"Dòng biên viễn": Gặp lại "người đàn bà của "Thung Lam"

14/01/2022 - 07:01

PNO - "Thung Lam" - tác phẩm được trao giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn trên báo Văn nghệ 2007 - là một dấu ấn sâu sắc về nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài. Chị vừa trở lại với tiểu thuyết lịch sử "Dòng biên viễn".

1. Tôi được Hồ Thị Ngọc Hoài tin cậy chuyển cho xem vài lần bản thảo tiểu thuyết Dòng biên viễn. Tác phẩm này được chị bổ sung, hoàn chỉnh trong đợt tham gia trại viết của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân vào tháng 10/2019. Thực lòng mà nói, trong hàng chục năm làm nghề biên tập sách, chưa khi nào tôi được cầm trên tay một tập bản thảo đặc sắc như thế. 

Sử sách ghi chép sự kiện mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn cử Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược sứ: “Lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Nhưng với Dòng biên viễn, Hồ Thị Ngọc Hoài không dựng lại sự kiện lịch sử đã có nhiều cây bút cày xới, mà lẩy ra một lát cắt ngang của ông Chưởng trong cuộc nam chinh lần thứ hai: đi Nam Vang, Chân Lạp để trấn yên, dẹp loạn…

Trên đường về, chẳng may ông bị ngã bệnh tại cù lao Cây Sao. Từ đó, câu chuyện khơi lại quá khứ dòng tộc, đan xen với nhiều mối quan hệ của vị thiên tướng. Hồ Thị Ngọc Hoài cho biết chị đã trăn trở rất nhiều, nghĩ cách để tái hiện nhân vật và thời đại. Dám chọn đoản khúc bi ai là cả một thử thách không hề nhỏ đối với người cầm bút, điều ấy thể hiện bản lĩnh cũng như nội lực sung mãn và thâm hậu của tác giả. 

Tác phẩm Dòng biên viễn
Tác phẩm Dòng biên viễn

Bị cuốn vào mạch văn, càng đọc tôi càng ngạc nhiên đến thú vị, bởi tác giả vừa mới chân ướt chân ráo tới vùng đất phương Nam ngập tràn nắng gió này chưa lâu, vậy mà chị đã kịp tiếp cận và biết cách “tiêu hóa” tư liệu rất nhuần nhuyễn, thuần thục. Trong một không gian khá rộng, Hồ Thị Ngọc Hoài vẫn dựng được một không khí truyện với ngôn ngữ được chọn lọc trau chuốt, rất hoạt, nó vừa cổ kính lại vừa rất hiện đại. Điều quan trọng là tác giả đã gửi gắm vào tiểu thuyết cả một tầm tư tưởng về “đạo làm tướng”, về sự an dân… Những trang viết của Hồ Thị Ngọc Hoài đậm chất điện ảnh. Dù số lượng nhân vật trong Dòng biên viễn không nhiều, nhưng diễn tiến tâm lý rất hợp lý, huyền ảo và đẹp. 

2. Xin được gọi nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài với nghệ danh: “Người đàn bà của Thung Lam”. Với vẻ ngoài hơi nhút nhát, dường như xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu, chị cũng có ý thu mình lại, lặng lẽ quan sát và chiêm nghiệm. Và không hiểu sao, tôi cứ trộm nghĩ đây là một phẩm chất riêng biệt của người viết văn xuôi chính hiệu.

Người con gái của đất Quỳnh Lưu, xứ Nghệ đến với văn chương khá tình cờ. Và truyện ngắn đầu tay của chị xuất hiện trên báo Tiền phong vào năm chị tròn 19 tuổi, như là một dấu mốc tươi mới trong quãng đầu son trẻ của mỗi người cầm bút. Nhưng chỉ sau vài cái truyện thật hồn nhiên, trong trẻo với bút danh Hoài Ngọc chưa kịp ghim vào trí nhớ của bạn đọc, thì đột ngột chị dừng bút. 

Tiểu thuyết Dòng biên viễn của nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Tác phẩm đã được chị khởi viết từ cuối năm 2018. Câu chuyện ban đầu xoay quanh năm ngày cuối đời của Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, sau đó được nhà văn bổ sung, viết thêm hai ngày trở về trên sông nước của nhân vật.

“Sử liệu về Nguyễn Hữu Cảnh rất ít, khi viết tác phẩm này, tôi đã đọc thêm rất nhiều tư liệu về văn hóa, đất nước, con người. Thời mở cõi, mọi thứ còn là một vùng trắng, rất khó có cứ liệu gì để viết thêm, tôi phải dùng độc thoại nội tâm để sống với dòng ký ức của nhân vật, của quá khứ lịch sử cha ông mà nhân vật được tiếp nhận” - nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài chia sẻ. 

Văn nhân thời nào cũng vậy, chẳng mấy ai có được một cuộc đời “thuận buồm xuôi gió” cả. Có điều, đôi khi chính những trắc trở, gian truân lại giống như “vết thương” trên thân cây dó bầu giữa đại ngàn, nhờ đó mà tạo nên được trầm kỳ dâng hiến cho đời. Trải nhiều nghề, từ làm thợ may đến buôn bán hàng, chị vẫn khôn nguôi nhớ giảng đường và thèm khát được đọc những trang sách văn chương.

Hồ Thị Ngọc Hoài kể, chị học hành thi cử trầy trật, đến lúc lập gia đình, có con rồi, phải vượt qua nhiều cửa ải, chị mới được tiếp tục nghiệp đèn sách đi thi và học xong đại học. Cho mãi tới khi bước qua ngưỡng “tam thập”, trở thành cô giáo dạy văn trường THPT ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), một vùng núi heo hút, tranh thủ dịp hè, có chút thời gian rảnh rỗi, Hoài trở lại cầm bút. 

Vốn là một người nhạy cảm, dễ buồn, hay nghĩ ngợi và ít nói, chị hay lo sợ, sợ làm người khác buồn, và nhất là sợ người khác làm mình buồn. Với nhiều nỗi niềm tâm cảm, Hoài thấy cô đơn và muốn viết, thế nên việc những truyện ngắn nối tiếp nhau ra đời, như một nhu cầu nội tại, và là ý thích tự nhiên chứ không hề toan tính. Tới khi Thung Lam đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ, cũng chính là dấu mốc mà Hồ Thị Ngọc Hoài đường hoàng gia nhập làng văn.

Nhận xét về truyện ngắn này, một nhà phê bình viết: “Thung Lam đầy chất thơ. Một chất thơ từ giọng văn nhiều cảm xúc, từ vẻ đẹp của thung Lam như nguồn cội tinh thần, như điểm tựa cuộc sống, từ nỗi niềm buồn thương tiếc nuối những giá trị truyền thống đang có phần phai nhạt, xói mòn trong cuộc sống hiện đại. Truyện viết nhẹ nhàng, day dứt và bảng lảng”.

Đến giờ, trong tay nữ tác giả đã có chút lưng vốn, đó là tập truyện ngắn Đi đến đó và tập thơ Lễ hội này. Dòng biên viễn là tác phẩm thứ ba của chị. Hồ Thị Ngọc Hoài cứ lặng lẽ, miệt mài viết, chậm rãi, kỹ lưỡng đến tỉ mẩn, cứ thế chị mở rộng biên độ của ngòi bút.

Nguyễn Minh Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI