Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển hạ tầng khó khăn vì thiếu cát

31/10/2022 - 06:27

PNO - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi được xem là vựa cát xây dựng của cả nước - đang thiếu cát cho nhu cầu phát triển hạ tầng. Thậm chí, việc xây dựng đường cao tốc ở khu vực này cũng bị chững lại do thiếu cát.

Công trình trọng điểm chờ cát

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ - tình trạng khan hiếm cát san lấp mặt bằng xuất hiện từ đầu năm 2022 và kéo dài tới nay. Các đơn vị liên quan đã nhờ UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ nguồn cát để làm đường cao tốc nhưng lượng cát chỉ đáp ứng được 1/3, 1/4 nhu cầu. Ông Phạm Đức Trình - Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nói: “Có thời điểm, mỗi ngày, chúng tôi cần từ 3.000 - 4.000m3 trở lên nhưng các mỏ cát ở tỉnh An Giang chỉ cung cấp được hơn 1.000m3”.

Sà lan chờ bơm cát ở khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang ẢNH: NGUYỄN QUỐC
Sà lan chờ bơm cát ở khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - Ảnh: Nguyễn Quốc

Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, những năm tới, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần khoảng 39 triệu m3 cát để phục vụ bốn dự án xây dựng đường cao tốc. Trong đó, đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề cần 17,8 triệu m3, đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cần 1,3 triệu m3, đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh cần 1,4 triệu m3. Ngoài đường cao tốc, các tỉnh vùng này còn có nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông cần lượng cát lớn. Tình trạng khan hiếm cát đang gây trở ngại cho các dự án trọng điểm.

Mới đây, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng. UBND tỉnh này đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác cát ở sông Hậu nhưng tổng trữ lượng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh và các dự án trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh. Nguồn cát biển ở tỉnh này có trữ lượng khoảng 13,9 tỷ m3 nhưng đến nay, UBND tỉnh chưa lập quy hoạch, chưa có kế hoạch khai thác nguồn vật liệu này.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng cho phép đơn vị tư vấn tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng và chất lượng cát biển. Nếu được, ban sẽ khai thác khoảng 3.000m3 cát biển về thi công thử nghiệm nhằm đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật, sau đó sẽ báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải.

Các công trình dân dụng ở vùng ĐBSCL cũng đang thiếu cát. Ông Đặng Văn Bình - nhà thầu san lấp mặt bằng cho các công trình giao thông, trụ sở, nhà dân ở tỉnh Đồng Tháp - than, mấy tháng nay, giá cát san lấp và xây dựng “nhảy múa”, nguồn cát không ổn định khiến nhà thầu gặp khó khăn. Hiện tại, giá cát san lấp mặt bằng dao động từ 190.000-210.000 đồng/m3, giá cát xây từ 300.000-320.000 đồng/m3 tùy loại, cao hơn khá nhiều so với các năm trước. Ông nói: “Do đã nhận thầu từ trước nên chúng tôi phải hoàn thành đúng tiến độ chứ giá cát cao như vầy thì gần như nhà thầu không có lời”.

Do thiếu cát trầm trọng, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu cát từ Campuchia qua tỉnh An Giang. Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) cho hay, có 11 doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 2,5 triệu mcát qua cửa khẩu này. Giá cát mua được kê trong tờ khai hải quan là 6 USD/m3, tương đương 140.000 đồng/m3. Sau khi nhập khẩu cát về, doanh nghiệp còn phải đóng thuế giá trị gia tăng 10%. 

Ông Lê Thanh Chương (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho rằng, trên thực tế, lượng cát được khai thác hằng năm ở ĐBSCL có thể lên tới 28 triệu m3, vượt xa con số báo cáo.

Giám đốc một công ty chuyên khai thác cát ở sông Tiền, nay chuyển qua nhập cát từ Campuchia, tiết lộ: “Khoảng năm 2009, Campuchia đóng cửa các mỏ cát. Từ đầu năm 2022 tới nay, họ mở cửa trở lại nhưng rất hạn chế và chỉ bán cho phía Việt Nam, không xuất bán sang nước thứ ba”. 

Cát nhập khẩu từ Campuchia chủ yếu là cát vàng, loại cát tốt nhất trong các loại cát sông. Cát vàng có nhiều loại nên có nhiều mức giá khác nhau: loại 1,4mm có giá 170.000 đồng/m3, loại 2,2 - 2,5mm có giá 270.000-280.000 đồng/m3. Sau khi cộng các chi phí như thuê sà lan, nhân công, giá cát vàng loại 2,2 - 2,5mm tại cửa khẩu Vĩnh Xương dao động từ 320.000-370.000 đồng/m3.

Nguồn cát đang dần cạn kiệt

Theo công bố của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào giữa năm 2022, hiện trữ lượng cát sông ở ĐBSCL còn khoảng 66,6 triệu m3 đã được cấp phép, với lượng khai thác khoảng 15 triệu m3/năm, tức khoảng 28 triệu tấn/năm.

Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, với dân số của ĐBSCL hiện nay, ước tính, nhu cầu cốt liệu (vật liệu dạng hạt để trộn với xi măng) khoảng 100 triệu tấn/năm, trong đó gồm 30 triệu tấn cát, chủ yếu là cát sông. Nhu cầu hiện tại đã vượt xa trữ lượng nguồn cung dẫn đến tình trạng khai thác quá mức. 

Ông Hoàng Việt - Quản lý chương trình nước của WWF tại Việt Nam - phân tích, việc các tỉnh ĐBSCL đang khai thác lượng cát rất lớn nhưng vẫn thiếu cát là do cát chủ yếu được dùng để san lấp. Việc phát triển hạ tầng giao thông cần rất nhiều cát, dẫn đến tình trạng cầu vượt cung.

Sắp tới, nhiều công trình giao thông trọng điểm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được khởi công, cần lượng cát lớn để san lấp nên dự báo tình trạng thiếu cát sẽ thêm trầm trọng, cần phải có vật liệu thay thế - ẢNH: VĂN PHƯỚC
Sắp tới, nhiều công trình giao thông trọng điểm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được khởi công, cần lượng cát lớn để san lấp nên dự báo tình trạng thiếu cát sẽ thêm trầm trọng, cần phải có vật liệu thay thế - Ảnh: Văn Phước

Theo nghiên cứu của WWF, hằng năm, lượng trầm tích ở các con sông thuộc vùng ĐBSCL bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và do các đập thủy điện ở thượng nguồn giữ lại. Con số này sẽ còn tăng trong các năm tới.

Theo Ủy hội sông Mê Kông, nếu so sánh giữa năm 2014 với năm 1992 thì tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Khi có thêm 11 đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông, tải lượng phù sa mịn giảm còn khoảng 42 triệu tấn/năm. Gần như toàn bộ cát, sỏi sẽ bị đập thủy điện chặn lại, không thể về ĐBSCL. Do vậy, lượng cát ở đáy sông Tiền, sông Hậu sẽ không còn được bổ sung trong tương lai. 

Theo WWF, việc khai thác cát quá mức đã làm mất ổn định địa mạo đáy sông, xói mòn bờ sông, làm xói sâu lòng sông và khiến mực nước trên các kênh chính suy giảm. Ngoài ra, tình trạng này còn khiến nước biển mặn tràn vào ruộng đồng, ảnh hưởng đến tính ổn định bờ sông và tác động đến năng suất lúa gạo cũng như thủy sản. 

“Tình trạng này có thể tác động lớn đến kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL. Khoảng 70% dân số của vùng này sống dựa vào nông nghiệp. ĐBSCL là một trong những vùng có năng suất lúa cao trên thế giới, thường được gọi là vựa lúa của Việt Nam với sản lượng hơn 16 triệu tấn gạo hằng năm. Do đó, cần có hành động khẩn cấp đối với tình trạng khai thác cát quá mức” - ông Hoàng Việt nói.

Không thể chỉ trông chờ vào cát

Theo khảo sát mới đây của WWF, nhu cầu cốt liệu ở Việt Nam khoảng 4 tấn/người, tương đương 400 triệu tấn/năm; trong đó, khu vực ĐBSCL và TP.HCM cần 100 triệu tấn/năm, gồm 30 triệu tấn cát. Nhu cầu cát đã vượt xa nguồn cung từ sông. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào cát thì việc phát triển hạ tầng sẽ không đảm bảo. 

Lời giải cho bài toán này chính là vật liệu thay thế. Các công trình hạ tầng giao thông ở ĐBSCL cần hướng đến các vật liệu thay thế như cát nghiền, cốt liệu tái chế và dùng vật liệu cấp thấp để san lấp. Theo ông Hoàng Việt, các phương án thay thế có thể giải quyết tình trạng khan hiếm cát, đồng thời thu được lợi nhuận từ các sản phẩm phụ hoặc nguyên liệu phế thải, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Hoàng Việt cho rằng, ĐBSCL đang thiếu cát để san lấp nhưng sắp tới lại cần xây nhiều đường cao tốc. Nếu làm theo cách truyền thống là đào đường rồi dùng cát hoặc bùn cát bồi đắp, sẽ cần một lượng cát rất lớn. Ngoài ra, các công trình xây dựng này có thể ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt là dòng lũ từ thượng nguồn về bởi nước lũ ở ĐBSCL chảy tràn chứ không chảy theo các nhánh sông. Việc làm nền đường cao lên sẽ chia cắt cánh đồng lũ. 

Sà lan chờ bơm cát ở khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - ẢNH: NGUYỄN QUỐC
Sà lan chờ bơm cát ở khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - Ảnh: Nguyễn Quốc

Ông Lương Văn Hùng - chuyên viên Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết, theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hằng năm khoảng 130 triệu m3 nhưng nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu. 

“Vấn đề cấp bách là phải tìm vật liệu thay thế cát. Nếu cứ khai thác cát một cách không kiểm soát, sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. Ngoài ra, chúng tôi đã khuyến nghị nên nghiên cứu làm dạng đường cao tốc trên cao để không chia cắt cánh đồng lũ, dù rằng chi phí hơi cao”. 

Ông Hoàng Việt - Quản lý chương trình nước của WWF tại Việt Nam

Về giải pháp cho vật liệu thay thế cát tự nhiên, ông Lương Văn Hùng cho hay, Việt Nam có nguồn tài nguyên đá xây dựng với trữ lượng hàng chục tỷ m3 và nguồn tài nguyên cát, sỏi sạn trên biển hàng trăm tỷ m3, đủ để đáp ứng nhu cầu thay thế nguồn cát, sỏi lòng sông.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương có nguồn đá tự nhiên đã đầu tư các dây chuyền sản xuất cát nghiền với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao. Năng lực sản xuất cát nghiền ở nước ta cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Cát nghiền có thể thay thế 100% hoặc thay thế một phần cát tự nhiên.

Ông Lương Văn Hùng cũng cho biết, cùng với cát nghiền, cách đây hai năm, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường sử dụng chất thải của ngành công nghiệp làm vật liệu xây dựng, như tro, xỉ, phế thải xây dựng, chất thải của công nghiệp khai khoáng.

Ông thông tin: “Đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng”. 

Nhiều nước đã dùng cát nghiền thay cát sông

Theo WWF tại Việt Nam, thành phố thủ phủ của bang Telangana, Ấn Độ là Hyderabad từ lâu đã dùng cát nghiền thay cát sông trong xây dựng, sau khi Chính phủ Ấn Độ cấm khai thác cát sông. Hiện ở Ấn Độ, các đơn vị khai thác mỏ đá cứng đã đầu tư máy móc để sản xuất cát nghiền, khắc phục tình trạng thiếu cát tự nhiên trong xây dựng. Giá cát bao gồm phí vận chuyển ở Mumbai đã ổn định ở mức 9,5 USD/tấn. Các nước như Trung Quốc, Malaysia cũng đã dùng cát nghiền thay cát tự nhiên.

Nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông với công suất 6 triệu m3/năm nhưng sẽ cắt giảm sản lượng khai thác vào các năm sau. Từ năm 2022-2025, nhu cầu dùng cát ở tỉnh này bình quân khoảng 10 triệu m3/năm. Riêng trong năm 2022, nguồn cát khai thác được ở tỉnh này chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu.

Năm 2022, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 26 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực, với tổng khối lượng khai thác 3,8 triệu m3/năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát cho các công trình có vốn ngân sách nhà nước là 7,2 triệu m3, các công trình dân dụng là 2,1 triệu m3.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã nâng trữ lượng khai thác cát trên sông Tiền từ 740.000m3 lên 1,1 triệu m3, thời gian khai thác trong sáu tháng. Giá cát rời tại mỏ là 79.200 đồng/m3. Việc tăng sản lượng khai thác nhằm cung cấp đủ cát cho công trình xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 91 và tuyến đường tránh TP.Long Xuyên. 

Nhiều doanh nghiệp dùng tro, xỉ để san lấp mặt bằng

Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) - tính từ đầu năm 2022 đến ngày 25/10, ba nhà máy nhiệt điện trực thuộc công ty thải ra 887.597 tấn tro, xỉ. Mức tiêu thụ tro, xỉ đạt 98,35% với giá bán bình quân 23.000 đồng/tấn. Trong năm 2021, các nhà máy trên thải ra hơn 1 triệu tấn tro, xỉ và tỷ lệ tiêu thụ trên 83%. 

Ông cho biết thêm, hiện nay, tro bay và xỉ đáy lò của các nhà máy nhiệt điện của công ty đã được cấp chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp mặt bằng, tro bay hợp quy dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng. Vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua tro, xỉ. Mặt khác, trong điều kiện nguồn cát sông ngày càng khó kiếm và giá tăng cao, việc chọn tro, xỉ để san lấp mặt bằng được nhiều nhà thầu quan tâm nhờ giá rẻ. 

Sơn Vinh - Nguyễn Quốc - Văn Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI