Đồng bào các dân tộc thiểu số TPHCM chung tay xây dựng thành phố nghĩa tình

21/02/2024 - 18:21

PNO - Chiều 21/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức buổi họp mặt đồng bào tiêu biểu các dân tộc thiểu số mừng xuân Giáp Thìn 2024.

Đây là hoạt động thường niên nhằm ghi nhận những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ để phát huy vai trò tích cực trong xây dựng thành phố.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu được nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của TPHCM năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Lãnh đạo thành phố cũng thông tin về những chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu buổi họp mặt đồng bào tiêu biểu các dân tộc thiểu số mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 - Ảnh: Quốc Ngọc
Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu tại buổi họp mặt - Ảnh: Quốc Ngọc

Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Bà cũng mong muốn các đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Thay mặt bà con dân tộc Chăm, ông Res A Bidine - Trưởng Ban quản trị thánh đường Mubarak - cho biết đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều từ các ban, ngành đoàn thể các cấp của thành phố. Trong đó có hỗ trợ an sinh xã hội, xây nhà tình thương, cấp học bổng cho học sinh.

“Sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo thành phố và các suất học bổng đã chắp cánh ước mơ cho nhiều con em dân tộc Chăm chúng tôi. Có một số em học ngành y, làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Một số em học cao học và đặc biệt có em là giáo viên đang giảng dạy tại các trường. Đây là điều mà trước đây chúng tôi không bao giờ dám mơ ước” - ông nói.

Ông Hứa Sa Ni - Phó trưởng khoa Văn hóa dân tộc Trường đại học Văn hóa TPHCM - trân trọng nhiều hoạt động bảo đảm công tác chăm lo an sinh xã hội, đời sống vật chất, đồng thời quan tâm đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó có dân tộc Khmer.

“Lần đầu tiên, lễ hội đua ghe ngo quận 3 của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hàng chục ngàn người dân đã theo dõi, ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình trên suốt chặng đường đua. Ngoài đua ghe ngo còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số tại TPHCM với các món ăn truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, Chăm, Tày... để phục vụ khách tham quan lễ hội” - ông nói.

Ông Vương Bái Xuyên - nguyên Chánh văn phòng Ban Bảo trợ Trung tâm Hoa văn Khải Tú - cho biết, đồng bào dân tộc Hoa ở thành phố luôn đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống cách mạng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, tích cực hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố.

Theo ông, các doanh nghiệp Hoa kiều tại thành phố chiếm tỉ lệ khoảng 30%. Họ đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho phát triển kinh tế của thành phố. Đồng thời là cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với thế giới. Hoạt động kinh tế của đồng bào dân tộc Hoa khá năng động, đã đóng góp một phần đáng kể vào mức độ tăng trưởng kinh tế của thành phố, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động.

Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố đã trao tặng 200 đại biểu tham dự mỗi người một phần quà trị giá 500.000 đồng. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI