục, tiến độ giải quyết thủ tục, giải đáp nhanh thắc mắc của công dân, tổ chức.

Để trung tâm hoạt động có hiệu quả ngay từ đầu, UBND TPHCM cần tập trung giải quyết các vấn đề về thể chế, hạ tầng và nhân sự. Ở khía cạnh thể chế, cần xây dựng, ban hành các quy định sát với thực tế, giúp người dân hiểu và thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh gọn. Về hạ tầng, cần trang bị đầy đủ thiết bị để đường truyền ổn định, nhanh, liên kết thông suốt giữa trung tâm với các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã trong việc tiếp nhận, số hóa, xử lý, trả kết quả giải quyết hồ sơ cho người dân. Cần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cao, đảm bảo an ninh mạng để người dân yên tâm khi làm hồ sơ trực tuyến. Về nhân sự, cần có đội ngũ cán bộ, viên chức giàu tinh thần kỷ luật, trách nhiệm và có chuyên môn cao, nhanh nhạy, đủ khả năng thích ứng với quy trình làm việc mới.

Ngoài ra, chính quyền TPHCM cần có giải pháp tuyên truyền, phổ biến cho đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp về lợi ích của mô hình trung tâm phục vụ hành chính công để có sự đồng thuận, hợp tác, tiếp sức rộng khắp. Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt và giám sát thường xuyên để mô hình nhanh chóng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn.

Phạm Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI