PNO - Trong hai năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, từng bước ổn định hoạt động kinh doanh, tạo thêm việc làm cho lao động nữ. Để được như thế, các doanh nghiệp đều nhận được sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ Hội Phụ nữ các cấp.
Chúng tôi đến Công ty TNHH MTV Ba Tre (xã Phú Cường, H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) do chị Nguyễn Thúy Kiều làm Giám đốc. Không khí làm việc của các công nhân tại đây đang rất khẩn trương. Hiện tại, công ty đang sản xuất 10 sản phẩm từ sen, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh là ngũ cốc hạt sen, sen trà, bột sữa sen, trà lá sen và trà thảo mộc, mỗi tháng cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn sản phẩm với giá dao động từ 85.000-150.000 đồng/sản phẩm trọng lượng 0,5kg.
Chế biến các sản phẩm từ sen tại Công ty TNHH MTV Ba Tre (H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)
Để thành công như hôm nay, chị Kiều đã trải qua quá trình phấn đấu bền bỉ, thăng trầm. Chị bộc bạch: “Năm 2019, chị tham gia Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đồng Tháp, từ đó sản phẩm được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn thông qua các chương trình kết nối, quảng bá của Hội Phụ nữ. Ngoài ra, doanh nghiệp của chị còn được Hội LHPN các cấp cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ cho vay hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc và thiết bị công nghệ hiện đại, giúp chế biến ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống từ sen, Công ty TNHH MTV Ba Tre đã chủ động sản xuất thêm những sản phẩm thiết yếu cung cấp cho bữa cơm hằng ngày như khô, mắm, dưa mắm các loại… Ngoài ra, khi tham gia vào các lớp tập huấn do các cấp Hội Phụ nữ tổ chức đã giúp công ty tăng cường bán hàng qua các kênh online, live stream và sàn thương mại điện tử. Dự báo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ sen vào những tháng cuối năm sẽ tăng, vì vậy công ty đã chủ động mở rộng liên kết với các nông dân trồng sen nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất tôm khô và cá khô các loại, chị Lê Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (xã Phong Đông, H.Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) - cho biết, vào thời điểm hiện tại HTX đang tăng cường sản xuất để phục vụ thị trường trước mắt và sẵn sàng phục vụ nhu cầu của thị trường tết 2023 tới. Theo chị Thoa, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường hơn 8 tấn tôm khô đặc sản Vĩnh Thuận (giá từ 580.000-700.000 đồng/kg), hơn 1 tấn khô cá lóc (khoảng 250.000 đồng/kg), hơn 1 tấn khô cá kèo (khoảng 300.000 đồng/kg), gần 1 tấn mắm tôm chua (180.000 đồng/kg) và 1 tấn mắm cá lóc (200.000 đồng/kg)… Cả 5 sản phẩm vừa nêu đều đạt OCOP 3 sao.
Chị Kim Thoa bên các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (xã Phong Đông, H.Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang)
Cùng với việc sản xuất các sản phẩm trên, HTX còn mở thêm nhiều cơ sở đan lục bình tạo việc làm cho hơn 300 chị em phụ nữ nông thôn với thu nhập bình quân khoảng 150.000 đồng/ngày/người. “Việc khôi phục sản xuất sau dịch bệnh đang dần ổn định. Ngoài sự nỗ lực của tập thể, HTX còn được hỗ trợ, giúp sức của Hội Phụ nữ các cấp cùng các ngành chức năng. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho chị em phụ nữ…” - chị Thoa cho biết. Chị Nguyễn Thị Mỹ Sen - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Năm Vạn (tỉnh Kiên Giang, kinh doanh hải sản) - nói: “Là thành viên của Hội Nữ doanh nhân tỉnh, thời gian qua chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các cấp Hội Phụ nữ và ngành chức năng. Nhờ đó, doanh nghiệp đang dần khôi phục việc kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động…”.
Không ngừng phát triển mặt hàng mới
Theo bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Kiên Giang - nhằm giúp các nữ doanh nhân trong tỉnh sớm ổn định sản xuất sau dịch, từ đầu năm đến nay, Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật cho các thành viên, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, tham gia lễ hội nước mắm truyền thống ở Phú Quốc, thực hiện dự án “Cửa hàng sản phẩm truyền thống và bản địa”… Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Cà Mau nhìn nhận, phụ nữ ngày càng tự tin khởi nghiệp, năng động, sáng tạo, chịu học hỏi,
HỘI LHPN CÁC ĐỊA PHƯƠNG SÁNG TẠO TRONG HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP Năm 2020 - 2021, trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, nhiều nữ doanh nhân đã thích ứng tốt và có nhiều sáng tạo trong việc ứng dụng mạnh mẽ internet, mạng xã hội để kết nối hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Nhiều chị đã chủ động kết nối và sẵn sàng kết nối khi được Hội LHPN các tỉnh thành ngỏ ý mời; chung tay với các hoạt động an sinh xã hội thông qua các chương trình siêu thị/phiên chợ 0 đồng và giải cứu nông sản do Hội tổ chức. Tiêu biểu như Hội LHPN tỉnh Kiên Giang phối hợp và giới thiệu 37 sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. Các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang còn thành lập phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại trụ sở Tỉnh Hội, góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Bà TRẦN THỊ HUYỀN THANH - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trưởng ban Công tác phía Nam
nhanh chóng tiếp cận công nghệ hiện đại, nhạy bén nắm bắt thị trường, đổi mới phương thức phát triển kinh doanh theo hướng đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhờ sự chịu khó, nhanh nhạy, nên trong dịch bệnh, các chuỗi cung ứng dù bị đứt gãy, nhưng chị em vẫn nhanh chóng chuyển sang các kênh bán hàng qua mạng.
Theo bà Võ Kim Thoa - Chủ tịch Hội LHPN TP.Cần Thơ - thời gian qua Hội đã hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ bằng nhiều hình thức như giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm định kỳ với câu lạc bộ Doanh nhân nữ Việt Nam, Hội Nữ doanh nhân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Qua những hoạt động đó, chị em được nâng cao hiểu biết về sản phẩm, về thị trường để phát triển các mặt hàng mới, chất lượng, mang lại giá trị cao. Đến nay, Hội LHPN TP.Cần Thơ đã giúp 468 chị em khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sản phẩm do phụ nữ sản xuất đạt OCOP từ 3 sao trở lên như trà mãng cầu, mắm cá tra, cơm rượu, rượu mận… Tới đây, Hội LHPN thành phố tiếp tục phối hợp với các ban ngành để tăng cường kết nối, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho chị em; giúp chị em sản xuất theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện hỗ trợ chị em khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm mở rộng kinh doanh…
Tại Đồng Tháp, bà Lê Thị Hồng - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh - cho hay: “Đến nay 113 thành viên của Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến cuối năm 2022 là thời điểm đẩy mạnh hoạt động, tạo thêm nhiều việc làm và tăng doanh thu để đạt các chỉ tiêu đề ra…”. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp - thông tin, sẽ xây dựng, phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, nhân tố mới tích cực trên các lĩnh vực; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng doanh nghiệp nữ; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nhân nữ nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh…
Ngày 4/1, khoảng 500 bà con tại xã đảo Thạnh An, (huyện Cần Giờ, TPHCM) đã tập trung để tham gia chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2025