Đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún nghiêm trọng

22/03/2021 - 13:58

PNO - Nội ô Cần Thơ có tốc độ sụt lún cao nhất toàn thành phố, đặc biệt ở các khu công nghiệp đang sử dụng một lượng lớn nước ngầm... Ở quy mô Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù có nguồn nước ngọt dồi dào từ lưu vực sông Mê kông, việc khai thác nước ngầm vẫn tăng theo cấp số nhân từ cuối những năm 1990, với thể tích hơn 2,5 triệu mét khối mỗi ngày.

Ngày 22/3, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo về quản trị tình trạng sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên ngành, cũng như đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước tại TP. Cần Thơ.

"Sụt lún đất đang xảy ra tại TP. Cần Thơ thể hiện qua các tác động đến cơ sở hạ tầng của thành phố mà người dân có thể nhận thấy những thay đổi. Một khảo sát từ năm 2015 đến 2019 cho thấy TP. Cần Thơ là điểm nóng về sụt lún, với tốc độ vượt quá 5cm/năm ở hầu hết các khu vực. Một trong những nguyên nhân gây ra sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức, đồng thời việc gia tăng cơ sở hạ tầng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất ở các đô thị", thông điệp chính tại hội thảo đưa ra. 

Một vụ sụt lún nghiêm trọng tại Cà Mau
Một vụ sụt lún nghiêm trọng tại Cà Mau

Được biết, trước đó, Dự án Quản trị tình trạng sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành việc khảo sát nghiên cứu tại 4 tỉnh thành Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cần Thơ với các thông tin và phân tích cụ thể về về hiện trạng sụt lún, quản lý và điều hành nước ngầm tại từng địa phương. Các khảo sát trên là bước đầu để tạo cơ sở đề xuất hỗ trợ cho từng tỉnh thành trong việc xây dựng chính sách trong thời gian tới.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã nêu ra về hiện trạng nội ô Cần Thơ có tốc độ sụt lún cao nhất toàn thành phố, đặc biệt ở các khu công nghiệp đang sử dụng một lượng lớn nước ngầm. Do sụt lún và nhiều yếu tố khác, các khu vực đô thị đang bị ngập lụt nhiều hơn. Và do đó, quản lý nước ngầm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực này.

Các đại biểu thảo luận về hiện trang khai thác nước ngầm và các hướng giải quyết, khắc phục...
Các đại biểu thảo luận về hiện trạng khai thác nước ngầm và các hướng giải quyết, khắc phục...

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sút lún là do khai khác nước ngầm quá mức. Dân số tăng nhanh và sự phát triển tại các khu công nghiệp dẫn đến nhu cầu nước (ngầm) cao, đáng quan ngại về khai thác nước ngầm quá mức, đặc biệt ở các khu công nghiệp. Cụ thể, mực nước ngầm ở khu vực khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy và Ô Môn, TP. Cần Thơ) giảm nhanh từ năm 2000 đến 2015 do việc khai thác nước ngầm quá mức ở hầu hết các doanh nghiệp trong khu vực. 

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra thách thức tác động, một số vùng của TP. Cần Thơ có thể mất toàn bộ độ cao so với mực nước biển nếu không giảm thiểu việc khai thác nước ngầm. Cùng với đó là tình trạng ngập lụt gia tăng khi triều cường tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống của các đô thị. Các địa phương có khu công nghiệp Trà Nóc, Thốt Nốt cũng đang gánh chịu tình trạng này và tải trọng cơ sở hạ tầng làm trầm trọng thêm việc sụt lún.

Sụt lún nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đời sống của nhiều người dân tại Đồng bằng sông Cửu Longgây thiệt hại đến
Sụt lún nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng lớn đời sống của hàng triệu người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long

Ở quy mô Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù có nguồn nước ngọt dồi dào từ lưu vực sông Mê kông, việc khai thác nước ngầm vẫn tăng theo cấp số nhân từ cuối những năm 1990, với thể tích hơn 2,5 triệu mét khối mỗi ngày. Kết quả từ 287 mốc chuẩn quan trắc cho thấy tốc độ sụt lún toàn vùng trung bình từ năm 2005 đến 2017 lên tới 5,7cm mỗi năm, cộng dồn độ lún tích lũy giai đoạn này cao nhất lên đến 62,6cm. Tốc độ sụt lún đo được trong giai đoạn 2014 - 2019 cao hơn đáng kể so với ước tính sụt lún từ một thập kỷ trước (2006 - 2010).

Tại Cần Thơ, cũng giống như phần còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sụt lún đất đang càng ngày gia tăng, dẫn đến bề mặt đồng bằng chìm dần theo thời gian... 

Ông Laurent Umans - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, tại đất nước ông cũng gặp phải tình trạng tương tự, cá biệt có nơi vùng chăn nuôi bị sút lún đến 4 mét. Giải pháp về phương diện kỹ thuật là giảm chăn nuôi vùng sụt lún, bơm nước mặt... và đã phải tốn kém nhiều kinh phí để giải quyết các hậu quả, biện pháp khắc phục...

Theo TS Hà Quang Khải (ĐH Bách khoa TPHCM), dự án lập Quy hoạch tài nguyên nước (bao gồm nước mặt và nước ngầm) do Bộ Tài nguyên - môi trường thực hiện đã có nhưng chưa rõ thời gian triển khai thực hiện.

Nhiều đại biểu đã đưa ra những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai phương án khoanh định các vùng hạn chế khai thác và kiểm soát việc khai thác nước ngầm theo Nghị định 167 của Chính phủ, tính liên kết vùng khai thác, tỷ lệ khai thác bền vững... 

Đông Phong

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI