Đồng bằng sông Cửu Long: Tái định cư dang dở, dân vùng sạt lở sống phập phồng

26/10/2024 - 05:57

PNO - Miền Tây Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa sạt lở, gây nguy cơ mất nhà, mất tài sản cho hàng ngàn hộ sống ven biển, ven sông, ven kênh rạch… Tuy nhiên, việc tái định cư cho các hộ này vẫn là điều nan giải do các địa phương thiếu tiền, thiếu đất, thiếu đồng bộ hạ tầng.

Muốn chạy lở nhưng không biết đi đâu

Cuối tháng 10/2024, chúng tôi tìm đến ấp 1, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau - nơi xảy ra hàng chục vụ sạt lở uy hiếp tính mạng người dân. Ông Trương Thanh Hùng - 62 tuổi, ở ấp 1 - cho biết, người dân ở đây luôn sống trong nỗi lo sạt lở bờ sông Năm Căn. Do sạt lở liên miên, một số hộ đã dời nhà đi nơi khác sống, nhưng có người vẫn phải ở lại để tiếp tục mưu sinh bằng nghề sông nước.

“Gia đình tôi ở đây đã mấy chục năm, sống bằng nghề khai thác thủy sản. Năm nào, bờ sông cũng sạt lở, lấn vào bờ vài mét nên tụi tui phải lùi nhà vào trong. Tụi tui cũng muốn được di dời tới nơi ở khác ổn định hơn, nhưng không có đất, không tiền mua nền nhà, không tiền xây nhà nên đành bám trụ nơi nguy hiểm này” - ông Hùng nói.

Người dân ở tỉnh Cà Mau làm kè để chống sạt lở đê biển ẢNH: HUỲNH LỢI
Người dân ở tỉnh Cà Mau làm kè để chống sạt lở đê biển - Ảnh: Huỳnh Lợi

Cách xã Hàng Vịnh gần 8km là khóm 3, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn - nơi nhiều lần xảy ra sạt lở bờ sông Kênh Tắc. Ông Phạm Quang Vinh - 76 tuổi, ở thị trấn Năm Căn - kể, lúc trước, sông này chỉ rộng hơn 10m nhưng nay rộng cả trăm mét do sạt lở.

Đã có hàng chục căn nhà bị trôi xuống sông, trường học cũng bị đe dọa khiến chính quyền phải xây trường nơi khác cho an toàn. Người dân không có tiền mua đất nơi khác nên đành phải sống bám bờ sông, buôn bán nhỏ hoặc làm thuê, kiếm sống qua ngày.

Ông Trần Đoàn Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn - cho hay, mỗi khi đến mùa mưa, chính quyền địa phương chủ động gia cố đê sông, nhưng sạt lở vẫn xảy ra nghiêm trọng ở một số vị trí mà chính quyền địa phương không có khả năng tài chính để ngăn ngừa, khắc phục.

UBND huyện đã nhiều lần trình UBND tỉnh các phương án tái định cư, hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới, nhưng do thiếu kinh phí và quỹ đất để tái định cư nên vẫn còn hàng chục ngàn hộ sống trong cảnh thiếu an toàn.

Hồi đầu mùa mưa, ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang liên tiếp xảy ra sụt lún, sạt lở, làm sập khoảng 80 căn nhà, hư hỏng hàng chục km đường dân sinh. Ở tỉnh Đồng Tháp, sạt lở diễn ra trên diện rộng khiến nhiều hộ dân bị mất nhà, mất đất.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền ở phường 11, TP Cao Lãnh trên đoạn bờ dài 130m, với 23 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm. Tỉnh Hậu Giang gần đây cũng trở thành “điểm nóng” sạt lở khiến nhiều hộ mất nhà.

Theo UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, khoảng hơn 1 năm nay, riêng ở xã Tân Long đã xảy ra 3 vụ sạt lở kênh Nàng Mau, làm 7 căn nhà bị cuốn trôi, khoảng 120 hộ phải dỡ nhà đi nơi khác sống, còn gần 90 hộ ở trong vùng sạt lở nhưng chưa có khả năng di dời nhà.

Khu tái định cư Sào Lưới ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chưa có dân vào ở do hạ tầng chưa hoàn thiện - ẢNH: HUỲNH LỢI
Khu tái định cư Sào Lưới ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chưa có dân vào ở do hạ tầng chưa hoàn thiện - Ảnh: Huỳnh Lợi

Chưa thể di dời hết dân khỏi nơi nguy hiểm

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng là do đập thủy điện ở đầu nguồn sông Mê Kông quá nhiều khiến lượng phù sa đổ về vùng đồng bằng sông Cửu Long quá ít.

Việc khai thác cát tràn lan, xây dựng đê bao, đường cặp tuyến sông và kênh kết hợp với tình trạng nước biển dâng đã làm thay đổi dòng chảy các sông, cũng góp phần làm tăng số vụ sạt lở. Cùng với việc phòng, chống sạt lở, nhiệm vụ cấp bách là di dời dân đến nơi an toàn.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho hay, năm 2024, tỉnh được Chính phủ phân bổ 200 tỉ đồng để xử lý sạt lở bờ sông Lái Hiếu (TP Ngã Bảy) và bờ kênh Nàng Mau (xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp).

Người dân xóm biển Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sinh sống trong căn nhà xập xệ, chờ được tái định cư - ẢNH: HUỲNH LỢI
Người dân xóm biển Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sinh sống trong căn nhà xập xệ, chờ được tái định cư - Ảnh: Huỳnh Lợi

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương di dời dân để sớm hoàn thành 2 dự án gia cố bờ sông, bờ kênh, khẩn trương hoàn thiện khu tái định cư ở xã Tân Long với 59 nền để di dời dân vùng sạt lở đến ở. Trước đó, năm 2023, UBND tỉnh cũng được Chính phủ hỗ trợ 400 tỉ đồng làm kè chống sạt lở bờ sông Cái Côn (huyện Châu Thành) dài 3.748m.

Theo thống kê của UBND tỉnh An Giang, trước năm 2002, toàn tỉnh có 25 đoạn bờ sông được cảnh báo sạt lở thì nay tăng lên 53 đoạn, với chiều dài hơn 171km, ảnh hưởng tới 20.000 hộ dân, trong đó hơn 5.300 hộ cần di dời khẩn cấp.

UBND tỉnh đã thực hiện 14 dự án xây kè chống sạt lở, kinh phí 4.463 tỉ đồng, làm hạ tầng 3 tuyến dân cư với kinh phí 941 tỉ đồng để làm nơi ở mới cho dân vùng bị sạt lở. Do kinh phí hạn chế, UBND tỉnh chưa thể di dời hết số hộ trong vùng nguy hiểm.

UBND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho hay, có gần 2.000 hộ dân sống ở nơi có nguy cơ sạt lở cao. UBND huyện đã vận động, hỗ trợ di dời được gần 300 hộ đến nơi an toàn. Tuy nhiên, các hộ còn lại chưa chịu dời khỏi khu vực nguy hiểm do điều kiện kinh tế chưa cho phép hoặc do chỉ thích sống ven sông.

Người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phải dời nhà khi bờ sông sạt lở đến mấp mé nền nhà - ẢNH: HUỲNH LỢI
Người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phải dời nhà khi bờ sông sạt lở đến mấp mé nền nhà - Ảnh: Huỳnh Lợi

UBND huyện Năm Căn đã xây dựng khu tái định cư 27,72ha, kinh phí 217 tỉ đồng cho 400 hộ diện giải tỏa, di dời và công nhân của khu kinh tế. Còn ở huyện U Minh Thượng - nơi có hàng trăm điểm sạt lở - hiện vẫn chưa bố trí được khu tái định cư do thiếu kinh phí xây dựng và quỹ đất.

Toàn tỉnh Cà Mau đang thực hiện 10 dự án xây khu tái định cư, với 4.963 nền, trong đó đã bố trí nền cho khoảng 1.891 hộ, còn 3.072 nền chưa bố trí được do thiếu hạ tầng điện, nước. Cá biệt, khu tái định cư ở thị trấn Năm Căn đã hoàn thiện hạ tầng nhưng dân không chịu vào ở do địa điểm không thuận lợi.

UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ khoảng 350 tỉ đồng để xây 7 khu tái định cư cho 1.387 hộ ở vùng bị sạt lở.

Khẩn trương trồng rừng, xây kè ngăn sóng biển

Ở miền Tây Nam Bộ, sạt lở không chỉ xảy ra ở bờ sông, bờ kênh mà còn xảy ra dọc bờ biển, đe dọa tính mạng và tài sản hàng ngàn hộ dân.

Ông Phạm Việt Hùng - 50 tuổi, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho biết, cứ mỗi khi vào mùa gió nam là những cơn sóng dữ lại thay nhau đánh vào đê biển. Hiện đang có hàng chục đoạn đê biển ở ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây Bắc bị sạt lở nghiêm trọng khiến một số hộ không còn đất canh tác, không có việc làm ổn định.

Tại vàm Kim Quy, xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, hàng trăm hộ dân đang ngày đêm phập phồng lo vỡ đê biển Tây. Có nhà nằm cách đê biển chưa tới 10m, bà Phan Thị Đẹp cho hay, rất nhiều lần, sóng biển cao 2-3m ập vào làm nhà rung rinh. Sóng mạnh thường đánh theo đợt, kéo dài khoảng 1 giờ mới ngưng.

Ông Nguyễn Văn Linh kể: “Mấy năm trước, đê biển bị sóng đánh sạt lở một đoạn dài 30m, biến khoảng 500ha đất nông nghiệp thành đất hoang. Căn nhà của tôi bị sóng đánh sập mấy lần, phải dựng lùi vào trong. Nếu sóng đánh vỡ đê, chúng tôi sẽ trắng tay”.

Ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, đoạn đê biển dài 474m đang bị sạt lở và có nguy cơsạt lở thêm. Mỗi khi thủy triều dâng cao và gió mạnh, sóng biển tràn qua đê, chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 860 hộ dân.

Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu - do rừng phòng hộ bị mất hoàn toàn nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê, gây sạt lở nghiêm trọng. Những ngày tới, triều cường dâng cao kết hợp với sóng to sẽ tiếp tục gây sạt lở dữ dội hơn.

UBND tỉnh Bạc Liêu đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển ở xã Vĩnh Trạch Đông, giao sở kiểm tra, khoanh vùng khu vực sạt lở, thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo, huy động lực lượng và phương tiện để xử lý khẩn cấp để chống sạt lở đê.

Ông Nguyễn Văn Tư - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết, đã triển khai xây kè chống xâm thực, xói lở bờ biển ở các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất với tổng chiều dài 22km, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024. Kè chắn sóng hoàn thành sẽ góp phần hạn chế sạt lở ở biển Tây.

Hiện các đơn vị thi công phải huy động tối đa nhân công, phương tiện, tăng ca để hoàn thành công trình đúng tiến độ.

Tháng 8/2024, Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký thỏa ước về dự án “Xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến kênh Năm và kè phòng chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp”.

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) viện trợ không hoàn lại 3,76 triệu euro, phía AFD cho vay hơn 19 triệu euro, UBND tỉnh Cà Mau chi khoảng 9 triệu euro vốn đối ứng.

Dự án được triển khai từ nay đến năm 2028 nhằm 3 mục tiêu: một là ngăn chặn xói lở bờ biển thông qua việc xây 11km kè chắn sóng, phục hồi 2.000ha rừng ngập mặn ven biển, nâng cao độ an toàn của hệ thống đê biển và bảo vệ 15.000ha đất nội đồng ở các huyện Phú Tân và Trần Văn Thời; hai là xây dựng 19km đê biển Tây và tạo tuyến giao thông ven biển nối thị trấn Cái Đôi Vàm với kênh Năm; ba là xây dựng chiến lược quản lý tích hợp vùng bờ biển, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho dân tại 5 xã ven biển huyện Phú Tân và Trần Văn Thời.

Phú Hữu - Văn Phước

Phú Hữu - Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI