Đồng bằng sông Cửu Long: Doanh nghiệp chật vật chống chọi với dịch bệnh

08/12/2021 - 10:16

PNO - Đầu tháng 11, các doanh nghiệp chế biến tôm ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu tăng tốc để kịp hoàn thành các hợp đồng cuối năm. Và đây cũng là lúc dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại.

Tại Sóc Trăng, ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty cổ phần (CP) Thực phẩm Sao Ta - chia sẻ: “DN chúng tôi đã tăng tần suất tầm soát, thậm chí xét nghiệm kháng nguyên và PCR mẫu gộp hằng ngày. Tất cả người lao động nghỉ định kỳ trong tuần, trở lại đều phải kiểm tra toàn bộ, nhưng vẫn có ca dương tính, kể cả người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Máy kiểm RT PCR của công ty hoạt động không ngừng nghỉ. Lãnh đạo công ty họp liên tục, quyết tâm giữ thành trì dù quân số vơi hằng ngày vì F0, F1 và lao động kẹt trong vùng dịch không thể đi làm”.  

Ông Võ Văn Phục - TGĐ Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) - cho biết: “Hiện cả hai nhà máy của Vinacleanfood chỉ còn lại khoảng 50% lao động, nên mấy ngày nay, công ty không thu mua tôm thêm mà chỉ dùng nguyên liệu dự trữ để sản xuất. Chi phí xét nghiệm mỗi ngày rất lớn và chưa biết khi nào mới chấm dứt”. 

Các doanh nghiệp chế biến tôm vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất để kịp hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu cuối năm. (Ảnh: Công nhân Công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam chế biến tôm xuất khẩu) - ẢNH: X.TRƯỜNG
Các doanh nghiệp chế biến tôm vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất để kịp hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu cuối năm. (Ảnh: Công nhân Công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam chế biến tôm xuất khẩu) - Ảnh: X.Trường

Tại Cà Mau, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp nhưng theo ông Đặng Ngọc Sơn - Phó TGĐ Công ty CP Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) - sản xuất vẫn không thể dừng, hiện chưa phát hiện có ca nhiễm trong nhà máy. Ông Sơn chia sẻ: “Các trường hợp F1 thì cho cách ly tại nhà, còn F2 vẫn làm việc bình thường. Chúng tôi tầm soát thường xuyên để phát hiện, cách ly, khoanh vùng sớm để đảm bảo an toàn cho sản xuất. Thời điểm này đối với DN yếu tố an toàn còn quan trọng hơn cả mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm nữa”.

Những ngày gần đây, số ca dương tính ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày một tăng lên, nhất là hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, nên số lượng lao động tại các DN càng lúc càng giảm. Ông Võ Văn Phục cho biết: “Các DN đã dùng đủ mọi cách để giữ chân lao động như: thuê khách sạn, tăng suất ăn, tiền hỗ trợ, tần suất xét nghiệm, độ an toàn trong đưa đón… nhưng số lượng lao động vẫn cứ vơi dần”. 

Tình trạng âu lo, căng thẳng đang diễn ra phổ biến ở các DN chế biến tôm. Cứ nghe tin ở ấp, xã nào có người nhiễm bệnh là DN phải lập tức rà soát lại những công nhân của mình có liên quan đến địa bàn đó để sàng lọc, xét nghiệm và sắp xếp chỗ ở tại chỗ. Cảnh dễ thấy trước các nhà máy là mỗi sáng sớm, công nhân xếp hàng test nhanh để vào làm việc. Những ngày gần đây, dòng người chờ test nhanh càng dài hơn do các DN tăng tần suất test dày đặc hơn. Ông Hồ Quốc Lực cho biết các biện pháp ứng phó của DN đang tăng cấp độ theo tình hình dịch bệnh ở địa phương. Trước đây công ty ông cứ bảy ngày thì test 20% công nhân, sau đó là ba ngày tổ chức test 20% công nhân, và nay là cứ ba ngày thì test toàn bộ công nhân. “May là nỗi lo của chúng tôi đã có phần bớt đi khi toàn bộ công nhân đều đã được tiêm hai mũi vắc-xin nên nếu có mắc, đa số đều ở thể nhẹ”.

Dịch bệnh đang khiến các DN chật vật ứng phó, tuy nhiên điều khả quan là đến nay, hầu hết các DN chế biến tôm xuất khẩu đều có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt. Một số DN cho biết sẽ hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2021 sớm từ 3-4 tuần, lợi nhuận không thua kém so với năm 2020. 

Xuân Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI