Đồng bằng sông Cửu Long tìm cách "biến" 3.000 sản phẩm OCOP ra tiền

03/10/2024 - 18:11

PNO - Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có gần 3.000 sản phẩm OCOP của 1.521 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Chiều 3/10, tại Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm đặc trưng) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hệ thống thương mại năm 2024.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh Phú Hữu
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Phú Hữu

Hiện nay, các tỉnh vùng ĐBSCL có gần 3.000 sản phẩm OCOP của 1.521 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với các vùng nguyên liệu tập trung như trái cây, thủy sản, lúa gạo…

Ông Ngô Trường Sơn - Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương - cho biết, diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL là không gian kết nối, giao lưu, chia sẻ và hợp tác trong sản xuất, quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL, để người tiêu dùng có thể tiếp cận, trải nghiệm sản phẩm OCOP. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, cả về số lượng và chất lượng.

Sản phẩm nước mắm Phú Quốc tham gia diễn đàn kết nối giao thương sản phẩm OCOP - Ảnh Phú Hữu
Sản phẩm nước mắm Phú Quốc tham gia diễn đàn kết nối giao thương sản phẩm OCOP - Ảnh: Phú Hữu

Tuy nhiên, sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL vẫn tồn tại những hạn chế là chưa quan tâm đúng mức đến các sản phẩm đặc sắc chủ lực của vùng, quy mô sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế, tính liên kết yếu, một số sản phẩm bao bì, nhãn mác có tiến bộ nhưng còn đơn giản, đóng gói bao bì chưa bắt kịp xu thế của người tiêu dùng, tư duy về xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Ông Tạ Minh Sơn - Tổng giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) - cho rằng, các chủ thể sản xuất nên tập trung vào việc thiết kế bao bì sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm địa phương để thu hút người tiêu dùng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chứng từ để thuận lợi hơn trong quá trình kinh doanh. Khai thác các đặc trưng văn hóa, địa lý trong phát triển sản phẩm để tạo ra giá trị khác biệt.

Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới đây cần chú ý đến quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường; các doanh nghiệp chú ý sự kết nối các đơn vị cung cấp. Đặc biệt là chú ý vào chất lượng sản phẩm, đồng thời phối hợp cùng nhau để tạo thành sức mạnh kết nối sản phẩm. Tăng cường nỗ lực tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI